📞

Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - thách thức và kỳ vọng ở 'ghế nóng'

Đình Cường 14:35 | 08/04/2021
Nhiều thách thức và kỳ vọng ở tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã được các nhà giáo, chuyên gia giáo dục đưa ra ngay sau khi ông đắc cử sáng nay 8/4.
Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Sáng nay 8/4, Quốc hội đã phê chuẩn các thành viên Chính phủ. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Triển khai chương trình sách giáo khoa mới - nhiệm vụ khó khăn

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học tại Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành giáo dục thời gian tới là triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, bởi thực tiễn những lần đổi mới trước đây đã từng gặp nhiều trục trặc.

Đến những năm cuối cùng sử dụng chương trình cũ, nhiệm vụ phân luồng/phân hóa học sinh thành các ban Khoa học tự nhiên - Khoa học xã hội chưa thực sự thành công.

Để triển khai thành công chương trình GDPT mới đòi hỏi sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất; trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên; quan điểm giáo dục của phụ huynh và học sinh.

Về vấn đề thi cử, trong những năm vừa qua nước ta vẫn đang đẩy mạnh việc tự chủ đại học, trong đó có tự chủ về tuyển sinh.

Vào năm 2020, khi chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã chuyển đổi tên "Kỳ thi THPT quốc gia" thành "Kỳ thi tốt nghiệp THPT".

Sự thay đổi này mang tính bước ngoặt bởi sau đó, các trường đại học đang bị thiếu đi một công cụ đáng tin cậy để làm căn cứ tuyển sinh đầu vào.

Trong 2 năm qua, việc tuyển sinh của các trường đại học đang tương đối phức tạp và khá "rối". Mỗi trường đều công bố nhiều phương thức tuyển sinh nhưng chưa hoàn toàn đảm bảo được sự công bằng gây khó hiểu cho học sinh và phụ huynh.

Do đó, thầy Ngọc mong muốn tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo tính trung thực, công bằng, khách quan để làm căn cứ cho các trường đại học sử dụng trong công tác tuyển sinh.

Đồng thời, cần thúc đẩy việc thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập để kiểm định chất lượng giáo dục đầu ra của bậc phổ thông có kết quả đáng tin cậy.

Thực tế có một số trường đại học tuyển thẳng quá nhiều thí sinh trường chuyên. Điều này vô tình sẽ đẩy "cuộc đua" của học sinh vào các trường chuyên trở nên "nóng bỏng" hơn.

Bên cạnh đó, việc không ít trường đại học sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL…) để tuyển sinh cũng có phần chưa ổn.

Nếu muốn tìm kiếm thí sinh có năng lực ngoại ngữ, các trường nên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ "kiểu Việt Nam" vì sẽ phù hợp với nội dung giảng dạy chương trình GDPT của nước ta, đặc biệt về mặt chi phí cũng sẽ rất rẻ chứ không quá đắt đỏ.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, cho rằng, bản thân ngành giáo dục đã rất cố gắng nỗ lực trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta rất thấp. Chúng ta phải tự hào vì chất lượng giáo dục phổ thông đã được quốc tế ghi nhận; tốc độ chuyển biến của các trường đại học đã thay đổi gắn với nền kinh tế thị trường.

Tôi hy vọng tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ đưa ra chiến lược làm thế nào phát huy nội lực ngành giáo dục và đưa ra những chính sách tác động đến các gia đình, phụ huynh cũng phải thay đổi cách giáo dục giới trẻ, chứ nỗ lực của mỗi nhà trường là không đủ.

Kỳ vọng về phát triển khoa học công nghệ

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 thể hiện khát vọng, sự quyết tâm để đưa đất nước ngày càng đi lên.

Trong đó, có kỳ vọng về sự phát triển của khoa học công nghệ của đất nước. Dưới góc độ của một cơ sở giáo dục thiên về khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định thế hệ trẻ Việt Nam trong độ tuổi từ 20 - 25 tuổi sẽ là trụ cột của tương lai để thực hiện kỳ vọng của Đại hội 13.

"Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dù xuất phát từ lĩnh vực khoa học xã hội, chúng tôi cũng kỳ vọng ngành giáo dục Việt Nam sẽ có sự cân bằng giữa khát vọng trong phát triển khoa học công nghệ với những triết lý phát triển con người, tính nhân văn, lịch sử" - ông Thắng bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có kinh nghiệm lãnh đạo và phát triển một cơ sở giáo dục đại học lớn, đầu tàu của quốc gia. Ông đã tham gia khá tích cực với bộ ngành trong việc xây dựng các chính sách về giáo dục đại học.

Thời gian tới đây, toàn khối giáo dục đại học nói riêng cũng như ngành giáo dục đào tạo nói chung rất tin tưởng và sẽ cùng kề vai sát cánh, ủng hộ, chung tay chung sức để cùng Bộ trưởng thực hiện những chủ trương, đường lối, vừa phát huy được những thế mạnh của giai đoạn cũ, vừa có thể chèo lái con thuyền giáo dục của chúng ta sẽ phát triển và hội nhập tốt hơn.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, tân Bộ trưởng là một người tinh thông cổ học Việt Nam và cũng đã tu nghiệp ở Mỹ vì thế tôi tin rằng với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống dân tộc, với những hiểu biết về đại học, về quản lý ở các nước tiên tiến hiện nay; đồng thời là người có kinh nghiệm đã trải qua tất cả các cấp lãnh đạo từ thấp đến cao ở ĐHQGHN thì Bộ trưởng chắc chắn sẽ có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để chèo lái con thuyền giáo dục này.

Họ và tên: NGUYỄN KIM SƠN

Năm sinh: 1966

Quê quán: xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng

Trình độ: Chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học ngành Ngữ văn, chuyên ngành Hán Nôm.

Học vị: Tiến sĩ chuyên ngành Ngữ văn.

Học hàm: Phó giáo sư

Lý luận chính trị: Cao cấp

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII; Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC:

1990: Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Ngữ văn, ngành Văn học, chuyên ngành Hán Nôm.

4/1991 - 2/1999: Giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

3/1999 - 3/2002: Cán bộ giảng dạy Khoa Văn học, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM ĐHQGHN.

tel:04/2002 - 03/2003: Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên Khoa Văn học, Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM ĐHQGHN.

tel:04/2003 - 04/2006: Trưởng Phòng Đào tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM - ĐHQGHN (đến 12/2003).

tel:05/2006 - 05/2007: Trưởng Phòng Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

tel:06/2007 - 05/2008: Học giả nghiên cứu tại Học viện Harvard Yenching.

tel:06/2008 - 10/2009: Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

tel:11/2009 - 07/2010: Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc; Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (từ 06/2010).

tel:08/2010 - 12/2011: Đảng ủy viên Đảng ủy ĐHQGHN; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

tel:01/2012 - 02/2016: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN.

tel:02/2016 - 06/2016: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN.

tel:06/2016 - 09/2016: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN.

tel:09/2016 - 01/2019: Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông (từ 02/2017), ĐHQGHN.

tel:01/2019 - 01/2021: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN.

01/2021: Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN.

Ngày 8/4/2021: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2021-2026.

(theo Dân trí)