📞

Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn

07:58 | 08/02/2024
Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 có nhiều thiết kế mới mẻ, sáng tạo, với gần 50 điểm thú vị để du khách lưu lại được những khoảnh khắc vui xuân cùng gia đình và bạn bè.
Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Đường sách Tết Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Hùng Khoa)

Chiều 7/2, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 tại đường Lê Lợi, Quận 1.

Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Lễ hội Đường sách Tết diễn ra với nét đặc sắc riêng đã trở thành một sự kiện văn hóa đọc quen thuộc, độc đáo mang biểu trưng văn hóa ngày Tết của Thành phố mang tên Bác.

Đồng chí Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn cho biết: Linh vật của Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024 là rồng thời Lý, được xem là biểu tượng của sự mạnh mẽ và uy quyền, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, tôn trọng thiên nhiên và khát vọng vươn cao của dân tộc Việt Nam. Ban tổ chức lễ hội mong muốn phục vụ nhân dân và du khách một không gian trải nghiệm du xuân, vui Tết văn hóa và ý nghĩa; đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc của thành phố ngày một phát triển.

Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 có tổng diện tích tổ chức 11.200m2 (tăng hơn 3.000m2 so với năm 2023), thu hút 30 đơn vị tham gia, cùng kiến tạo nhiều không gian văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Lễ hội phục vụ người dân và du khách đến ngày 14/2.

Lễ hội có hơn 65.000 bản sách với điểm nhấn là giới thiệu những tác phẩm, tư liệu, hình ảnh độc đáo như: Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1954, năm 1964; các tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các tác phẩm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…

Bên cạnh đó, lễ hội có nhiều sách quý, sách hiếm, sách có giá trị được trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Trong đó, có những quyển sách độc bản, tác phẩm sách của Bác Hồ được in trên những chất liệu giấy độc đáo. Cùng với đó là các tác phẩm tuyên truyền về Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, bìa báo xuân đẹp.

Hơn 60 chương trình giao lưu, tương tác, hoạt động vui chơi, trải nghiệm sẽ diễn ra xuyên suốt thời gian lễ hội. Hoạt động nổi bật là “lì xì sách” lần đầu tiên được tổ chức với hơn 16.000 bản sách sẽ được trao tặng du khách trong ngày du xuân, Ban tổ chức mong muốn hoạt động “lì xì sách”, tặng quà bằng sách sẽ trở thành một nét văn hóa rất riêng và phổ biến của hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp thành phố.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động cộng đồng, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được áp dụng tại lễ hội đường sách cùng với nhiều không gian số như: Thư viện số, triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan. Du khách cũng sẽ được đọc hơn 500 tư liệu, tác phẩm được trưng bày, triển lãm thông qua mã QR.

Năm nay, lễ hội có nhiều thiết kế mới mẻ, sáng tạo từ truyền thống đến hiện đại được thiết kế như: Đại cảnh Trống đồng Đông Sơn hơn 300m2, mô hình robot tri thức… tạo thành gần 50 điểm thú vị để du khách lưu lại được những khoảnh khắc vui xuân cùng gia đình và bạn bè.

(theo dangcongsan.vn)