Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), Báo TG&VN đã có cuộc trò chuyện với tác giả Lưu Đình Long - người sáng lập Cà phê sách Mây Thong Dong, để hiểu hơn về những khó khăn của những người viết sách trước thách thức của sự bùng nổ công nghệ số...
Thời buổi công nghệ số với đủ thứ hấp dẫn khác, người ta lo lắng thói quen đọc sách bị mai một, đặc biệt trong giới trẻ, bản thân anh có bi quan như vậy không?
Tôi cũng có chung lo lắng như vậy. Tuy nhiên, tôi không gọi đó là sự bi quan mà là chúng ta phải nhận diện sự thật đang diễn ra đối với văn hóa đọc.
Tôi mới đọc thông tin được Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng nêu ra trong một hội nghị về ngành sách, xuất bản khẳng định, sức đọc của người dân Việt Nam còn rất thấp nếu so với các nước trong khu vực.
Tác giả Lưu Đình Long. (Ảnh: NVCC) |
Theo đó, ông Lê Hoàng đã dẫn chứng số liệu trong 5 năm (2014-2019) để đánh giá rằng tốc độ tăng trưởng của thị trường sách Việt Nam rất chậm (số bản sách được in tăng 19%, số lượng sách phát hành chỉ tăng 16%), doanh thu cũng rất thấp và quá nhỏ bé so với các thị trường hàng hóa khác, càng nhỏ bé so với thị trường sách của các nước (năm 2021, doanh thu ngành xuất bản là 2.996 tỉ đồng, phát hành là 2.900 tỉ đồng).
Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nếu có quan sát sẽ thấy người trẻ sở hữu điện thoại thông minh thích xem Tiktok, vào mạng xã hội nhiều hơn là đọc sách. Các trung tâm mua sắm, xem phim, giải trí lúc nào cũng đông đảo người trẻ tìm tới nhưng nhà sách hay đường sách vẫn thường vắng người.
Thực ra, điều này có nguyên do từ thói quen đọc sách của người Việt vốn không nhiều nay lại còn bị nhiều sản phẩm nghe nhìn thời công nghệ số chen vào, thu hút nên khó tránh sự thật vừa nêu.
Là một người viết tự do và cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, anh có nhận xét gì độc giả của mình, cũng như có thể chia sẻ những khó khăn của những người viết sách hiện nay?
Độc giả của tôi khá đa dạng, từ những người trẻ cho đến những người lớn tuổi. Có lẽ do nội dung tôi viết không khu biệt cho một lứa tuổi mà là những đoản văn, những lời tâm tình để nói về những nỗi khổ niềm đau, cách nhìn về để vượt qua nó. Tôi may mắn vì được tiếp cận cách thực tập, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh và phần nào giúp được mình băng qua những khó khăn nên tôi muốn chia sẻ điều đó.
Do vậy, những bạn đọc đã chọn sách của tôi và thích có lẽ họ cũng cùng… từ trường, hướng đến sự an nhẹ trong cuộc sống và tâm hồn.
Về khó khăn của người viết sách hiện nay theo tôi là… không có nhiều độc giả vì như đã nói ở phần trước, sức đọc của người dân Việt Nam còn rất thấp nếu so với các nước trong khu vực, đã vậy còn bị thu hút bởi những văn hóa nghe nhìn khác.
Đó là khó khăn chung, còn khó khăn riêng là không tìm được nội dung độc đáo, cách thể hiện mới lạ, phù hợp với độc giả trẻ hiện nay.
Chúng ta đang tích cực khuyến khích và thúc đẩy phát triển văn hóa học nhưng phải làm gì để những chương trình, hoạt động này thực sự hiệu quả, trở thành phong trào thực sự chứ không phải hình thức?
Để văn hóa đọc phát triển tôi nghĩ đến sự chung tay góp sức của tất cả mọi người chứ không riêng gì tổ chức nào hay chỉ là công việc của ngành sách.
Cụ thể, ngoài việc thường xuyên tổ chức những ngày hội đọc sách như đang được tổ chức hiện nay thì trong mỗi gia đình, bố mẹ phải đọc sách và khuyến khích con cùng đọc sách.
Từ khi con tượng hình trong bụng mẹ đã có thể đọc sách cùng con, tạo thói quen ấy khi mỗi tối đọc sách cho con nghe. Tôi tin, đứa trẻ phải được giáo dưỡng từ trong bụng mẹ mới có thể có thói quen tốt, tính cách đẹp.
