Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh ngành Halal Việt Nam", ngày 22/10. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2020, UAE đã nhập khẩu khoảng 20 tỷ USD sản phẩm thực phẩm Halal, Saudi Arabia nhập khẩu khoảng 18 tỷ USD và Qatar nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2019.
Theo báo cáo của Kerry Insights, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt giá trị 2.221,3 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 11,1% hằng năm, đạt 4,1 nghìn tỷ USD vào năm 2028 so với các con số tương ứng của thị trường thực phẩm chung toàn cầu lần lượt là giá trị 6.383,49 tỷ USD trong năm 2022, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,48% hằng năm, và đạt 12,48 nghìn tỷ USD vào năm 2028.
Việt Nam, với nguồn lực nông nghiệp phong phú, có tiềm năng lớn để thâm nhập thị trường này. Tuy nhiên, việc vượt qua các quy trình chứng nhận Halal phức tạp và cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu đã có tên tuổi là thách thức không nhỏ.
Có nhiều các giải pháp khác nhau đã được chính phủ và các doanh nghiệp đưa ra trong việc tạo dựng các khung khổ chính sách, các giải pháp hỗ trợ cũng như tăng cường động lực nhằm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Halal ở Việt Nam.
Việc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia về Halal (TCVN) dựa trên tham chiếu từ các tiêu chuẩn quốc tế và thị trường trọng điểm như Saudi Arabia, Malaysia, và Indonesia vào năm 2023 và thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) với tư cách là một tổ chức chuyên cấp chứng chỉ Halal cho các doanh nghiệp trong nước đã không chỉ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường quốc tế mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp thực phẩm Halal.
Bên cạnh các giải pháp để thúc đẩy xâm nhập thị trường thực phẩm Halal mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng, một trong những giải pháp khả thi và chưa được đề cập nhiều để các doanh nghiệp vượt qua những trở ngại này và nhanh chóng thâm nhập thị trường thực phẩm Halal Trung Đông là thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Bài viết này sẽ phân tích cách M&A có thể trở thành công cụ quan trọng để thúc đẩy ngành thực phẩm Halal của Việt Nam.
Trước hết, chúng ta cần nhìn lại những thách thức lớn mà ngành thực phẩm Halal tại Việt Nam đang đối mặt bên cạnh những tiềm năng to lớn mà Việt Nam đang có.
Thách thức đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường thực phẩm Halal là việc thiếu kinh nghiệm và kiến thức về thị trường này. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường Halal và yêu cầu của từng quốc gia. Sự khác biệt về văn hóa và quy định giữa các thị trường nhập khẩu cũng là một rào cản mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi mở rộng kinh doanh.
Thứ hai, đó là khó khăn về đáp ứng các tiêu chuẩn cao và quy trình chứng nhận phức tạp. Các quốc gia nhập khẩu thực phẩm Halal, đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo, có yêu cầu rất cao về chất lượng và quy trình sản xuất. Quy trình xin cấp chứng nhận Halal vẫn còn phức tạp và tốn kém, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù HALCERT đã được thành lập, quy trình vẫn đòi hỏi nhiều tài nguyên và sự tuân thủ nghiêm ngặt từ phía các doanh nghiệp.
Khó khăn thứ ba các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt đó là môi trường cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp lớn từ các thị trường khác. Tham gia thị trường thực phẩm Halal, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia xuất khẩu thực phẩm Halal lớn như Brazil, Ấn Độ, và Mỹ - những quốc gia đã có vị thế vững chắc trên thị trường Halal toàn cầu, hay các doanh nghiệp trong khu vực từ Malaysia và Indonesia - những quốc gia có văn hóa và nền tảng công nghệ thực phẩm cũng như chứng nhận Halal sẵn có.
Và cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu nhiều hạn chế về công nghệ và hệ thống logistics. Hệ thống hậu cần và công nghệ truy xuất nguồn gốc của Việt Nam vẫn chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng Halal. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu Halal khác.
M&A có thể trở thành công cụ quan trọng để thúc đẩy ngành thực phẩm Halal của Việt Nam trong bối cảnh quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng. |
Tại sao M&A lại quan trọng đối với việc mở rộng thị trường Halal của Việt Nam?
