Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình (hàng đầu, thứ năm từ trái) cùng các nguyên lãnh đạo Bộ tham dự lễ kỷ niệm 30 năm Báo Thế giới và Việt Nam ra số đầu tiên, ngày 29/11/2019. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Cuối năm 1986, tôi được Bộ điều động từ Vụ Tổng hợp đối ngoại về làm Phó Chánh Văn phòng, giúp việc cho Chánh Văn phòng Bùi Hồng Phúc. Cũng năm đó, Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới và mở cửa. Được phục vụ công tác của Lãnh đạo Bộ, chúng tôi tiếp nhận nhiều thông tin về những thành tựu ban đầu về đổi mới và mở cửa nhưng cũng có nhiều thông tin về những trục trặc, sai sót, những lỗi ứng xử mà bây giờ chúng ta coi là lỗi sơ đẳng ở nơi này, nơi khác do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm của cán bộ ta.
Theo chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Lãnh đạo Bộ rất tích cực đi dự và phát biểu tại các diễn đàn, hội nghị về tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, được các bộ, ngành, địa phương rất hoan nghênh. Từ đó nhu cầu tìm hiểu về đối ngoại ngày càng tăng, lãnh đạo Văn phòng và các Vụ tổng hợp cũng phải chia nhau đi thuyết trình tại các hội nghị và lớp bồi dưỡng ở nhiều bộ, ngành và một số địa phương.
Một hôm, anh Bùi Hồng Phúc chia sẻ với tôi ý kiến của Thứ trưởng Lê Mai về chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về việc xúc tiến thành lập một tờ báo của Ngành nhằm phổ biến tình hình quốc tế, kiến thức ngoại giao và đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cho không chỉ cho cán bộ các bộ, ngành, địa phương, mà cả cho nhân dân. Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, anh Phúc và tôi hẹn gặp Vụ trưởng phụ trách lĩnh vực báo chí của Bộ Thông tin, Văn hóa đề nghị cho phép lập tờ báo của Ngành.
Đồng chí Vụ trưởng rất cởi mở nhưng cho rằng: Do Bộ Ngoại giao đã có tờ báo tiếng Pháp Le Courrier du Vietnam nên khó có thể lập thêm một tờ báo nữa! Chúng tôi đã giải thích tờ báo tiếng Pháp hiện có chỉ đáp ứng nhu cầu của những người nói tiếng Pháp ở nước ngoài muốn tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, trong khi tờ báo chúng tôi muốn thành lập là báo tiếng Việt hướng tới cán bộ, nhân viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng và nhân dân ta để cung cấp kiến thức về thế giới và chính sách đối ngoại của ta, qua đó tạo nên sự thống nhất trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng. Đồng chí Vụ trưởng đồng tình nhưng do vướng vào các quy định hiện hành nên chỉ ghi nhận để nghiên cứu tiếp.
Năm 1988, anh Bùi Hồng Phúc được bổ nhiệm Trợ lý Bộ trưởng, còn tôi trở thành Quyền Chánh văn phòng. Trong việc xúc tiến thành lập tờ báo của Ngành, anh Phúc và tôi vẫn cùng nhau làm việc với các cơ quan quản lý báo chí là Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Thông tin, Văn hóa. Cuối cùng, Tạp chí Quan hệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao đã được cấp phép và chính thức ra mắt vào năm 1989. Còn tờ báo tiếng Pháp Le Courrier du Vietnam tiếp tục do Bộ Ngoại giao quản lý thêm vài năm nữa rồi chuyển về Thông tấn xã Việt Nam từ năm 1994.
Ông Nguyễn Ngọc Trường, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Quan hệ Quốc tế, nay là Báo Thế giới và Việt Nam phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 3 năm ngày ra số đầu tiên. (Ảnh tư liệu) |
Chọn “người lái tàu”
Để chọn người làm Tổng Biên tập đầu tiên cho Tạp chí cũng là việc không đơn giản vì người được bổ nhiệm không những cần có kiến thức và nắm vững quan điểm của Đảng về ngoại giao, lại phải có hiểu biết về báo chí. Ở Bộ Ngoại giao khi ấy, điều đó hầu như là nhiệm vụ bất khả thi. Rất may, chúng tôi “phát hiện” được anh Nguyễn Ngọc Trường, người được đào tạo bài bản nhất trong lứa cán bộ chúng tôi thời đó: Tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, về công tác ở Vụ châu Mỹ, đi tu nghiệp ở Hungary, vừa có bằng Phó Tiến sĩ sau khóa nghiên cứu sinh ở Học viện Ngoại giao MGIMO Liên Xô (1982-1986) và đang công tác ở Vụ Tổng hợp đối ngoại.
Tuy nhiên, anh Trường không nhận lời vì không có kiến thức và kinh nghiệm làm báo. Chúng tôi báo cáo Thứ trưởng Lê Mai và nhờ anh Mai thuyết phục. Với năng lực và hiểu biết về lĩnh vực ngoại giao, lại là người mạnh mẽ và không sợ khó, cuối cùng anh Trường nhận làm Tổng Biên tập, và “kéo” được anh Đinh Hoàng Thắng cũng đang công tác tại Vụ Tổng hợp đối ngoại làm Phó Tổng Biên tập.
Tạp chí Quan hệ Quốc tế ra đời được độc giả rất hoan nghênh vì đáp ứng được nhu cầu về thông tin của cán bộ, nhân dân ta về tình hình thế giới, quan hệ quốc tế và chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Anh Nguyễn Ngọc Trường năm 1996 được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Mexico rồi năm 2002 làm Đại sứ tại Thụy Điển, kiêm nhiệm một số nước khác. Anh và các thế hệ Tổng Biên tập tiếp theo đã có công lãnh đạo và phát triển Tạp chí thành Báo Thế giới và Việt Nam có uy tín và ảnh hưởng như hiện nay, đóng góp rất hiệu quả cho công tác của ngành Ngoại giao.
Thỉnh thoảng, gặp nhau trong các lễ kỷ niệm hay giao lưu của Bộ, hồi tưởng quá trình ra đời của tờ báo Ngành, anh Trường cười bảo tôi: "Hồi đó chỉ điên điên khùng khùng như tôi mới dám nhận làm Tổng Biên tập". Tôi rất nể cái “điên điên khùng khùng” ấy của anh. Chắc anh cũng rất tự hào cũng như anh chị em cán bộ lãnh đạo, đội ngũ biên tập, phóng viên, nhân viên của báo đều tự hào vì không những đã đóng góp xứng đáng cho công tác ngoại giao, mà còn tự hào về sự trưởng thành của mỗi người với tư cách là cán bộ truyền thông, báo chí của Ngành.
Riêng với anh Trường, nếu hồi đó anh không nhận làm Tổng Biên tập thì vẫn có Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nhưng sẽ không có nhà báo, “cây” bình luận quốc tế Nguyễn Ngọc Trường, khán giả sẽ không được nghe những phân tích sắc sảo về các vấn đề quốc tế, cùng nguồn tư liệu phong phú và nụ cười hóm hỉnh của anh trong chương trình “Thế giới toàn cảnh” trên VTV1 được nhiều người yêu thích nhiều năm trước đây.
Xin nhiệt liệt chúc mừng 35 năm thành lập Báo Thế giới và Việt Nam!