Hướng dẫn trẻ tự kỷ nhận biết đồ vật. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN) |
Hội chứng tự kỷ được biết đến nhiều ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, triệu chứng của bệnh thường bắt đầu trong ba năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, một số phòng khám khi làm chẩn đoán do thiếu kinh nghiệm lâm sàng nên nhầm lẫn giữa chậm phát triển trí tuệ với tự kỷ.
Báo động số trẻ em mắc bệnh tự kỷ
Phó giáo sư-tiến sỹ Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Thương binh và Xã hội có khoảng từ 5-7% trẻ em tàn tật ở độ tuổi dưới 15, trong đó trẻ em tự kỷ và bại não chiếm khoảng trên 40%.
Theo thống kê của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, hàng năm có trên 3.000 lượt trẻ bị bệnh bại não và tự kỷ đến điều trị tại khoa Nhi của Bệnh viện.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu điều tra, thống kê chính thức về trẻ tự kỷ. Nếu ước lượng theo tỷ lệ của nước Anh thì Việt Nam hiện có 83 triệu dân, sẽ có khoảng trên 160.000 người tự kỷ.
Cho đến nay, chưa có sự thống nhất về nguyên nhân gây ra tự kỷ. Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu trên thế giới thấy rằng hội chứng tự kỷ liên quan đến rối loạn gen, não bất thường, mất cân bằng sinh hóa, di truyền, những yếu tố trong lúc mang thai và sau sinh (nhiễm trùng nước ối, bệnh sởi trong lúc mang thai...)
Thạc sỹ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết theo kết quả nghiên cứu, đánh giá 76 trẻ được chẩn đoán xác định là tự kỷ trong độ tuổi từ 20 tháng đến 7 tuổi vào điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương trong thời gian từ 2008-2011 cho thấy tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ là 8 bé trai/1 bé gái và trẻ ở thành thị mắc chứng tự kỷ nhiều hơn trẻ ở nông thôn.
Tuổi thấp nhất khi nhập viện lần đầu của trẻ là 20 tháng tuổi và tuổi lớn nhất là 68 tháng tuổi; khoảng 12% số trẻ được phát hiện các dấu hiệu của bệnh tự kỷ trước 2 tuổi; 19,74% số trẻ được phát hiện là do cô giáo chứ không phải là bố mẹ hay ông bà; 56,58% trẻ được phát hiện bệnh nhờ dấu hiệu chậm nói (trẻ đã hơn 2 tuổi).
Nnhư vậy có nghĩa là tỷ lệ phát hiện trẻ bị bệnh tự kỷ trước hai tuổi còn quá thấp; đặc biệt là có tới 60,53% số trẻ được gia đình nhận định là phát triển bình thường trong năm đầu.
Đáng quan tâm hơn là chỉ có 1/5 số trẻ được bố mẹ có thời gian giao tiếp nhiều hơn hai giờ mỗi ngày và chỉ có 47,37% số trẻ được đưa đi khám ngay khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường.
Trước khi phát hiện bệnh, chỉ có một nửa số trẻ được đi học hòa nhập tập thể, còn lại là ở nhà với ông bà và người giúp việc.
Các số liệu trên cho thấy kiến thức về tự kỷ, về phát triển tâm lý trẻ em ở các phụ huynh còn yếu. Bên cạnh đó, các phụ huynh còn chưa quan tâm, chưa biết đến phương pháp can thiệp sớm bằng châm cứu cho chứng tự kỷ.
Thêm một lý do nữa là nhiều bậc cha mẹ do bận công tác nên ít quan tâm chăm sóc và gần gũi trẻ. Đây cũng là nguyên nhân lớn làm trẻ chậm phát triển.
Cũng theo kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy: Tiền sử gia đình có người bị bệnh lý tâm thần chỉ chiếm 6,58% số trẻ mắc bệnh tự kỷ; tiền sử thai sản bất thường và nhẹ cân chiếm 1 nửa số trẻ nghiên cứu.
Các nghiên cứu về địa dư, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của mẹ, tuổi trung bình của mẹ khi mang thai trẻ chưa thể giúp khẳng định được nguyên nhân tự kỷ.