Để vượt qua những thách thức và tận dụng tối đa cơ hội, M&A được xem là một chiến lược quan trọng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng gia nhập và mở rộng thị trường Halal. Thông qua các thương vụ M&A với các công ty đã có chứng nhận Halal tại Trung Đông hay các thị trường thực phẩm Halal khác, doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua rào cản chứng nhận, mở rộng mạng lưới phân phối và tiếp cận nhanh chóng thị trường mục tiêu.
Bên cạnh đó, việc học hỏi từ những thương vụ M&A nổi bật trong ngành thực phẩm Halal trên thế giới cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hợp lý để phát triển bền vững ngành công nghiệp này trong tương lai. M&A có thể đem lại nhiều lợi ích cho việc thâm nhập thị trường thực phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể:
Vượt qua rào cản chứng nhận
Chứng nhận Halal là một yếu tố then chốt và phức tạp đối với các doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường Halal. Đối với Việt Nam, các yêu cầu chứng nhận từ những quốc gia Trung Đông có sự khác biệt đáng kể về tiêu chuẩn, khiến việc tuân thủ toàn diện trở thành một thử thách lớn.
Để sản phẩm được chấp nhận tại các thị trường này, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình Halal, bao gồm tất cả các khâu từ sản xuất, vận chuyển cho đến tiêu thụ. Điều này không chỉ đòi hỏi về tài chính mà còn cần thời gian và nguồn lực chuyên môn để đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng đạt chuẩn Halal.
M&A có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua rào cản này bằng cách mua lại hoặc sáp nhập với các công ty thực phẩm Halal tại Trung Đông đã có chứng nhận Halal. Các công ty này không chỉ đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, mà còn có mạng lưới tiếp cận trực tiếp với các cơ quan chứng nhận địa phương, giúp doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đưa sản phẩm vào thị trường mà không phải tốn thời gian và nguồn lực cho quy trình xin chứng nhận. Việc sở hữu các công ty đã được chứng nhận cũng giúp sản phẩm của Việt Nam nhanh chóng được người tiêu dùng địa phương tin tưởng hơn.
Mở rộng mạng lưới phân phối
Việc thâm nhập thị trường mới đòi hỏi doanh nghiệp phải thiết lập hoặc mở rộng mạng lưới phân phối để sản phẩm có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng. Tuy nhiên, xây dựng một mạng lưới phân phối từ đầu là một nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt tại Trung Đông, nơi hệ thống phân phối thực phẩm Halal có những quy chuẩn và yêu cầu riêng biệt.
Thông qua M&A, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ngay mạng lưới phân phối sẵn có của các công ty địa phương mà họ mua lại hoặc sáp nhập. Những công ty này thường đã có quan hệ đối tác mạnh mẽ với các nhà bán lẻ, siêu thị và kênh phân phối bán buôn tại Trung Đông, giúp sản phẩm tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Không chỉ vậy, việc hợp tác với các doanh nghiệp địa phương còn giúp giảm bớt rủi ro liên quan đến thủ tục pháp lý và sự khác biệt văn hóa khi tiếp cận thị trường mới. M&A cung cấp một con đường nhanh hơn và ít tốn kém hơn để xây dựng sự hiện diện trong chuỗi cung ứng Halal.
Một ví dụ tiêu biểu trong trường hợp này là việc Nestlé mua lại Caravan Marketing, một công ty Halal lớn tại Ai Cập, vào năm 2023. Thương vụ này cho phép Nestlé mở rộng danh mục sản phẩm Halal của mình và tăng cường sự hiện diện tại Bắc Phi và Trung Đông, đồng thời tận dụng mạng lưới phân phối rộng lớn của Caravan để tiếp cận người tiêu dùng tại các quốc gia Hồi giáo.
Tăng cường độ nhận diện thương hiệu
Trong thị trường Halal, người tiêu dùng thường tin tưởng vào các thương hiệu đã có sự công nhận về uy tín và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn Halal. Việc giới thiệu một thương hiệu mới từ Việt Nam đến các thị trường như Saudi Arabia, UAE hay Qatar có thể mất nhiều năm để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, đặc biệt khi các thương hiệu nội địa hoặc quốc tế đã chiếm lĩnh thị phần lớn.
M&A cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận ngay một thương hiệu đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Thương hiệu địa phương không chỉ có lợi thế về uy tín, mà còn có sự hiểu biết sâu sắc về thị hiếu tiêu dùng và yêu cầu sản phẩm tại khu vực này. Thay vì phải bắt đầu từ đầu với việc xây dựng thương hiệu và nỗ lực tiếp thị, việc sáp nhập với một thương hiệu đã thành công sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam ngay lập tức có mặt trên thị trường với một sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng. Điều này giúp rút ngắn thời gian và chi phí quảng bá thương hiệu, đồng thời tăng cơ hội thành công trên thị trường quốc tế.
