Đại sứ Luận Thùy Dương (ngoài cùng bên phải) tham gia Năm Văn hóa ASEAN tại Myanmar. (Nguồn: ĐSQ Myanmar tại Việt Nam) |
Trong mối quan hệ giữa ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hoá – Xã hội), Cộng đồng Chính trị - An ninh tạo điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng, hình thành, và củng cố Cộng đồng ASEAN. Bởi một khu vực không được bảo đảm những điều kiện tối thiểu về hòa bình, an ninh, ổn định, công bằng, dân chủ và đồng thuận, thì khó có thể nói đến sự phát triển bền vững.
Cộng đồng kinh tế đóng vai trò là động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống và phúc lợi của người dân, gia tăng tăng trưởng, thịnh vượng của toàn khu vực. Trong khi đó, Cộng đồng Văn hoá – Xã hội có vai trò đặc biệt, vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở của xây dựng và củng cố Cộng đồng, bởi mục tiêu cao nhất và mục đích chính của Cộng đồng ASEAN là hướng đến người dân làm trung tâm, bảo đảm người dân có điều kiện phát triển đầy đủ cả thể chất lẫn tâm hồn, sống trong một xã hội hài hòa, chia sẻ, ổn định, phát triển.
Tin liên quan |
Câu chuyện thành công của Việt Nam nổi bật trước Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 |
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN với Tầm nhìn tới 2025 hướng tới 5 mục tiêu lớn: Một là, thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thông qua các biện pháp: tăng quyền cho người dân và tăng cường các thể chế bảo đảm nhằm thu hút sự tham gia của các nhóm/giới vào các tiến trình của ASEAN.
Hai là, đáp ứng tốt hơn lợi ích của người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, giảm nghèo, y tế, việc làm, giáo dục và thông tin. Ba là, xây dựng cộng đồng bền vững với việc bảo tồn và quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Bốn là, nâng cao năng lực để cùng xử lý những thách thức, thông qua các biện pháp tăng cường khả năng dự báo, xử lý và quản lý thảm họa. Năm là, tạo môi trường thuận lợi (chính sách, thể chế) để khuyến khích người dân và doanh nghiệp thích ứng, đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm hơn và xây dựng văn hóa kinh doanh trong ASEAN.
Với những mục tiêu và Tầm nhìn 2025 như vậy, Cộng đồng Văn hoá – Xã hội tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội để hưởng lợi cũng như đóng góp và thể hiện vai trò. Thứ nhất, hợp tác quốc tế về văn hóa, du lịch, thể thao được đẩy mạnh, đã và đang góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, tạo nên “sức mạnh mềm” cho đất nước.
Thứ hai, công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh, hoạt động của các cơ quan thông tấn báo chí cũng có nhiều đổi mới, tích cực hội nhập, học hỏi kinh nghiệm truyền thông của thế giới, có những bước phát triển vượt bậc, thông tin đa chiều, nội dung phong phú. Những bước phát triển này đã góp phần nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ, giúp người dân tiếp cận nhanh với những tri thức mới của nhân loại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.
Thứ ba, Việt Nam được đánh giá là một thành viên có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN vào các chương trình, dự án quốc gia và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học và công nghệ.
Thứ tư, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đề xuất được nhiều sáng kiến và ưu tiên trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, phúc lợi xã hội, đặc biệt quan tâm tới phụ nữ và trẻ em; tăng cường hợp tác ứng phó với thiên tai, với những thách thức chung của khu vực và toàn cầu; nâng cao nhận thức về an ninh môi trường, an ninh mạng… qua đó nâng cao được uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN và trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong quá trình tham gia xây dựng và thể hiện vai trò của mình trong Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN. Một là, Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi tiếp diễn, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, điều kiện khoa học, kỹ thuật của đất nước, nguồn nhân lực... còn nhiều hạn chế. Kinh tế phát triển chưa bền vững, có những ảnh hưởng đến sự phát triển các mặt của đời sống xã hội.
Hai là, nguồn nhân lực cho sự phát triển các nội dung của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội còn yếu và thiếu các kỹ năng chuyên môn và quản lý, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, các kỹ năng quản trị kinh doanh. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ở các cấp không theo kịp sự phát triển phong phú, đa dạng, và phức tạp của các vấn đề trong Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, dẫn tới lúng túng trong hoạch định chính sách, trong hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong xử lý các vụ, việc vi phạm pháp luật và các chính sách về văn hóa và xã hội.
