Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Không thể phủ nhận, khoảng thời gian nghỉ Tết đón mừng năm mới Âm lịch năm 2017 này, nhiều điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để người dân có thể đi du lịch, thưởng ngoạn khắp nơi.
Về thời gian nghỉ, dù không nhiều hơn về số ngày nghỉ so với các năm trước, song lịch nghỉ Tết Đinh Dậu năm nay cũng kéo dài tới 7 ngày, từ ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thân tới hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu (tức từ ngày 26/1-1/2 Dương lịch). Khoảng thời gian một tuần nghỉ lễ đó, bên cạnh công việc chuẩn bị đón Tết cùng gia đình, người thân, nhiều người chọn cho mình chuyến du lịch nào đó, có thể trong nước hoặc nước ngoài.
Tết cổ truyền là một nét riêng thu hút du khách nước ngoài. (Nguồn: dangconsan.com) |
Về thời tiết, khí hậu năm nay cũng như chiều lòng người với sự khô ráo, ấm áp thuận lợi cho việc những trải nghiệm ngoài trời, dù là những chuyến đi xa. Khắp ba miền, trong 7 ngày nghỉ lễ đón Xuân Đinh Dậu, khí hậu hoàn toàn ủng hộ cho việc du lịch của đông đảo người dân.
Năm 2016 vừa qua, nhìn ở tầm vĩ mô, có thể đánh giá kinh tế Việt Nam chưa có nhiều đột phá song vẫn giữ được sự ổn định ở đa số các ngành/lĩnh vực. Bên cạnh đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt top 10 thành phố năng động nhất trên thế giới. Điều đó cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng để thúc đẩy các ngành quan trọng như du lịch.
Điểm đến không thể bỏ qua ở châu Á
Việt Nam từ trước tới nay và mạnh mẽ nhất ở thời điểm hiện tại vẫn khẳng định sức hút mạnh mẽ không chỉ riêng với ngành du lịch mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Cùng với các trung tâm văn hóa, giải trí khác của châu Á, Việt Nam mang bản sắc độc đáo, mới lạ, được thể hiện rõ nét trong thời gian diễn ra sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới – Tết cổ truyền. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượt khách quốc tế tới Việt Nam tháng 1/2017 đạt 1.007.220 lượt, tăng 12,3% so với tháng 12/2016 và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống châu Á, khách du lịch khó có thể bỏ qua một điểm đến là một đất nước ở "xứ Viễn Đông” như Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam liên tục có những di sản được UNESCO công nhận, được vinh danh trên toàn thế giới. Từ di sản thiên nhiên cho tới di sản văn hóa phi vật thể với số lượng tất cả là 22 (tính đến thời điểm hiện tại) cho thấy sự phong phú, đa dạng của các giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới. Có thể nói, di sản Việt Nam góp phần không nhỏ vào việc phát triển ngành du lịch nước nhà, trong đó trọng tâm là nguồn khách du lịch quốc tế.
Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 nói riêng, dọc theo chiều dài Tổ quốc, mỗi vùng miền lại có những đặc sắc từ danh thắng tới lễ hội, tín ngưỡng văn hóa truyền thống để khách du lịch trong nước và quốc tế chọn để tham quan, thưởng lãm. Năm nay ba miền nước ta đều có lượng khách du lịch cả trong nước, quốc tế tăng mạnh. Trong đó, điểm nhấn là TP. Hồ Chí Minh (có 40.000 đến 45.000 lượt khách quốc tế, Quảng Bình (tăng 133%), Quảng Ninh (tăng 45%), Tây Nguyên (trọng điểm là Đà Lạt – Lâm Đồng)... Tục mừng Tết Nguyên đán vẫn như truyền thống qua các năm song cách thể hiện, bài trí và đón mừng mỗi năm lại có nhiều đổi mới, hấp dẫn nên thu hút mạnh mẽ khách du lịch cả nội địa và quốc tế.
Thắt chặt hơn trong quản lý
Du lịch được xem là một trong những mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua. Không chỉ gia tăng tiềm lực cho nền kinh tế quốc dân, hơn thế qua du lịch, hình ảnh đất nước, con người và các giá trị Việt được lan tỏa, đến với cộng đồng và bè bạn quốc tế. Thông qua những dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên đán, thêm một lần nữa du lịch Việt Nam được Chính phủ, cơ quan bộ ngành đầu tư và có những biện pháp hữu hiệu hơn trong quản lý, khai thác.
Khách du lịch nước ngoài tham quan quanh hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: HanoiTV) |
Hệ thống di sản thiên nhiên thế giới và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị đồng thời làm phong phú hóa, giàu có hóa bản sắc của di sản đó. Trong dịp Tết Đinh Dậu, hàng nghìn lượt khách du lịch, trong đó lượng lớn là khách quốc tế, đã tới thăm, thưởng ngoạn và chiêm bái quần thể danh thắng Tràng An – di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam.
Cùng với đó các địa điểm văn hóa du lịch trên khắp cả nước đều được cấp trên chỉ đạo sát sao trong thiết kế, bảo tồn. Thủ đô Hà Nội với các điểm du lịch nổi bật như Hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám... vẫn thu hút khách du lịch trong dịp Tết. Năm nay, Quảng Bình là địa phương miền Trung có tín hiệu khởi sắc nhất khi lượng khách trong nước, quốc tế tăng cao với 133%. TP. Hồ Chí Minh với Đường hoa Nguyễn Huệ là địa điểm tham quan, vui xuân lý tưởng cho khách du lịch.
Chính sách cởi mở của Chính phủ bằng việc miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy) cũng góp phần quan trọng thúc đẩy lượng khách ngoại địa khu vực Tây Âu – một thị trường đầy tiềm năng. Do đó, dịp Tết Nguyên đán 2017, lượng khách từ các quốc gia trên thế giới đã tăng nhanh chóng.
Cùng với việc tiếp tục đầu tư, bảo tồn, Chính phủ và cơ quan chủ quản đã thắt chặt hơn trong quản lý, xử lý vi phạm về du lịch trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Nhiều năm trước, hiện tượng “chặt chém” khách du lịch, “đội giá” bất thường các mặt hàng sản phẩm du lịch diễn ra phổ biến, nổi cộm thì dịp Tết Nguyên đán 2017 đã hạn chế tới mức tối đa, tiến tới chấm dứt biểu hiện tiêu cực này. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, trong dịp Tết Đinh Dậu ghi nhận 10 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh hiện tượng “chặt chém” về giá trông giữ phương tiện. Chính quyền và ban ngành địa phương ngay lập tức chấn chỉnh và dẹp bỏ tiêu cực để phục vụ khách du lịch.
Có thể thấy, tín hiệu tích cực của ngành du lịch Việt Nam ngay trong dịp tết Nguyên đán 2017 vừa qua hoàn toàn không phải là biểu hiện ngẫu nhiên mà có sự hòa hợp đồng bộ của các yếu tố, nguyên nhân nêu trên. Đó là dấu hiệu đáng mừng vừa với ngành du lịch nói riêng vừa trên phương diện văn hóa tâm linh (đầu xuôi đuôi lọt) về sự khởi sắc, theo đà phát triển mạnh mẽ trong năm mới 2017. Du lịch cùng với các ngành kinh tế mũi nhọn khác sẽ cộng hưởng đưa con tàu kinh tế Việt Nam vươn xa trong năm Đinh Dậu, tiếp tục khẳng định vị thế, giá trị trên trường quốc tế.