📞

Tái thiết Ukraine: Lộ kế hoạch của Đức, chưa thể dùng tài sản Nga, xuất hiện những 'gương mặt ngầm'

Linh Chi 13:52 | 12/04/2024
Chính phủ Đức muốn thu hút đầu tư vào Ukraine, bất chấp chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại đất nước này vẫn đang tiếp diễn. Khoảng 1.500 người dự kiến sẽ đến Berlin vào tháng 6 này để tham dự Hội nghị tái thiết Ukraine lần thứ ba.

Ngày 10/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phê duyệt các biện pháp hỗ trợ những công ty tham gia vào quá trình tái thiết ở Ukraine, tập trung vào các khoản tài trợ, mức lãi suất ưu đãi và cũng như bảo đảm mức đầu tư.

Theo thông báo của chính phủ nước này, các biện pháp mới nhất là một phần trong nỗ lực nhằm tìm kiếm "một Ukraine ổn định, dân chủ và thịnh vượng về kinh tế là vì lợi ích của Đức và châu Âu".

Viện trợ tái thiết của Berlin cũng nhằm mục đích hỗ trợ các cải cách để Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Hiện tại, chính phủ Đức đang làm việc với phía Ukraine để đề xuất thành lập một tổ chức tương tự như Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) nhằm hỗ trợ công cuộc tái thiết đất nước của Tổng thống Volodymyr Zelensky tốt nhất.

Chính phủ Đức tuyên bố: "Chỉ riêng quỹ công là không đủ. Do đó, trọng tâm là cần sự chung tay nhiều hơn của khu vực tư nhân vào quá trình tái thiết và hiện đại hóa Ukraine".

Sáng kiến này dự kiến được đưa ra trước Hội nghị tái thiết Ukraine lần thứ ba, diễn ra vào tháng 6 tại Berlin.

Số tiền để tái thiết Ukraine có thể lên tới 1.000 tỷ USD. (Nguồn: Bloomberg)

Giá tái thiết là bao nhiêu?

Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Đức đưa ra một báo cáo gồm 15 điểm nhằm mục đích "huy động khu vực tư nhân để tái thiết Ukraine".

Tuy nhiên, những người thân cận với chính phủ Đức cho biết, hội nghị tại Berlin sẽ nêu bật “4 khía cạnh của công cuộc tái thiết”. Ngoài việc đào tạo công nhân, hỗ trợ cho các thành phố và cộng đồng của Ukraine, việc gia nhập EU cũng sẽ là vấn đề nổi bật.

Giữa tháng 2/2024, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, 486 tỷ USD là con số ước tính để tái thiết Ukraine trong 10 năm - tăng từ mức 411 tỷ USD được đưa ra hồi tháng 3/2023.

Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, mức 486 tỷ USD là con số ước tính trong giai đoạn từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022 đến hết ngày 31/12/2023, đồng thời cũng định lượng thiệt hại về vật chất đối với các tòa nhà, cơ sở hạ tầng khác; sự tác động đến cuộc sống, sinh kế của người dân và chi phí để tái xây dựng.

Trong khi đó, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) thì cho rằng, có thể tốn hơn 1.000 tỷ USD tiền từ khu vực công và tư nhân để xây dựng lại đất nước Ukraine.

Sử dụng tài sản Nga: EU "mở đường", Ukraine "rốt ráo"

Hồi tháng 2/2024, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định về việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Hội đồng EU cho biết: “Động thái này mở đường để EU quyết định về việc có thể thiết lập một khoản đóng góp tài chính cho ngân sách EU được thu được từ lợi nhuận ròng này để hỗ trợ Ukraine, cũng như dành cho quá trình phục hồi và tái thiết của nước này ở giai đoạn sau”.

EU ước tính, Kiev sẽ nhận được khoảng 15 tỷ Euro (tương đương 16,17 tỷ USD) khoản lãi từ tài sản phong tỏa của Moscow trong 4 năm tới.

Thứ trưởng Tư pháp Ukraine Iryna Mudra cho hay, theo chương trình Đánh giá nhu cầu và thiệt hại nhanh lần thứ ba, chi phí cho các nỗ lực tái thiết Ukraine sau xung đột quân sự với Nga ước tính khoảng 486,2 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Bà đánh giá: "Do vậy, hơn 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga đã bị đóng băng trên toàn cầu vẫn còn ít hơn nhiều so với số tiền mà chúng tôi cần cho mục đích phục hồi”.

