Đại sứ Bùi Văn Nghị gặp gỡ và làm việc với Phó Thống đốc bang Mato Grosso, ông Otaviano Olavo Pivetta. |
Từ ngày 11-14/9, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị cùng các cán bộ Đại sứ quán đã thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 được tổ chức tại thủ phủ Cuiabá, bang Mato Grosso.
Trong chuyến công tác này, Đại sứ cũng đã làm việc với chính quyền bang Mato Grosso và thành phố Cuiabá, đồng thời phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp của bang tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Brazil nhằm tăng cường trao đổi về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Brazil nói chung và bang Mato Grosso nói riêng.
* Trong ngày 11/9, Đại sứ Bùi Văn Nghị đã có buổi làm việc với ông Otaviano Olavo Pivetta, Phó Thống đốc bang Mato Grosso.
Tại buổi làm việc, Đại sứ bày tỏ sự trân trọng đối với mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Brazil, đặc biệt là với bang Mato Grosso - vùng đất nổi tiếng về nông nghiệp.
Chia sẻ rằng, từ khi tới Brazil bắt đầu nhiệm kỳ công tác, Đại sứ đã nghe rất nhiều về Mato Grosso, và khi đặt chân đến bang này, ông cảm nhận như đang ở quê hương mình bởi sự tương đồng về khí hậu và sự chào đón nồng nhiệt của bạn bè sở tại.
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/1989-5/2024) và 17 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil (5/2007-5/2024).
Quan hệ hai nước đã và đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, các kênh và ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm vào tháng 9/2023 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với Brazil, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khu vực Mỹ Latinh với mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch thương mại vào năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030.
Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam có thể trở thành cầu nối giữa thị trường ASEAN với Brazil cũng như MERCOSUR, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai khu vực. Đồng thời, hai nước có tiềm năng lớn trong việc phát triển các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, đặc biệt là biodiesel và methanol.
Hai bên cũng nhất trí việc hợp tác về cà phê, trong bối cảnh Việt Nam và Brazil là hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội, tuy nhiên, cần cải thiện hiểu biết lẫn nhau để phát triển một cách bền vững. Đại sứ đề xuất tổ chức một lễ hội cà phê giữa hai nước, với sự kiện đầu tiên diễn ra tại Việt Nam trong năm nay và năm sau tại Brazil.
Trước cam kết thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam và Brazil kỳ vọng sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do MERCOSUR trong tương lai gần, đồng thời đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Đại sứ Bùi Văn Nghị làm việc với Văn phòng Phó Thống đốc bang Mato Grosso. |
* Cùng ngày 11/9, tại Văn phòng Thị trưởng thủ phủ Cuiabá, Đại sứ Bùi Văn Nghị đã làm việc với Giám đốc Sở Ngoại vụ Júnior Leite.
Hai bên có buổi trao đổi tích cực về tiềm năng hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, cách thức quản trị thành phố và cuộc bầu cử thị trưởng sắp tới.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Junior Leite khẳng định, thành phố Cuiaba với dân số khoảng 650 000 người, nằm tại chính giữa Nam Mỹ với sự nổi bật trong văn hoá, du lịch, nông nghiệp, đang mở rộng tầm nhìn ra thế giới và mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với các thành phố của Việt Nam.
Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, bông, thịt bò, da giày… là những ngành hàng mà thành phố đặc biệt quan tâm. Việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên và giúp phát triển nền kinh tế địa phương mạnh mẽ hơn.
Đại sứ Bùi Văn Nghị làm việc với Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Cuiabá Júnior Leite. |
* Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil cũng đã phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp bang Mato Grosso - FIEMT để tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp với sự có mặt của một số công ty tại thành phố Cuiabá.
Tại Diễn đàn, Quyền Chủ tịch Gustavo de Oliveira nhấn mạnh, Mato Grosso là bang xuất khẩu nhiều nhất của Brazil sang Việt Nam, với kim ngạch 1,3 tỷ USD (3,3 triệu tấn chủ yếu là đậu tương và ngô) trong năm 2023. Nói cách khác, một phần ba lượng hàng xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam xuất phát từ bang Mato Grosso.
Đồng thời, Việt Nam cũng là một đối tác thương mại quan trọng của các ngành công nghiệp ở Mato Grosso, là điểm đến lớn thứ ba cho hàng hóa từ bang này.
Đại sứ Bùi Văn Nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác, kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như nghiên cứu hợp tác về nông nghiệp, du lịch, giao lưu nhân dân.
Một sản phẩm thương mại quan trọng khác là DDG. Các công ty Việt Nam có quan tâm đến việc mua trực tiếp DDG, sản phẩm phụ từ sản xuất ethanol từ ngô của các nhà sản xuất đậu nành và đường.
Ngoài ra, Đại sứ cũng chia sẻ thông tin về nông nghiệp Việt Nam, các nông sản xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh hợp tác với Brazil trong sản xuất cà phê nhằm hỗ trợ định giá trên thị trường châu Âu cũng như thế giới.
Trong thời gian tới, Đại sứ mong muốn các hiệp hội, liên đoàn doanh nghiệp tại Brazil ủng hộ quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam-MERCOSUR.
Trước đó vào năm 2020, Việt Nam và MERCOSUR đã kết thúc đối thoại, trong đó hai bên bày tỏ khả năng đàm phán một hiệp định thương mại tự do toàn diện và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil và Liên đoàn Công nghiệp bang Mato Grosso FIEMT. |
* Trong ba ngày từ 12-14/9, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng về nông nghiệp trong khuôn khổ của G20.
Sự kiện được tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp, chăn nuôi và cung ứng (MAPA) với sự tham dự của các bộ, ban, ngành tại Brazil bao gồm: Bộ Phát triển nông thôn và nông nghiệp gia đình (MDA), Bộ Nghề cá và nuôi trồng thủy sản (MPA), Bộ Ngoại giao và Tập đoàn nghiên cứu nông nghiệp Brazil (Embrapa).
Ngoài ra, hội nghị lần này còn quy tụ 23 bộ trưởng, 43 đoàn đại biểu các nước thành viên và các tổ chức quốc tế.
Trước đó, trong các ngày 10-11/9, các hoạt động chuẩn bị soạn thảo Tuyên bố chung của hội nghị đã diễn ra và bản thảo đã được đem ra thảo luận tại các phiên chính thức trong khuôn khổ chương trình.
Các Bộ trưởng Nông nghiệp và đại diện nhiều quốc gia khách mời, cũng như tổ chức quốc tế đã thảo luận về các nội dung sẽ được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra vào ngày 18 và 19/11 tới tại bang Rio de Janeiro, Brazil.
Hội nghị Bộ trưởng về Nông nghiệp trong khuôn khổ G20 |
Bốn trọng tâm chính được thảo luận tại các phiên họp bao gồm: Bảo đảm tính bền vững trong nông nghiệp và lương thực bằng nhiều hình thức khác nhau; Mở rộng sự đóng góp của thương mại quốc tế đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng; Công nhận vai trò quan trọng của nông nghiệp gia đình, nông dân, người bản địa và các cộng đồng truyền thống đối với các hệ thống lương thực bền vững, lành mạnh và toàn diện; và thúc đẩy sự hội nhập bền vững của nghề cá và nuôi trồng thủy sản vào các chuỗi xã hội địa phương và toàn cầu.
Hội nghị cũng ủng hộ sáng kiến hợp tác đa phương của Brazil, quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2024, thông qua dự án có tên gọi Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, đồng thời cam kết trong quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai năng lượng công bằng và bền vững, nhằm đảm bảo một hệ thống lương thực toàn cầu toàn diện và linh hoạt.