Trung tuần tháng 5/2022, chúng ta chứng kiến hàng loạt hoạt động đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam và các nước. Đây chính là quá trình thực hiện sinh động đường lối đối ngoại do Đại hội XIII của Đảng vạch ra, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đối ngoại phục vụ phát triển và bảo vệ đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Đó là chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc (11-17/5); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Lào (15-17/5). Đó là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou (15-19/5) và Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin (18-20/5). Thành công trọn vẹn ở Hoa KỳĐây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ kể từ sau Đại hội XIII, cũng là hoạt động đối ngoại đầu tiên của ASEAN diễn ra bên ngoài lãnh thổ khu vực kể từ khi đại dịch bùng phát. Bao gồm các hoạt động cả đa phương và song phương, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; góp phần khẳng định nhất quán đường lối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, cả trong thảo luận cũng như xây dựng văn kiện. Tham dự và phát biểu tại tất cả hoạt động trong khuôn khổ Cấp cao đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ quan điểm về định hướng phát triển quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ và tình hình quốc tế và khu vực, được các nước đánh giá rất cao. Kết quả nổi bật của Hội nghị là Tuyên bố tầm nhìn chung ASEAN-Hoa Kỳ, phản ánh những kết quả đạt được trong 45 năm qua và nhất trí nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11 tới. Việc đóng góp quan trọng vào thành công Hội nghị đã khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đồng thời đề cao vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN, góp phần thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ. |
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 12/5. (Nguồn: TTXVN) |
Để thúc đẩy quan hệ song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi với Tổng thống Joe Biden trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ; gặp một số chính trị gia cấp cao của Hoa Kỳ, gồm Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy, Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen. Trong đó, hai bên dành cho nhau sự tôn trọng, bình đẳng, xây dựng quan hệ ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, hiệu quả hơn, trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tham dự hội nghị với các doanh nghiệp Hoa Kỳ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức, gặp gỡ lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhiều nhà đầu tư. Thông qua đó, chuyến thăm đã tạo động lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh… Tại New York, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có các cuộc gặp với Phó Tổng thư ký LHQ Amina Mohammed, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ Catherine Russell, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid, Tổng giám đốc Chương trình Phát triển LHQ Achim Steiner; thăm Phái đoàn Việt Nam tại LHQ… Các cuộc tiếp xúc này góp phần củng cố quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Việt Nam-LHQ trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ quan hệ đối tác (1977-2022), đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của LHQ đối với các lĩnh vực Việt Nam có nhiều quan tâm, lợi ích như phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tự cường sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu tiêu phát triển bền vững (SDG), triển khai hoạt động gìn giữ hoà bình…Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan đại diện trực thuộc Đại sứ quán; tiếp đại diện cộng đồng người Việt ở khu Bờ Đông Hoa Kỳ. Bày tỏ đồng cảm, chia sẻ với đồng bào khi ở xa quê hương, Thủ tướng thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, mong muốn kiều bào tiếp tục gắn bó với đất nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. |
Thông điệp xuyên suốt trong chuyến đi là cam kết mạnh mẽ và đóng góp tích cực của Việt Nam với hòa bình và ổn định trên thế giới, được chính giới, giới học giả, ngoại giao đoàn Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thông điệp này được chuyển tải rõ nét trong bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS). Thủ tướng chia sẻ cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó. Trong vòng một tuần thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, với lịch trình bận rộn tại các thành phố lớn nhất bao gồm Washington D.C., Boston, New York, San Francisco, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến đi thành công trọn vẹn, góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, qua đó tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Tuy xa mà gần” với Hy LạpChuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou (ngày 15-19/5)diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt kể từ chuyến thăm Hy Lạp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Karolos Papoulias trong năm 2008, cũng như các chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Nikos Kozias tới Việt Nam (2017); của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (2018) và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Hy Lạp (11/2021). |
Là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuyến thăm của Tổng thống Katerina Sakellaropoulou khẳng định sự coi trọng của Hy Lạp với vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới. Trong chuyến thăm, Tổng thống Katerina Sakellaropoulou đã chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự tiệc trà do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì. Tại các cuộc tiếp xúc, Tổng thống Katerina Sakellaropoulou đánh giá cao những thành tựu quan trọng về mọi mặt mà Việt Nam đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ngày nay. Hai bên đã trao đổi và thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và nhất trí tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn, không chỉ ở cấp cao mà còn ở cấp các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Nhằm tạo động lực phục hồi hậu Covid-19, hai bên đồng lòng nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế cùng có lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và kết nối đối tác, tập trung vào lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Hy Lạp có thế mạnh như đóng tàu, sửa chữa tàu, cung ứng dịch vụ vận tải biển, năng lượng, nông nghiệp... Hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán để hoàn tất khuôn khổ pháp lý Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định vận tải hàng hải. Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hy Lạp nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, phát triển hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Vị nguyên thủ thuộc EU khẳng định Hy Lạp ủng hộ Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU, khai thác tiềm năng to lớn của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), góp phần giúp thương mại giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ. Có thể nói chuyến thăm của nữ Tổng thống Hy Lạp đã góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt như chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch… đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Chuyến thăm thể hiện sống động mối quan hệ hữu nghị “tuy xa mà gần” giữa Việt Nam-Hy Lạp, qua đó khẳng định bất chấp khoảng cách về địa lý, hai nước chia sẻ rất nhiều giá trị chung. Thắm tình đồng chí, anh em Việt Nam-LàoChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane (15-17/5). Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới CHDCND Lào trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022 và cũng là lần đầu tiên đồng chí Vương Đình Huệ thăm chính thức nước CHDCND Lào trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Đối với Lào, đây là đoàn Chủ tịch Quốc hội nước ngoài đầu tiên thăm chính thức kể từ sau Đại hội XI và sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX của Lào. |
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; hội kiến Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh; hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihan, đồng chủ trì Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; tiếp Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông, đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam Boviengkham Vongdara; tiếp Bộ trưởng Tài chính Bounchom Oubonpaserth. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã thăm nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith tại nhà riêng; thăm và làm việc tại tỉnh Champasak; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, gặp mặt thân mật cộng đồng người Việt và đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào… Các chuyến thăm trong trao đổi cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào luôn mang không khí “bạn đến chơi nhà”, gần gũi mà ấm áp tình hữu nghị có một không hai với những lời chào, câu chuyện bắt đầu bằng từ “đồng chí”, những nụ cười gửi gắm bao niềm tin và sự chia sẻ... Ba ngày đặt chân lên nước bạn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng không ngoại lệ. Trong thư gửi Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, thay mặt đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và nhân danh cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thắm tình đồng chí anh em mà phía Lào dành cho đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam. Mặc dù thời gian lưu lại không dài, nhưng Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả chuyến thăm. Hai bên đã trao đổi hết sức chân thành, cởi mở và tin cậy nhằm góp phần đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước nói chung, quan hệ giữa Quốc hội hai nước nói riêng, ngày càng phát triển và đơm hoa kết trái, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Trước những diễn biến phức tạp hiện nay của tình hình quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo hai nước càng thấy rõ giá trị của việc duy trì và vun đắp mối quan hệ láng giềng gắn bó, thuỷ chung “có một không hai” đối với an ninh và phát triển của Việt Nam và Lào, coi đó là quy luật phát triển, có ý nghĩa sống còn, là một trong những nhân tố quyết định đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước. Trong thời gian tới, cả Việt Nam và Lào đều cần phát huy cao độ truyền thống hợp tác gắn bó, tin cậy; cùng nhau triển khai nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao; nỗ lực tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước; cùng nhau thúc đẩy, tìm giải pháp xử lý hiệu quả vướng mắc của các dự án hợp tác quan trọng, nhất là các dự án kết nối hạ tầng giao thông… Trong hợp tác nghị viện, các nhà lãnh đạo hai nước đều nhất trí tiếp tục phối hợp giám sát để góp phần triển khai hiệu quả các thỏa thuận song phương; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, nhất là xây dựng hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Về đa phương, Quốc hội hai nước nỗ lực hợp tác chặt chẽ, ủng hộ nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đại Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)…; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Thúc đẩy Đối tác chiến lược Việt Nam-SingaporeTrở về từ Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đón một vị khách quan trọng từ “đảo quốc sư tử” tại Nhà Quốc hội. Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18-20/5 của Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và cụ thể hóa những thỏa thuận cấp cao nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore cuối tháng Hai, góp phần thắt chặt quan hệ giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh hai nước tích cực chuẩn bị các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023). Đây là thời điểm tổng kết, chào mừng những thành công đã đạt được, đồng thời tìm kiếm những cơ hội thúc đẩy hơn nữa hợp tác hai nước, trong đó có giao lưu nhân dân. |
Những năm gần đây, Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm lập pháp và giám sát của Quốc hội mỗi nước.Tháng 11/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm chính thức Singapore. Trong hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hoạt động trao đổi đoàn trực tiếp giữa Quốc hội hai nước bị gián đoạn. Tuy nhiên, lãnh đạo và các cấp làm việc của Quốc hội hai nước vẫn duy trì trao đổi kinh nghiệm thường xuyên thông qua các hình thức như điện đàm, hội đàm trực tuyến. *** Như vậy, tháng Năm “bội thu” của đối ngoại Việt Nam với những đoàn cấp cao đến và đi thành công càng cho thấy rõ hơn một dòng chảy đối ngoại hai chiều liền mạch, không ngừng nghỉ, mang theo hình ảnh một Việt Nam thân thiện, cởi mở, một khát vọng phục hồi và tự cường sau đại dịch Covid-19. |