Quan chức tư pháp Ukraine cho rằng, không công bằng khi đặt gánh nặng tái thiết và cam kết hỗ trợ lên người dân và các đối tác quốc tế, trong khi tài sản bị phong tỏa của Nga vẫn còn nguyên trong tài khoản ngân hàng.

Bà Iryna Mudra nhấn mạnh: "Việc tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa sẽ thể hiện quyết tâm của cộng đồng thế giới không chỉ ủng hộ Kiev mà còn để bảo vệ trật tự thế giới.

Giống như phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky về nguồn lực tài chính cho Ukraine, tiếp tục gây sức ép lên Quốc hội Mỹ, rằng Kiev sẽ thua nếu Washington không hành động - đề cập gói viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ USD vẫn chưa được cơ quan lập pháp nền kinh tế số 1 thế giới thông qua".

Nhưng vấn đề không dễ dàng như vậy, hiện tại, tài sản Nga vẫn "nằm im" trong túi các ngân hàng phương Tây và chưa có quyết định cuối cùng về việc sẽ sử dụng khoản tiền khổng lồ đó như thế nào.

Những tòa nhà ở Bakhmut, Ukraine. (Nguồn: Getty Imades)

Doanh nghiệp "nhập cuộc"

Về phía Ukraine, đất nước Đông Âu đang phải vật lộn để có được viện trợ, chưa nói đến việc xây dựng lại đất nước. Một bước đột phá xảy ra vào đầu tháng 2 vừa qua, khi Hungary ngừng phản đối gói viện trợ trị giá 50 tỷ Euro của EU.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đang thực hiện một số công việc để duy trì hoạt động của đất nước cũng như chuẩn bị cho công cuộc tái thiết.

Đơn cử như các công ty năng lượng Ukraine đã khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hại và công ty nông nghiệp khôi phục các hầm chứa, tuyến đường trung chuyển.

Nhà sản xuất thép lớn nhất nước này - Metinvest BV - ước tính, một khi quá trình tái thiết quy mô lớn bắt đầu, sẽ cần khoảng 3,5 triệu tấn thép để khôi phục nhà ở và cơ sở hạ tầng xã hội trong vòng 5 đến 10 năm. Doanh nghiệp này cho biết, họ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó.

Các công ty Đức cũng theo chính phủ hỗ trợ song phương cho Ukraine. Trong tháng 2, Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall AG công bố kế hoạch thành lập một liên doanh ở Ukraine để sản xuất loại đạn pháo 155 mm đang có nhu cầu cao.

Nhà sản xuất vật liệu xây dựng Fixit đã xây dựng một địa điểm sản xuất mới ở phía Tây Ukraine, trong khi công ty hóa chất Bayer AG cũng công bố đầu tư vào sản xuất hạt giống.

Trong khi đó, Waagner-Biro Bridge Systems - một công ty của Áo chuyên sản xuất cầu vượt bằng thép bắc qua sông và thung lũng - đã bắt đầu sản xuất tại một địa điểm ở phía Tây Ukraine.

Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ không đứng ngoài cuộc, Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat cho biết hồi đầu năm nay rằng, các nhà thầu xây dựng của đất nước đã hoàn thành 70 dự án ở Ukraine trong hai năm xung đột trị giá khoảng 1 tỷ USD. Công ty lớn nhất trong số họ, tập đoàn Onur, đang sửa chữa những cây cầu bị hư hại, chẳng hạn như cầu ở Irpin ở ngoại ô Kiev.

Hợp tác với Tập đoàn Samsung C&T của Hàn Quốc, tập đoàn Onur cũng đang xây dựng các bệnh viện di động ở Ukraine. Công ty muốn tiếp tục tái phát triển sân bay quốc tế Dnipro cùng với một số dự án đường cao tốc.

Emre Karaahmetoglu, điều phối viên chung của công ty ở Ukraine cho biết: "Chúng tôi có hơn 4.000 thiết bị máy móc ở đây và chúng tôi cam kết với Ukraine và chưa bao giờ cân nhắc việc từ bỏ".

Những minh chứng nói trên cho thấy, bằng cách này hay cách khác, vẫn có những nỗ lực ngầm nhằm vực dậy một đất nước đang bị xung đột làm "tổn thương".

(theo DW, Bloomberg)