Đối thoại về biến đổi khí hậu đang trong quá trình triển khai, lời kêu gọi Trung Quốc và Mỹ hợp tác giải quyết vấn đề Afghanistan là những bước phát triển đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những quan điểm tiêu cực trong quan hệ Mỹ-Trung đang làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực này.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xấu đi nhanh chóng, việc tìm ra động lực hàn gắn mới đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Liệu tầng lớp trung lưu sẽ là động lực mới giúp hàn gắn quan hệ Mỹ-Trung? (Nguồn: Getty) |
Thúc đẩy "ngoại giao trung lưu"
Khi xem xét những ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ, có một lĩnh vực rõ ràng mà hai bên có điểm chung, đó là sự phát triển của tầng lớp trung lưu. "Ngoại giao trung lưu" là điểm cốt lõi trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden.
Các trợ lý cấp cao của ông, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Salman Ahmed, thường thúc đẩy mục tiêu tổng thể này.
Bốn ưu tiên của chính quyền ông Biden, bao gồm đẩy lùi đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và chống biến đổi khí hậu, cho thấy các chính sách đều tập trung vào lĩnh vực trong nước.
Tin liên quan |
Quanhệ Mỹ-Trung: 'Tia nắng mùa Xuân' sẽ đến hay 'đợt rét nàng Bân' sắp về? |
Thực ra, chính sách "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Donald Trump trước đây cũng nhấn mạnh việc cắt giảm thuế đối với tầng lớp trung lưu.
Như nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Nouriel Roubini đã chỉ ra rằng khi bất bình đẳng ở Mỹ "trở nên quá lớn", các chính trị gia sẽ theo chiều hướng dân túy, đặc biệt là với các chính sách nhằm làm hài lòng tầng lớp trung lưu.
Đối với Trung Quốc, kể từ đầu thế kỷ XXI, ưu tiên xóa đói giảm nghèo và mở rộng tầng lớp trung lưu (hay "nhóm thu nhập trung bình") luôn là chiến lược phát triển quốc gia quan trọng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch ra đường lối tập trung mở rộng tầng lớp trung lưu để có thể hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa" và chiến lược phát triển "thịnh vượng chung" gần đây.
Có thể thấy, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang muốn thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Trong bối cảnh đó, liệu điều này có thể trở thành nền tảng thúc đẩy hợp tác hoặc cạnh tranh lành mạnh thay vì đối đầu một mất, một còn hay không?
Tầng lớp trung lưu: Sợi dây gắn kết?
Các chuyên gia cho rằng sự phát triển mạnh mẽ cùng tầm quan trọng của tầng lớp trung lưu đối với hai nền kinh tế Mỹ-Trung có thể giúp giải quyết mối quan hệ song phương lạnh nhạt giữa hai nước. Có bốn cách thức để đạt được điều này.
Thứ nhất, nuôi dưỡng điểm chung. Do sự khác biệt rất lớn về lịch sử, văn hóa, cơ cấu kinh tế và hệ thống chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, tầng lớp trung lưu của hai nước khác nhau về thành phần, thế giới quan và hành vi.
Tuy nhiên, xét về lối sống, tầng lớp trung lưu Trung Quốc rất giống tầng lớp trung lưu Mỹ trong các vấn đề như muốn quyền sở hữu tư nhân được bảo vệ, quan tâm đến sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu, mong muốn có nhiều chính sách thúc đẩy giáo dục công hơn, quan tâm đến môi trường sinh thái, an toàn thực phẩm, thuốc men, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ.
Việc nhấn mạnh quá mức vào những khác biệt giữa hai nước đã dẫn đến sự phân hóa, từ đó làm trầm trọng thêm sự nghi ngờ và đối đầu. Có thể nói, một số căng thẳng, xung đột nhất định trong quan hệ Mỹ-Trung là kết quả của việc chú ý đến những điều khác biệt. Trên thực tế, tập trung nhiều hơn vào những điểm tương đồng sẽ giúp mang lại những cảm nhận tích cực hơn, đồng thời giúp nuôi dưỡng sự thông cảm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung.
Thứ hai, thúc đẩy ngoại giao dân sự. Quan hệ Mỹ-Trung, bên cạnh việc là mối quan hệ giữa hai quốc gia, còn là mối quan hệ giữa người dân hai nước. Trong bối cảnh đó, việc chú ý đến ngoại giao phi chính phủ có thể giúp hiểu thêm về các quốc gia khác.
Ví dụ, về trao đổi giáo dục, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, có đến 34% sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học Mỹ đến từ Trung Quốc. Bốn tháng sau khi chính thức bắt đầu nhận đơn xin thị thực sinh viên vào tháng 5/2021, Lãnh sự quán Mỹ đã cấp gần 85.000 thị thực cho sinh viên Trung Quốc.