Công ty BRF, công ty xuất khẩu thực phẩm Halal hàng đầu của Brazil, đã thực hiện chiến lược này bằng việc hoàn tất thương vụ mua lại 50% cổ phần của Qatar Fertiliser Company (QAFCO) vào năm 2021, giúp BRF mở rộng đáng kể năng lực sản xuất và gia tăng sự hiện diện tại các thị trường Trung Đông. Thương vụ này không chỉ giúp BRF đáp ứng nhu cầu Halal tại khu vực mà còn củng cố mối quan hệ với các đối tác chiến lược tại Qatar, tăng cường nhận diện thương hiệu của mình trong quá trình khai phá thị trường mới.
Tiếp cận công nghệ và chuyên môn về Halal
Một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam là việc đảm bảo toàn bộ quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng tuân thủ các tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng hiện đại để có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng và đảm bảo tuân thủ quy chuẩn tôn giáo từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.
M&A với các công ty Halal tại Trung Đông không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực kỹ thuật tiên tiến mà còn cung cấp cho họ sự hiểu biết sâu sắc về quy trình và yêu cầu đặc thù của ngành Halal. Các công ty tại Trung Đông thường đã phát triển những hệ thống công nghệ như blockchain để quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo tính minh bạch và toàn vẹn của sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Thông qua việc mua lại hoặc hợp tác, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng những công nghệ này để nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc tiếp cận công nghệ này không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt mà còn mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh lớn hơn khi so sánh với các đối thủ khác. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao hơn, tăng độ tin cậy và sự hài lòng của người tiêu dùng tại thị trường Halal toàn cầu.
Năm 2022, tập đoàn Kimly của Singapore đã mua lại 75% cổ phần của dịch vụ thực phẩm Halal Tenderfresh với giá 40,7 triệu USD nhằm mở rộng và xâm nhập vào mảng kinh doanh Halal vốn không phải thế mạnh của mình. Đây là thương vụ giúp Kimly có thể ngày lập tức tiếp nhận được công nghệ sản xuất thực phẩm Halal cũng như triển khai các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mới, bao gồm cả chuỗi phân phối, thị trường và khách hàng.
Góc trưng bày sản phẩm Halal Việt Nam tại Đại sứ quán để các doanh nghiệp Ai Cập quan tâm có thể trực tiếp kiểm tra chất lượng. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập) |
Cơ hội M&A chiến lược cho Việt Nam
Mặc dù M&A qua biên giới đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến. Tuy nhiên trong thời gian tới, đối với một thị trường có rất nhiều đặc trưng khác biệt về tiêu chuẩn, quy cách, văn hóa và khách hàng như thị trường thực phẩm Halal, các doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc và áp dụng chiến lược M&A để thâm nhập thị trường. Trong đó, một số hoạt động có thể cân nhắc như:
Mua lại các công ty chế biến thực phẩm Halal: Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung vào việc mua lại các công ty chế biến thực phẩm Halal tại Trung Đông để tiếp cận thị trường nhanh chóng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe.
Liên doanh với các công ty Halal địa phương: Việc liên doanh với các công ty tại Trung Đông sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ nguồn lực và rủi ro, đồng thời tiếp cận mạng lưới phân phối và thị trường sẵn có.
Đầu tư vào logistics và chuỗi cung ứng lạnh: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm Halal, Việt Nam nên xem xét đầu tư hoặc sáp nhập với các công ty logistics chuyên về quản lý chuỗi cung ứng lạnh tại các quốc gia như UAE và Qatar.
Sáp nhập với các công ty bán lẻ và phân phối: Thông qua việc sáp nhập với các chuỗi bán lẻ và công ty phân phối lớn tại Trung Đông, sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng.
* * *
Ngành thực phẩm Halal tại Việt Nam đang có tiềm năng lớn để phát triển và trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội này, Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức về chứng nhận, công nghệ, và hậu cần. M&A là một giải pháp chiến lược để giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập nhanh chóng vào thị trường Halal quốc tế, đồng thời xây dựng năng lực cạnh tranh vững chắc trên thị trường toàn cầu.