Ảnh minh họa. |
Rất nhiều người vui vì sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Tết này mới có dịp sum họp gia đình, đi chúc họ hàng, người thân.
Thế nhưng, cũng không ít người than phiền vì Tết mà quá mệt. Nào phải chạy đôn, chay đáo đi mua sắm quà Tết, biếu bên nội, bên ngoại, rồi chuẩn bị quà Tết biếu cấp trên, “lì xì” cho cấp dưới, sau đó phải lo chuẩn bị các loại mâm cỗ tiễn năm cũ (tất niên), đón năm mới (giao thừa), cúng ngày mồng Một, mồng Hai…
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới còn giữ tục lệ đón Tết theo lịch mặt trăng (âm lịch). Từ thuở xa xưa, Tết âm lịch (Nguyên đán) luôn là Tết quan trọng nhất của người Việt, phải có mâm cao cỗ đầy cúng gia tiên, mời khách khứa, bạn bè.
Có lẽ vì thế dân gian quen gọi là “ăn Tết” và đúng là Tết mệt với rất nhiều người. Thậm chí có người còn kiệt quệ cả thể xác và tinh thần do Tết Nguyên đán. Vì thế mà cách đây mấy năm đã rộ lên “phong trào” đòi “gộp” hai Tết âm lịch và dương lịch làm một. Có người đề nghị bỏ Tết âm lịch đi, chỉ tổ chức Tết dương lịch như nhiều quốc gia trên thế giới…
Thế nhưng, kết quả điều tra xã hội học cho thấy đa số người Việt vẫn muốn giữ Tết truyền thống, bởi lẽ Tết Nguyên đán là thiêng liêng, là bản sắc văn hóa của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên.
Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại thì việc “ăn Tết”, “chơi Tết” cần phải thay đổi, nhất là việc sử dụng quá nhiều đồ ăn, thức uống trong ngày Tết gây lãng phí lớn; nạn uống rượu, bia say trong ngày Tết dẫn tới tai nạn giao thông…
Nhiều người đề nghị tổ chức Tết Nguyên đán cần giản tiện hơn, để dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, đi du lịch hay dành những phút thư giãn cho riêng mình sau những ngày làm việc mệt mỏi suốt một năm. Làm được như vậy, Tết sẽ đỡ mệt và thêm vui.