Ở trường, cũng nên thường xuyên có tiết đọc sách, tổ chức các chương trình thi liên quan đến sách như “review cuốn sách của tôi” hay “thi kể chuyện trong sách”… Tôi biết, có nhiều thầy cô cũng ít đọc sách, nhiều thư viện trường rất ít thầy cô và học sinh tới mượn sách.
Điều này có thể do chương trình dạy và học nặng về điểm số, thành tích với những barem cứng nhắc nên người dạy và người học chỉ chăm chú làm tròn nhiệm vụ từ sách giáo khoa chứ không mở rộng thêm từ các nguồn sách tham khảo liên quan.
Nếu có thể lấy tiêu chí đọc sách là một trong những nội dung đánh giá thành tích dạy và học (bắt buộc) trong trường, tôi nghĩ việc đọc sách sẽ được cải thiện nhiều hơn.
Ví dụ, ngoài việc dạy thì thầy cô, học sinh cũng nên đọc từ 5-10 cuốn sách mỗi năm, xem đó là một trong những cột điểm đánh giá năng lực giảng dạy, học tập. Dần dà, thói quen đọc sách sẽ hình thành chứ đừng chỉ có kêu gọi sự tự giác.
Bản thân đã sáng lập Cà phê sách Mây Thong Dong, anh có thể chia sẻ cụ thể về ý tưởng và hoạt động từ dự án này không?
Mây Thong Dong vừa là thương hiệu cà phê sách, nơi người đọc có thể đến đó thư giãn và tìm cuốn sách nhỏ trên kệ ở quán, ngồi đọc bao lâu cũng được.
Đó còn là một dự án về truyền thông và lan tỏa văn hóa đọc, kết nối các tác giả trẻ để họ cũng có thể dễ dàng được xuất bản một cuốn sách qua tủ sách “Sách và cuộc sống”.
Đến nay, Mây Thong Dong đã tổ chức và in ấn được hai đầu sách gồm Trở về một đứa trẻ của nhà văn Nguyễn Đinh Khoa và Ở bên này thương nhớ của giảng viên Lê Hoài Việt.
Sắp tới, tủ sách “Sách và cuộc sống” còn tiếp tục in một số đầu sách khác, ước muốn cùng góp tay vào việc khơi dậy tình yêu viết lách, đọc sách của những người trẻ.
Hiện chúng tôi cũng yểm trợ một số hoạt động đem tủ sách về vùng xa của vài nhóm thiện nguyện trong lĩnh vực này, vừa với khả năng của mình.
Theo anh, trước thách thức của thời công nghệ số, các tác giả và các nhà xuất bản cần có những nỗ lực để có thể chinh phục bạn đọc?
Đầu tiên, tôi nghĩ đến nội dung và hình thức sách. Về nội dung, phải có bóng dáng của chính bạn đọc đương đại, câu chuyện và vấn đề của họ phải được đưa vào từng tác phẩm, giúp khai phóng cái nhìn của họ, giúp ích cho họ về mặt kỹ năng sống, nuôi dưỡng tâm hồn.
Vẫn có những tác giả, những dòng sách được đông đảo bạn đọc chờ đón bởi vì nội dung đáp ứng được mong muốn của họ. Do vậy, người viết, nhà xuất bản, người làm sách cần tiệm cận được nhu cầu của bạn đọc.
Hình thức cũng rất quan trọng, ngoài sách in đẹp, bìa thu hút thì sách nói (audiobook), sách điện tử (ebook) cũng là loại hình cần được phát triển để đến với đông độc giả hơn.
Bên cạnh đó, các tác giả, các nhà xuất bản cũng nên sử dụng các công cụ mạng xã hội mà người trẻ đang sử dụng nhiều để quảng bá sách, đem sách đến gần với họ, khơi gợi cho họ thấy giá trị của sách, quan tâm đến sách và đọc sách. Tất nhiên, làm điều này phải kiên trì, phải luôn lắng nghe, thấu hiểu, cập nhật theo xu hướng của độc giả hiện đại.
Thêm nữa, kết hợp truyền thông sẽ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Đưa sách đến gần với độc giả bằng cách xây dựng các không gian đọc ở những trung tâm mại hay xây dựng các đường sách ở nhiều địa phương…
Xin cảm ơn anh!
| Phong phú hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất diễn ra từ 19-24/4 tại các khu vực quận, huyện trên địa bàn TP. ... |
| 1.000 cuốn sách được Thư viện Quốc gia Việt Nam giới thiệu với công chúng Hôm nay (15/4), Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề 'Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc' ... |