Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio |
Việt Nam là một trong 8 quốc gia được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản lần này, vì sao lại là Việt Nam, ở cấp độ cả đa phương và song phương, thưa Đại sứ?
Lý do Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này là do Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện mục tiêu Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản, đồng thời Việt Nam có khả năng và quyết tâm đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết các vấn đề trọng tâm của cộng đồng quốc tế dự kiến được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này tại Hiroshima.
Trong các nước thành viên ASEAN, chỉ có Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023 và Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này. Các quốc gia không phải là nước Chủ tịch của một diễn đàn hoặc cơ chế hợp tác trong khu vực và trên thế giới được mời tham dự Hội nghị ngoài Việt Nam ra chỉ có Brazil, Hàn Quốc và Australia. Dựa trên ý nghĩa đó, tôi cho rằng các bạn đã phần nào hiểu được việc Nhật Bản vô cùng coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Thêm vào đó, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước hiện nay lên một tầm cao mới trong năm nay tại cuộc hội đàm trực tuyến cấp cao vào tháng Hai vừa qua giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là dấu mốc quan trọng để nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên một tầm cao mới, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho tiến trình này.
Đại sứ đánh giá như thế nào về nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết những “bài toán” mang tên toàn cầu?
Xin được nhắc lại rằng việc Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra tại Hiroshima lần này là minh chứng cho việc Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong tiến trình thực hiện mục tiêu FOIP của Nhật Bản, đồng thời cho thấy sự coi trọng và đánh giá cao của Nhật Bản đối với việc Việt Nam thể hiện mong muốn đóng góp một cách xây dựng và tích cực cho tiến trình giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima lần này, vấn đề biến đổi khí hậu dự đoán sẽ trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi, được đưa ra như một trong những vấn đề trọng tâm cần có sự đồng lòng chung tay giải quyết của cộng động quốc tế. Tôi hy vọng rằng Việt Nam – quốc gia thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ liên quan đến lĩnh vực này thông qua việc Chính phủ Việt Nam đề ra nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050… sẽ đóng góp tích cực vào quá trình thảo luận về vấn đề này trong khuôn khổ Hội nghị.
Việt Nam có khả năng và quyết tâm đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết các vấn đề trọng tâm của cộng đồng quốc tế dự kiến được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này. |
Có thể khẳng định hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản là một điển hình thành công cho những nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Đại sứ đánh giá như thế nào về nỗ lực này?
Với việc đưa nền kinh tế của mình hội nhập vào kinh tế quốc tế, Việt Nam ngày càng mở rộng xuất khẩu, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, và ký kết nhiều hiệp định liên kết kinh tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nội dung chú trọng về khía cạnh tiếp cận thị trường và nguyên tắc dựa trên chủ trương thực hiện phát triển kinh tế.
Phản ánh những nỗ lực đó của Việt Nam, kể từ khi CPTPP có hiệu lực vào cuối năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam đã tăng lên đáng kể, với kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 11,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 12 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022 (nửa năm 2018, cả nhập khẩu và xuất khẩu hai nước đều đạt 8,8 tỷ USD). Bên cạnh đó, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã mở rộng đáng kể về tổng vốn đầu tư lũy kế mặc dù vốn đầu tư mỗi năm có giảm đi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cứ như vậy, việc tích cực tham gia vào hệ thống thương mại đa phương tự do và công bằng dựa trên luật lệ, đẩy mạnh hội nhập kinh tế với cộng đồng quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế sẽ giúp Việt Nam nâng cao sự hiện diện trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư đáp ứng nhiều tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng giao thương và mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài… cũng sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Việt Nam và các đại biểu Nhật Bản tham dự “Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023: Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững” tại Hà Nội, ngày 15/2/2023. |
Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng sạch, kinh tế xanh và kinh tế số?
Hiện tại, vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng đối với thế giới. Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề này, trong khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây thì thảm họa được cho là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn xảy ra hàng năm. Trước tinh hình đó, tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng là đạt đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, và để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh như một chính sách quan trọng của Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của năng lượng xanh, năng lượng sạch và kinh tế xanh.
Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam tập trung vào chuyển đổi năng lượng như sinh khối, hydro, amoniac và CCUS, thông qua “Sáng kiến Công đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC) phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước đối tác để tiến hành hỗ trợ quá trình khử cacbon bằng năng lượng tái tạo… thông qua “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP).
Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện mục tiêu Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản. |
Về chuyển đổi số, tôi được biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công trong lĩnh vực IT nhờ tận dụng được nhiều thế mạnh của mình như nguồn nhân lực khoa học và toán học ưu tú, trẻ tuổi; đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin dồi dào cũng như tư duy kinh doanh tích cực… Ví dụ như chuyển đổi số trong ngành chế tạo – lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh với sự kết hợp giữa phần mềm do các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam phát triển có thế mạnh là một hình thức hợp tác mới giữa Nhật Bản và Việt Nam đang được quan tâm.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
| Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham ... |
| Đại sứ Mỹ Marc Knapper: G7 tin tưởng, đánh giá cao vị thế của Việt Nam Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, việc lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ... |
| Đề nghị JETRO hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam Thủ tướng đề nghị JETRO tiếp tục phối hợp các cơ quan Việt Nam triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường ... |
| Việt Nam đặc biệt coi trọng các nhà đầu tư Nhật Bản Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam kiên định với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ngoài chất lượng cao, đáp ... |
| Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản lớn nhất trong năm sẽ diễn ra tại Tokyo vào đầu tháng 6 Ngày 15/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức họp báo công bố Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản lớn ... |