📞

Tạo thương hiệu qua các chỉ số cải cách, Quảng Ninh quyết đi đầu, dẫn dắt công cuộc đổi mới

Gia Thành 16:07 | 07/07/2021
Năm 2020, lần đầu tiên Quảng Ninh đón nhận kết quả nổi bật khi cả 4 Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI đều đứng vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tại Hội nghị phân tích các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT Index năm 2020. (Nguồn: BQN)

Cụ thể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số CCHC (PAR Index) 4 năm (2017-2020) liên tiếp giữ ngôi vị quán quân; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) liên tiếp dẫn đầu vị trí xếp hạng trong 2 năm 2019 và 2020; lần đầu tiên Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng.

Cùng với đó, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (ICT Index) 2 năm liên tiếp giữ vững vị trí thứ 3.

Thương hiệu Quảng Ninh

Phát biểu tại Hội nghị phân tích các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT Index năm 2020 diễn ra mới đây, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho hay, Quảng Ninh đón nhận tin vui khi dẫn đầu các tỉnh, thành phố đồng thời ở cả 4 chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.

Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính tỉnh Quảng Ninh; phản ánh đánh giá về hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng thời, động viên, khích lệ Quảng Ninh tiếp tục đột phá hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Khẳng định rõ nét chủ trương, quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: "Niềm vui và tự hào càng cao hơn khi tỉnh đã giữ địa bàn an toàn, ổn định và phát triển trong trạng thái bình thường mới trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là trong đợt dịch thứ 3, thứ 4 từ đầu năm đến nay bằng các biện pháp thần tốc, quyết liệt, chủ động 'từ xa, từ sớm, từ cơ sở' theo phương châm '3 trước, 4 tại chỗ'. Nhờ đó, tỉnh đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,02%".

Đặc biệt, Quảng Ninh đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an ninh, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,95%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước và cao nhất trong 4 kỳ bầu cử gần đây.

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cũng khẳng định, việc là địa phương đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này cùng lúc xếp hạng nhất ở cả 4 chỉ số đã thể hiện thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh. Kết quả đó cho thấy, niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân, sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp dành cho tỉnh rất lớn.

Trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển, tỉnh đã hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2010-2020, gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận.

Đến nay, Quảng Ninh đã và đang hoàn thiện hàng loạt các quy hoạch chiến lược để định hình lại không gian phát triển theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Quảng Ninh ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm là địa phương giữ vị trí trọng yếu về kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của quốc gia.

Trong tiến trình phát triển, Quảng Ninh luôn nhận thức công tác cải cách về mọi mặt là một hành trình liên tục, chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh ủy cho hay, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, gắn trách nhiệm người đứng đầu phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và phải đong, đo, đếm được kết quả, hiệu quả, không chạy theo thành tích và bệnh hình thức.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, Quảng Ninh có được thành công trong bảng xếp hạng 4 chỉ số cải cách nói riêng và trong nhiều thành tựu kinh tế-xã hội nói chung vừa là niềm tự hào, vinh dự nhưng cũng là thách thức lớn trên con đường tìm kiếm sự đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra, trước mắt là giữ vững đà tăng trưởng trong tình hình mới và thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2020-2025.

"Việc kiên trì đổi mới, chinh phục các bảng xếp hạng sẽ là một trong những động lực để Quảng Ninh xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu về đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền các cấp trong việc đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, đánh thức tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Những chỉ số ấy sẽ trở thành thương hiệu, niềm tin không chỉ ở tầm cấp tỉnh mà ở tầm quốc gia, để Quảng Ninh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới", ông Nguyễn Xuân Ký nói.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT Index được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: BQN)

Kỳ vọng lớn, dư địa cải cách còn rộng mở

Đánh giá về các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT Index năm 2020 của Quảng Ninh, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Quảng Ninh là nơi gửi gắm niềm tin và khát vọng cho công cuộc cải cách hành chính ở các địa phương và cũng là khởi nguồn, “cái nôi” của công tác cải cách.

Những mô hình cải cách của Quảng Ninh đã và đang tiếp tục mang lại những hiệu quả thực tế, được lan rộng trong cả nước, là hình mẫu cho các địa phương khác học hỏi, tham khảo. Kết quả đứng đầu trong cả 4 bảng xếp hạng các chỉ số quan trọng phản ánh công tác cải cách, đổi mới của chính quyền năm 2020 thể hiện rõ nhất những cố gắng, nỗ lực, đổi mới, sáng tạo Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện trong suốt thời gian qua.

Chủ tịch VCCI cũng khẳng định, tuy đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhưng đối với tỉnh Quảng Ninh, đó vẫn chỉ là những bước khởi đầu. Vì kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đối với chính quyền Quảng Ninh vẫn rất lớn và không gian, dư địa cải cách còn rộng mở, tiến trình cải cách còn gian nan. Điều này đòi hỏi thêm nhiều hơn nữa sự quyết tâm, nỗ lực của Quảng Ninh trong thời gian tới.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, kết quả đánh giá các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo giá trị.

Tuy nhiên, qua kết quả tổng hợp, phân tích cũng cho thấy, nhiều tồn tại, hạn chế, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm và tìm biện pháp khắc phục.

"Quảng Ninh không được sớm tự mãn về thành tích đứng đầu đã đạt được, mà nên tập trung phân tích sâu vào các chỉ số thành phần còn đứng ở thứ hạng thấp, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương đang làm tốt hơn. Thách thức Quảng Ninh phải đối mặt và vượt qua đó là vượt qua chính mình, thực sự trở thành địa phương đi đầu, dẫn dắt công cuộc đổi mới", ông Nguyễn Tường Văn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, cải cách là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt. Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần phát huy những kết quả đạt được, đồng thời nhận diện những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục.