Ngày 1/4, hãng tin Yonhap dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Washington và Seoul đã tiến hành tập trận thường xuyên quy mô lớn với tên gọi Foal Eagle (Đại bàng Non) kéo dài một tháng. Một cuộc diễn tập khác mang tên Key Resolve (Giải pháp Then chốt) dự kiến diễn ra trong 2 tuần từ giữa tháng 4. Theo kế hoạch, hơn 23.700 lính Mỹ cùng 300.000 binh lính Hàn Quốc sẽ tham gia hai cuộc tập trận này.
Đáng chú ý, Mỹ và Hàn Quốc thường tiến hành tập trận thường niên vào cuối tháng Hai hoặc đầu tháng Ba. Nhưng năm nay, hai bên đã đồng ý lùi cuộc diễn tập này đến đầu tháng Tư, sau khi cả Thế vận hội Mùa đông 2018 và Thế vận hội dành cho người khuyết tật diễn ra ở Hàn Quốc kết thúc. Diễn biến này được đánh giá là nhằm tạo điều kiện cho những hoạt động thiện chí liên Triều, bao gồm việc Bình Nhưỡng cử vận động viên tham dự Thế vận hội tại Pyeongchang và Chủ tịch Kim Jong-un tiếp đoàn đại biểu của Hàn Quốc, được diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, đó không phải là sự nhượng bộ duy nhất từ liên minh Washington – Seoul, đặc biệt là trong thời điểm thượng đỉnh Hàn – Triều và Triều – Mỹ đang tới gần.
Binh lính Mỹ và Hàn Quốc. (Nguồn: Wall Street Journal) |
Lùi một, tiến hai bước
Theo giới chức Hàn Quốc, hai cuộc diễn tập chung lần này là “lớn chưa từng thấy” trong lịch sử quan hệ giữa Seoul và Washington, với số lượng binh lính tham gia đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định cuộc tập trận lần này vẫn sẽ có quy mô tương tự năm ngoái.
Tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Cuộc tập trận Đại bàng Non không có nhiều khí tài tối tân nhất của Mỹ, vốn từng được sử dụng trong các lần trước như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân cùng các máy ném bom chiến lược như B-1, B-2 và B-52. Thay vào đó, những lực lượng ít “nguy hiểm” hơn như tàu chiến đa nhiệm USS Wasp mang theo máy bay tàng hình F-35B cùng tàu chiến USS Bonhomme Richard sẽ hỗ trợ diễn tập lần này. Đây được cho là nhượng bộ đáng kể từ phía liên minh Mỹ - Hàn với Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng nhiều lần phản đối sự hiện diện những “vũ khí chiến lược” của Washington ngay sát biên giới.
Thêm vào đó, thời gian của hai cuộc diễn tập được rút ngắn xuống còn một tháng. Các binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ tập trung vào thao diễn các bài tập phòng thủ, thay vì nhiệm vụ tấn công, ám sát nhằm vào giới lãnh đạo ở Triều Tiên như lần trước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cuộc diễn tập có bao gồm các hoạt động tấn công chính xác vào những cơ sở hạt nhân, tên lửa và trung tâm chỉ huy của Triều Tiên hay không.
Với những diễn biến này, có thể thấy cuộc tập trận Foal Eagle và Key Resolve lần này hướng tới hai mục tiêu chính. Một mặt, Mỹ và Hàn Quốc muốn chứng tỏ thiện chí của mình với Triều Tiên khi sẵn sàng thu nhỏ quy mô của hoạt động thường niên này và không có các hành động khiêu khích Bình Nhưỡng hay khiến Bắc Kinh lo lắng.
Mặt khác, Washington và Seoul vẫn duy trì cảnh giác cao độ, sẵn sàng huy động lực lượng đối phó mọi bước đi bất thường của Chủ tịch Kim Jong-un. Có thể nói, cả Mỹ và Hàn Quốc đang dành không ít thời gian và nguồn lực để dõi theo từng bước đi của Triều Tiên.
Gió có xuôi chiều?
May mắn thay, cho đến thời điểm hiện tại, phản ứng từ phía Triều Tiên là khá tích cực. Hồi tháng Ba, trong buổi tiếp phái đoàn Hàn Quốc do Cố vấn An ninh Quốc gia Chung Eui-yong đứng đầu tới thăm Bình Nhưỡng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho biết ông “nhận thức rõ” tình hình liên quan tới các cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul. Kể từ khi tập trận bắt đầu ngày 1/4, Triều Tiên vẫn chưa có những tuyên bố hay phát ngôn đáp trả mạnh mẽ như mọi lần.
Tuy nhiên, với nhiều bước đi táo bạo trong quá khứ, việc Bình Nhưỡng “án binh bất động” vẫn khiến không ít người suy nghĩ. Việc “nhắm mắt làm ngơ” trước cuộc diễn tập quân sự từ phía Washington và Seoul có thể là cách nước này bày tỏ thiện chí trước thềm thượng đỉnh liên Triều giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cuộc gặp nhận được sự ủng hộ của cả Trung Quốc và Mỹ, hai người chơi lớn trong bàn cờ chính trị tại khu vực.
Trong khi đó, ông Go Myong-hyun, một nhà phân tích về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Chính sách ASAN tại Seoul không loại trừ khả năng Chủ tịch
Kim Jong-un có thể ra yêu sách về cắt giảm hoàn toàn tập trận Mỹ - Hàn để đổi lấy thiện chí từ phía mình. Nếu được chấp thuận, nó sẽ là một chiến thắng ngoại giao lớn đối với Bình Nhưỡng nói chung và Bắc Kinh nói riêng, khi Trung Quốc luôn quan ngại với những hoạt động quân sự của Mỹ gần lãnh thổ nước này.
Trước mắt, có thể thấy rằng cuộc tập trận chung Foal Eagle và Key Resolve là động thái thận trọng của Mỹ và Hàn Quốc, nhằm đảm bảo thượng đỉnh với Triều Tiên vào tháng Tư và tháng Năm tới diễn ra tốt đẹp.