Cuốn sách gồm những bình luận và nhận định về cách các nước châu Á đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng quyết đoán. (Nguồn: ASPI) |
Cuốn sách mới về vấn đề chiến lược trong các mối quan hệ cường quốc tại châu Á của Giáo sư Lowell Dittmer, chuyên nghiên cứu các vấn đề chính trị, hiện làm việc tại Đại học California, Berkely, được xuất bản vào thời điểm quan trọng, khi các nhân tố khu vực đang đối mặt với thách thức cấp bách đòi hỏi họ phải có phản ứng cụ thể trước ảnh hưởng và quyền lực ngày càng lớn của Trung Quốc.
Vai trò của nhân tố thứ 3
Theo ông Dittmer, Trung Quốc đang tìm cách khôi phục “giấc mộng Trung Hoa” với quyền bá chủ tại nơi mà họ xem là “khu vực tự nhiên” thuộc về mình. Tuy nhiên, khu vực này đang kháng cự tham vọng của Trung Quốc, và “Trung Quốc nhận ra rằng con đường dẫn tới vai trò lãnh đạo châu Á đáng được trọng vọng của họ thực tế lại đầy rẫy những thất vọng”.
Theo tác giả Dittmer, cách tốt nhất để hiểu được “động lực” thúc đẩy Trung Quốc và các nước láng giềng là đặt họ vào một tam giác quan hệ với Mỹ là nhân tố thứ 3. Điều này tạo ra một tam giác chiến lược và mỗi bên tham gia đều tính đến nhân tố thứ 3 khi xử lý mối quan hệ với nhân tố thứ 2.
Mỗi nhân tố đều có vai trò quan trọng với cuộc chơi bởi mối quan hệ của họ sẽ ảnh hưởng tới cán cân chiến lược. Giáo sư Dittmer nhấn mạnh “nguyên tắc của cuộc chơi là tối đa hóa lợi ích quốc gia bằng cách có được càng nhiều tam giác tích cực và càng ít tam giác tiêu cực càng tốt”.
Sự có mặt của Mỹ trong tam giác chiến lược này khiến ưu thế quyền lực bất cân xứng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng bị thu hẹp, và tất nhiên là khiến Bắc Kinh không hài lòng. Điều này lý giải vì sao Trung Quốc luôn tìm cách nhấn mạnh Mỹ là “một quốc gia bên ngoài khu vực”, và xem chính sách đối ngoại của nước này tại đây là một sự “can thiệp”, hay thậm chí là “xâm lược”. Trung Quốc thậm chí còn cảnh báo các nước láng giềng nhỏ hơn “không chọn bên” trong cuộc đối đầu giữa 2 cường quốc.
Sự dàn xếp không ngẫu nhiên
Trong cuốn sách của mình, Dittmer đã nghiên cứu 6 tam giác chiến lược có liên quan tới Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN, Ấn Độ và Australia (ngoài ra còn đề cập tới 2 tam giác nhỏ hơn có liên quan tới Pakistan).
Tam giác Nga-Trung-Mỹ, theo ông Dittmer, là cấu trúc tồi tệ nhất đối với Mỹ. Mối quan hệ Nga-Trung đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đẩy Mỹ vào tình thế đầy bất lợi. Tác giả miêu tả cách Tổng thống Barack Obama đã có một lựa chọn chiến lược khi hướng về phía Trung Quốc, thậm chí là chấp nhận “hạ bớt những bất đồng ngắn hạn về vấn đề Biển Đông”. Tuy nhiên, dưới thời Donald Trump, quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ-Nga suy thoái, trong khi Bắc Kinh và Moscow không ngừng xích lại gần nhau.
Giáo sư Dittmer miêu tả tam giác Nhật-Trung-Mỹ như một cuộc hôn nhân dàn xếp “bao gồm Liên minh An ninh Nhật-Mỹ ở một bên, đối đầu với liên minh Trung-Nga ở phía còn lại”. Tuy nhiên, khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn, tam giác này càng làm nổi bật hơn tầm quan trọng của Nhật Bản và liên minh Mỹ-Nhật.
Khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn, tam giác Nhật-Trung-Mỹ càng làm nổi bật hơn tầm quan trọng của Nhật Bản và liên minh Mỹ-Nhật. (Nguồn: China Us Focus) |
Trong tam giác quan hệ riêng với Mỹ và Trung Quốc, cả Đài Loan và Hàn Quốc đều chứng kiến những chia cắt, phải theo đuổi các chính sách nhiều khi là rối loạn khi chịu ảnh hưởng của cả 2 cường quốc này. Trong giai đoạn 1995-2005, “Đài Loan bị đẩy vào tình thế tồi tệ nhất khi đối mặt với nguy cơ Mỹ-Trung xích lại gần nhau”.
Tuy nhiên, với căng thẳng hiện nay trong quan hệ Mỹ-Trung, Đài Loan ngày càng có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và theo ông Dittmer, “rất có thể chúng ta đang đứng trước một kỷ nguyên mới đầy rủi ro trong quan hệ hai bờ Eo biển (Đài Loan)”.
Dù Trung Quốc liên tục khẳng định với các nước khu vực rằng họ không hề có dã tâm đánh bật Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương, song quốc gia này lại luôn xem mạng lưới liên minh của Mỹ và Đạo luật Quan hệ Đài Loan là những gì đi ngược một số lợi ích cốt lõi của mình.
Tam giác chiến lược liên quan đến Đài Loan và Hàn Quốc có những mục tiêu khác hẳn các tam giác khác. Dù những mối quan hệ này có thể được xem là sự đảm bảo cho những cường quốc nhỏ hơn song “chúng không thể hàn gắn những chia rẽ dân tộc” ảnh hưởng tới cả Đài Loan và Hàn Quốc.
Đối với Đông Nam Á, ông Dittmer xác định ASEAN như một khối chung đồng nhất trong tam giác chiến lược, với những thay đổi từ sau Chiến tranh Lạnh. Khi Chiến tranh Lạnh nổ ra, 5 thành viên ban đầu của ASEAN đã cùng với Mỹ nỗ lực chống lại chủ nghĩa cộng sản trong khu vực. Ngày nay, ASEAN với 10 nước thành viên, là một nhân tố trung lập hơn, biết tận dụng những lợi ích từ mối quan hệ cạnh tranh giữa 2 đỉnh còn lại của tam giác là Mỹ và Trung Quốc.
Đối với câu hỏi liệu sự chuyển dịch quyền lực tại châu Á có dẫn tới chiến tranh hay không, Giáo sức Dittmer phân tích, chuyển giao quyền lực chỉ có thể diễn ra một cách hòa bình nếu thỏa mãn 3 điều kiện sau: “Kẻ thách thức” không tấn công những lợi ích cốt lõi của “kẻ cầm quyền đương nhiệm”; Cường quốc số một phải nhìn nhận một cách thỏa đáng những đòi hỏi chính đáng của “kẻ thách thức”; và cả 2 đều phải có cùng quyết tâm ngăn các mâu thuẫn bùng lên thành cuộc chiến thật sự. |