Việc sinh viên Trung Quốc tiếp tục quan tâm đến du học tại Mỹ phản ánh các giá trị quốc tế của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, cũng như di sản trao đổi giáo dục, văn hóa bền vững giữa hai nước, ngay cả khi mối quan hệ song phương đối mặt với những thách thức lớn.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, có đến 34% sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học Mỹ đến từ Trung Quốc.(Nguồn: Reuters) |
Thứ ba, chú ý tới những người bình thường khác, không chỉ là cư dân Phố Wall. Cả Trung Quốc và Mỹ đều có chung động lực mạnh mẽ, đó là tập trung giảm bớt sự lo lắng của những người Mỹ bình thường chứ không chỉ những người ở Phố Wall.
Cụ thể hơn, theo tuyên bố của Phòng Thương mại Mỹ và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Mỹ nên bắt đầu xóa bỏ các mức thuế nhất định đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì những chính sách thuế này làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng Mỹ.
Trong khi đó, đối với kế hoạch cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Tổng thống Biden, sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh cạnh tranh với Trung Quốc trong khi bỏ qua nhu cầu hợp tác song phương rất lớn. Đồng thời, Trung Quốc nên giảm các rào cản kỹ thuật đối với hàng nông sản Mỹ xuất sang nước này.
Về mặt công nghệ, sự cạnh tranh gay gắt và những hạn chế với lý do an ninh có thể tiếp tục, song điều này không nên ngăn cản lợi ích chung của tầng lớp trung lưu hai nước trong việc giải quyết những lo ngại chính đáng liên quan đến kinh doanh độc quyền.
Thứ tư, trau dồi sức mạnh chống đỡ cho ổn định và hòa bình. Câu nói nổi tiếng của triết gia Trung Quốc Mạnh Tử "người có tài sản bền vững thì sẽ bền gan" cho thấy quyền sở hữu tài sản trong một xã hội liên quan đến sự ổn định xã hội và chính trị của xã hội đó.
Như học giả Trung Quốc nổi tiếng Trịnh Vĩnh Niên đã nói gần đây, tương lai của Trung Quốc và trật tự thế giới phụ thuộc nhiều vào sự tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu. Theo quan điểm của ông, tầng lớp trung lưu thường là lực lượng cho hòa bình ở bất kỳ quốc gia nào.
Cùng tìm ra điểm chung?
Điều thú vị là một báo cáo năm 2020 của Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan và Giám đốc Salman Ahmed với tiêu đề "Để chính sách đối ngoại của Mỹ phục vụ tầng lớp trung lưu tốt hơn" đã chỉ ra rằng việc chấp nhận rủi ro trong đối đầu với Trung Quốc và áp dụng chính sách giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh là không có lợi cho người dân Mỹ.
Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan gần đây được nhiều người đánh giá là một phần của sự thay đổi chiến lược lớn hơn, đó là mục tiêu tập trung vào Trung Quốc.
Tin liên quan |
Đối đầu với Trung Quốc, Mỹ thực sự cần phải làm gì? |
Tuy nhiên, Washington còn những động cơ khác là tái phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế trong nước, nhằm đảm bảo lợi ích của tầng lớp trung lưu Mỹ. Điều này không nên bị bỏ qua. Cả cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden đều viện dẫn việc định vị lại các ưu tiên kinh tế trong nước để biện minh cho nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan.
Có thể nói, quan điểm của Mỹ và các nước khác luôn là sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc là kết quả của sự cởi mở trong nền kinh tế Mỹ.
Như học giả nổi tiếng người Singapore Kishore Mahbubani đã chỉ ra, quan điểm này cũng có thể được giải thích là người Trung Quốc "coi sự thịnh vượng của Mỹ như một tài sản, tài sản này đã và sẽ tiếp tục giúp thúc đẩy kinh tế Trung Quốc thịnh vượng".
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia có tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới, có thể từ bỏ tư duy một mất-một còn, cùng nhau tìm ra điểm chung và hiện thực hóa nguyện vọng chung của cả hai bên hay không?
Câu hỏi này dù được giải đáp thế nào cũng sẽ có tác động sâu sắc đến 1,7 tỷ người dân hai nước và toàn thể cộng đồng quốc tế.
| Mỹ-Trung Quốc thảo luận về thương mại song phương, cam kết giải quyết vấn đề tồn đọng Tối 8/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã thảo luận với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về các hoạt động thương ... |
| 'Thỏa thuận Mạnh Vãn Chu' có giúp 'xoa dịu' quan hệ Mỹ - Trung? Việc giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu và hai công dân Canada được trả tự do sau 3 năm tranh cãi pháp lý ... |