Đại sứ Luận Thùy Dương và các Đại sứ ASEAN tại Myanmar. (Ảnh: ĐS) |
Bên cạnh đó, Việt Nam còn một số hạn chế. Một là, các nội dung của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN, thể hiện trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng đã được Việt Nam thực hiện đầy đủ, tuy nhiên mới dừng ở góc độ hoàn thành các hoạt động nhưng chất lượng hoạt động chưa được đánh giá sâu. Hai là, khoảng cách giữa các vùng, miền, dân tộc về mức độ phát triển kinh tế vẫn còn khác nhau, và các ưu tiên trong chính sách quốc gia đối với các vùng, miền, dân tộc vẫn chưa thực sự đảm bảo sự công bằng.
Ba là, nhận thức về Cộng đồng ASEAN nói chung khá tốt nhưng về Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN nói riêng thì chưa đầy đủ, đặc biệt là về các mục tiêu và các biện pháp trong Kế hoạch Tổng thể. Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính thực thi hiệu quả các nội dung xây dựng và phát triển Cộng đồng Văn hóa – Xã hội chưa được tăng cường.
Năm là, vẫn thiếu khung pháp lý, kiện toàn hệ thống pháp luật trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia hài hoà và tương thích với các chuẩn mực luật pháp của các nước ASEAN và quốc tế. Sáu là, việc tham vấn liên ngành trong nước cũng như tham vấn trong từng Bộ ngành đã được thực hiện tốt nhưng việc trao đổi thông tin và bài học kinh nghiệm về việc triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN chưa được thực hiện thường xuyên.
Tin liên quan |
ASEAN 37: Thúc đẩy hợp tác ASEAN-IMF, tìm giải pháp tăng trưởng khu vực ASEAN hậu Covid-19 |
Trong bối cảnh như trên, để có vai trò lớn hơn trong quá trình phát triển Cộng đồng Văn hóa – Xã hội với Tầm nhìn 2025, Việt Nam cần có nỗ lực lớn hơn. Thứ nhất, ở góc độ quốc gia, phải thúc đẩy và quán triệt để có sự tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN của mọi thành phần xã hội. Đây là nguyên tắc bắt buộc để Cộng đồng Văn hoá – Xã hội nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung trở thành Cộng đồng của dân, do dân và vì dân.
Thứ hai, Việt Nam phải có một cơ chế riêng cho Cộng đồng Văn hoá – Xã hội có trách nhiệm báo cáo và giải trình, để giám sát việc đảm bảo quyền và được hưởng lợi của tất cả công dân. Thứ ba, Việt Nam phải tích cực hoàn thiện các khuôn khổ và khung pháp lý để mọi công dân được bình đẳng, sống và làm việc trong một xã hội Nhà nước pháp quyền và nghiêm minh trong pháp trị, hòa nhập được với chuẩn mực và luật pháp quốc tế.
Ở góc độ khu vực, Việt Nam nên có nguồn lực và hướng trọng tâm vào các lĩnh vực sau để nâng cao vị thế. Thứ nhất, bối cảnh đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự cần thiết của việc khuyến khích các nước ASEAN cùng kiện toàn hệ thống y tế, từng bước xậy dựng hệ thống y tế ASEAN có mạng lưới liên kết, trao đổi kỹ thuật, đồng bộ cung cấp các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe cho các công dân ASEAN.
Thứ hai, tăng cường và phát huy tối đa vai trò của hệ thống dự phòng lương thực, thực phẩm, nước, năng lượng và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội để ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra. Thứ ba, xây dựng một xã hội ASEAN cởi mở và thích ứng, trong đó áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin; khuyến khích tự do tiếp cận phổ cập công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với luật pháp quốc gia. Thứ tư, khuyến khích hợp tác khu vực trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu và tăng cường vai trò của ASEAN trong mạng lưới nghiên cứu khu vực và toàn cầu.
Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực và có trách nhiệm tham gia vào mọi hoạt động hợp tác ASEAN nói chung cũng như hợp tác về văn hóa – xã hội nói riêng nhằm đóng góp vào việc xây dựng một ASEAN đoàn kết, năng động, thịnh vượng, một Cộng đồng ASEAN “cho người dân, vì người dân”, trong đó Cộng đồng Văn hóa – Xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một xã hội công bằng và chất lượng đời sống của người dân ngày một nâng cao.
| Hiệp định RCEP: Sự trông đợi liệu có vô nghĩa? TGVN. Trả lời phỏng vấn báo chí Bên lề Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 19, ông Lương Hoàng ... |
| ASEAN 37: Thúc đẩy hợp tác ASEAN-IMF, tìm giải pháp tăng trưởng khu vực ASEAN hậu Covid-19 TGVN. Chiều ngày 10/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy ... |
| ASEAN 37: Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN rà soát lại tình hình thực hiện các ưu tiên sáng kiến TGVN. Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 19, các Bộ trưởng sẽ rà soát tình hình thực hiện ... |