Cách nào tái khởi động nền kinh tế Trung Quốc? (Nguồn: CNfocus) |
Quý I/2020, GDP của nền kinh tế thứ hai thế giới đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần sụt giảm GDP đầu tiên kể từ năm 1992. Hiện tại, sau khi dịch bệnh qua giai đoạn bùng phát, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đưa các doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại.
Ba giải pháp tình thế
Đầu tư cho các cơ sở hạ tầng mới là một trong ba biện pháp được cho là có thể cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc. Giống như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã khởi động nền kinh tế với khoản chi tiêu 4.000 tỷ NDT.
Câu hỏi là liệu Bắc Kinh có làm như vậy một lần nữa với gói chi tiêu tương tự hoặc lớn hơn. 15 tỉnh của Trung Quốc đã công bố danh sách các dự án lớn trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo, bắt đầu từ năm tài khóa 2020. Tổng vốn đầu tư vào các dự án này sẽ lên tới gần 34.000 tỷ NDT.
Nhưng lần này mục tiêu chính là cơ sở hạ tầng mới. Gói chi tiêu năm 2008 dành cho cơ sở hạ tầng truyền thống như đường cao tốc, cầu và đường sắt cao tốc. Gói chi tiêu mới hướng đến các dự án xây dựng lớn, các nhà máy thép, thủy tinh và xi măng để đáp ứng nhu cầu mới. Trọng tâm của Bắc Kinh là phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng mới, đặc biệt là công nghệ ABCD (trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, điện toán đám mây và dữ liệu lớn).
Biện pháp thứ hai là gia tăng sự phụ thuộc vào cơ chế thị trường cho các yếu tố sản xuất như lao động, đất đai và vốn. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ phân cấp quyền phê duyệt sử dụng đất cho chính quyền tỉnh. Tức là chính quyền địa phương được trao quyền phê duyệt các dự án vốn trước đây bị cho là bất hợp pháp về mặt kỹ thuật. Hệ thống đăng ký hộ khẩu cũng sẽ được nới lỏng hơn nữa để cho phép người lao động tại nông thôn di chuyển tự do vào các thành phố vừa và nhỏ.
Các động thái này nhằm thúc đẩy các giao dịch đất đai, khuyến khích đô thị hóa, dịch chuyển lao động… là những yếu tố có khả năng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một biện pháp hiệu quả khác được cho là sẽ cứu vãn nền kinh tế khỏi giai u ám và tâm lý là kích thích tiêu dùng bằng cách phát hành phiếu mua hàng (voucher) cho từng hộ gia đình.
Giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc cho đến nay vẫn tập trung vào việc giúp các công ty hoạt động và tiếp tục trả lương cho công nhân. Nhưng các nhà kinh tế khuyến nghị cần phải mạnh tay hơn nữa - cụ thể là phát hành voucher cho mọi người, để thúc đẩy chi tiêu nhằm giữ cho nhu cầu thị trường tồn tại.
Chính quyền thành phố Hàng Châu đã tích cực phát hành voucher điện tử để mọi người chi tiêu theo ý muốn. Voucher điện tử được ưu tiên hơn việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân vì giới chức tin rằng, nếu Chính phủ đơn giản đưa cho người dân một tấm séc, họ có thể chọn không chi tiêu ngay lập tức mà bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm, nếu vậy sẽ không đạt mục đích tạo ra tiêu dùng.
Ổn định xã hội và công bằng
Nhận định của tờ Straits Times cho rằng, những biện pháp trên vẫn không đủ để cứu nền kinh tế Trung Quốc.
Những hình thức cơ sở hạ tầng mới không còn phù hợp để giải cứu một nền kinh tế hiện đại, đa dạng, phức tạp hơn và đã tăng gấp 3 lần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Cũng sẽ rủi ro nhiều hơn trong việc phân cấp quyền phê duyệt giao dịch đất đai cho chính quyền tỉnh. Tự do hóa hệ thống đăng ký hộ gia đình cũng sẽ bị một nhược điểm nghiêm trọng, đó là sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương trong việc cung cấp dịch vụ xã hội cho những người lao động nhập cư, có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định xã hội quy mô lớn.
Chỉ còn một trong những biện pháp mà Bắc Kinh có thể triển khai là đưa tiền trực tiếp cho người dân. Phân phối tiền mặt có thể hiệu quả hơn so với việc cung cấp voucher tiêu dùng. Voucher có thời hạn sử dụng còn tiền mặt thì không.
Các nhà kinh tế chính thống lo ngại mọi người có thể không chi tiêu tiền mặt, do đó không đạt được mục đích khuyến khích tiêu dùng. Nhưng họ không hoàn toàn đúng. Những gì cần làm là phân phối tiền mặt đúng chỗ, cho những người cần nhất. Ngay cả khi mọi người không sử dụng tiền mặt và thay vào đó, họ đưa vào ngân hàng thì cũng sẽ giúp họ ổn định về mặt tâm lý.
Nếu Chính phủ Trung Quốc có thể giảm bớt suy thoái kinh tế bằng cách phát tiền mặt và các kế hoạch phù hợp khác cho 30% người có thu nhập thấp nhất, sẽ giúp ổn định xã hội. Nếu nền kinh tế thực sự đang dần hồi phục thì một xã hội ổn định là yếu tố tiên quyết và cần thiết.
Quan trọng hơn, chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào "cơ sở hạ tầng mềm" - mạng lưới an toàn xã hội và cải thiện phúc lợi xã hội, y tế công cộng, nhà ở và giáo dục sẽ mang lại cho nền kinh tế thứ hai thế giới nền tảng vững chắc hơn để phát triển thời kỳ hậu Covid -19.
Không có cơ sở hạ tầng vững chắc, người nghèo sẽ không thể thoát khỏi bẫy nghèo, tầng lớp trung lưu cũng thiếu một cơ sở thể chế vững chắc. Kết quả cuối cùng là nền kinh tế sẽ khó chuyển đổi thành dựa trên tiêu dùng - là mục tiêu chính của Bắc Kinh.
Cuối cùng, đầu tư "cơ sở hạ tầng mới" cũng sẽ trở nên có ý nghĩa hơn trong bối cảnh cơ sở hạ tầng mềm vững chắc. Sau nhiều thập kỷ xây dựng cơ sở hạ tầng cứng, đã đến lúc Trung Quốc cần chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng mềm, điều này sẽ dẫn đến một xã hội công bằng và hiệu quả hơn.
| Nhà Trắng 'thất vọng và khó chịu' về mối quan hệ với Trung Quốc TGVN. Trong cuộc họp báo ngày 6/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết mối quan hệ Mỹ-Trung là một trong những nỗi ... |
| Quan chức EU: EU không 'khờ dại' trong quan hệ với Trung Quốc TGVN. Ngày 5/5, Ủy viên phụ trách công nghệ của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton tuyên bố, EU không ngờ nghệch trong quan ... |
| Kinh tế Trung Quốc sẽ thế nào khi 'đi trước một bước' trong cuộc đua hậu Covid-19? TGVN. Trung Quốc đang đi trước thế giới một bước trong cuộc đua phục hồi hậu Covid-19, song việc khởi động lại con tàu kinh ... |