Tân Tổng thống Mỹ Biden có thể sẽ công bố một loạt lệnh hành pháp mới về biến đổi khí hậu sớm nhất vào ngày 27/1. (Nguồn: Reuters) |
Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Gina McCarthy, cố vấn về khí hậu quốc gia của Nhà Trắng, không nêu rõ những chính sách nào sẽ được đưa ra.
Một bản ghi nhớ được tiết lộ hôm 21/1 cho thấy Tổng thống Joe Bidensẽ công bố một loạt lệnh hành pháp mới sớm nhất vào ngày 27/1. Trong đó bao gồm luật Omnibus (chỉ sắc lệnh bao trùm nhiều vấn đề, nội dung khác nhau) để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu trong nước, đồng thời nâng vấn đề này lên thành ưu tiên an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, ông John Kerry, đặc phái viên về vấn đề khí hậu của Tổng thống Biden, cho biết cam kết gần đây của Trung Quốc là "không đủ tốt", trong khi đây là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thuộc hàng đầu thế giới.
Vào tháng 9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu đưa nước này đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060, 10 năm sau khung thời gian 2050 được hầu hết các nước đặt ra, đồng thời cam kết một mục tiêu ngắn hạn đầy tham vọng hơn về kiểm soát khí thải.
Ngoài ra, ông Kerry lưu ý rằng nước Mỹ - quốc gia phát lượng khí thải lớn thứ hai thế giới phải vượt qua được mục tiêu phát thải carbon bằng không vào năm 2050. Điều này có thể được thực hiện thông qua các công nghệ mới như thu giữ CO2 trực tiếp từ không khí.
Theo ông Kerry, chính quyền của ông Biden, các thị trưởng và các nhà lãnh đạo địa phương khác sẽ phải thuyết phục người dân Mỹ rằng kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu "có thể là bước chuyển mình về kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử toàn cầu".
Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trước đó, tân Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng ban hành sắc lệnh hủy giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL và đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Cả hai động thái trên đều đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đã rút lại khoảng 100 quy định về khí hậu và môi trường khi theo đuổi chính sách "Thống trị về năng lượng" để tối đa hóa sản lượng, xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá.