Các nhà khoa học lý giải, các lỗ hổng tầng ozone bên trên Nam Cực có thể gây ra những cơn gió mạnh có lợi cho sự hình thành băng trên biển. Một lý do khác là các dòng sông băng tan chảy và những dải băng ở lục địa Nam Cực đang gây ra một quá trình ngọt hóa bề mặt nước biển và do đó đã tạo ra những khu vực đóng băng rất dày, có nơi lên tới 10m.
Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), các yếu tố địa chất - địa hình của Nam Cực và độ sâu của đại dương tại đây có ảnh hưởng tới hướng gió và các dòng hải lưu, từ đó liên quan tới sự hình thành các lớp băng trên biển Nam Cực và giúp duy trì lớp băng này.
Gió và địa hình phức tạp ở Nam Cực có vai trò quan trọng trong việc hình thành lớp băng dày ở đây. (Nguồn: DNews) |
Không giống như ở Bắc Cực, băng bề mặt ở Nam Cực gần như tan hoàn toàn trong suốt mùa Hè rồi sau đó xuất hiện trở lại vào mùa Thu và đầu mùa Đông.
Bằng cách phân tích các dữ liệu từ vệ tinh QuikSCAT của NASA, nhà nghiên cứu Son Nghiem và các đồng nghiệp của ông tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion (NASA) đã phát hiện ra rằng, vào đầu mùa Thu, lớp băng biển được gió đẩy ra ngoài khơi, tạo thành một “lá chắn bảo vệ” với thành phần là lớp băng dày và già, trôi nổi trên biển xung quanh lục địa.
Theo nhóm nghiên cứu, do gió thổi và do địa hình của Nam Cực, các lớp băng chồng đống lên nhau, tạo thành “lá chắn khổng lồ” và tạo ra các vùng nước “mở” để các lớp băng mới tiếp tục hình thành.