Phát hiện sớm giúp trẻ tự kỷ được hòa nhập
Theo các bác sỹ chuyên khoa tâm thần, trẻ mắc bệnh tự kỷ có những đặc điểm sau:
Trẻ chậm trễ trong ngôn ngữ nói (không nói được từ đơn khi 16-18 tháng, không nói được từ đôi khi 24 tháng, trẻ chậm nói so với các bệnh cùng tuổi; trẻ nói những từ, ngữ không có nghĩa, hay gầm gừ, có sự lặp lại không ngừng một từ hay một câu vô nghĩa);
Trẻ có khó khăn trong giao tiếp với người khác (trẻ không cười, nhìn vào mắt người đối diện, không có tương tác với người châm sóc, khi trẻ muốn một đồ vật gì trẻ thường tự lấy hoặc dắt tay người lớn chỉ lấy hộ);
Trẻ có những hành vi rập khuôn, định hình (như quay tròn, đi nhón chân, thích chơi với các đồ vật hình tròn, phát âm các từ rỗng, xoay tay, bật tắt công tắc liên tục, chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác liên tục...).
Trẻ khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh (khi thay đổi chỗ ngồi, nơi ngủ, đồ ăn trẻ thường khó thích nghi).
Để chuẩn đoán trẻ mắc bệnh tự kỷ cần phải tuân theo các nguyên tắc sau:
Các triệu chứng thuộc các nhóm khiếm khuyết xuất hiện cùng một thời điểm, ít nhất có ba triệu chứng thuộc mỗi nhóm; các triệu chứng phải tồn tại ít nhất sáu tháng; xuất hiện trước 36 tháng tuổi; đặc biệt chỉ chẩn đoán tự kỷ sau 36 tháng tuổi trở đi.
Bác sỹ Đỗ Thúy Lan, Chuyên khoa 2 Tâm thần, Giám đốc Trung tâm Sao Mai (Trung tâm tư vấn Phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trí tuệ) cho biết hầu như tất thảy phụ huynh đều bị sốc khi bác sỹ kết luận con họ mắc hội chứng tự kỷ.
Hiện nay, bệnh tự kỷ chưa có thuốc chữa, trẻ mắc tự kỷ khi nhỏ thì lớn lên, trưởng thành vẫn là người tự kỷ. Khoa học đang nghiên cứu để tìm nguyên nhân và thuốc chữa căn bệnh này.
Tuy nhiên, nếu trẻ tự kỷ được phát hiện, chẩn đoán sớm và được can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lý và kiên trì trước 40 tháng tuổi thì trẻ có thể tiến bộ tốt, phát triển tương đối bình thường để hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Nếu được phát hiện sớm, trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống, còn nếu không được điều trị, trẻ không nói được sẽ phải sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, qua 10 tuổi trẻ dễ bị tâm thần.
Trước đây, tự kỷ bị hiểu nhầm là rối loạn thần kinh, chậm phát triển trí tuệ. Đây là một quan điểm sai lầm làm khổ tâm nhiều bậc phụ huynh và sai lầm trong phương pháp can thiệp.
Hiện nay, y học hiện đại chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh tự kỷ mà chỉ điều trị các tổn thương não kèm theo như động kinh, tăng động...
Chính vì vậy các hoạt động chủ yếu vẫn là can thiệp sớm cho trẻ với nhiệm vụ của giáo viên đặc biệt, chuyên viên tâm lý, bác sỹ nhi khoa và nhất là phụ huynh bởi yếu tố gia đình vẫn là quyết định tới kết quả can thiệp.
Phát hiện sớm là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ. Khi phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được khắc phục ngay những khiếm khuyết của mình và trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và nhận thức.
Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân.
Trong quá trình trị liệu cho trẻ tự kỷ cần áp dụng đa dạng các phương pháp khác nhau như ứng dụng phân tích hành vi, liệu pháp ngôn ngữ, trị liệu về vận động, trị liệu kỹ năng xã hội, vật lý trị liệu, liệu pháp trò chơi, trị liệu hành vi, các liệu pháp phát triển, các liệu pháp dựa và trực quan, những liệu pháp y sinh học...
Phó giáo sư-tiến sỹ Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương khẳng định trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội bởi vì giống như các căn bệnh rối loạn về tâm sinh lý khác, tự kỷ có thể trở thành bệnh mãn tính và tồn tại trong suốt cuộc đời bệnh nhân.
Trước thực trạng đó, bệnh viện đã nghiên cứu, triển khai, xây dựng quy trình điều trị giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, giữa y học và giáo dục, đồng thời thành lập đơn vị "Châm cứu, điều trị và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, bại não."
Hiện nay, tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, trẻ mắc bệnh tự kỷ và bại não được điều trị với phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.
Các phương pháp điều trị theo y học cổ truyền gồm: Đại trường châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, tắm dược thảo...; phương pháp điều trị theo y học hại đại có các phương pháp chiếu đèn hồng ngoại, chiếu đèn tử ngoại, giáo dục kỹ năng sống.
Theo TTXVN