Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đóng vai trò quan trọng trong các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài. (Nguồn: Nhà Trắng) |
Tích cực trong đối ngoại
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 2/3 để thảo luận về quan hệ đồng minh song phương và rộng hơn là về chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nữ Phó tướng cũng có các cuộc trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 2 vừa qua, cùng với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến song phương đầu tiên với xứ sở lá phong vào tháng trước do Tổng thống Joe Biden tổ chức cùng người đồng cấp Trudeau.
Khi ông Biden đến thăm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào đầu tháng Hai để có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, bà Harris cũng đã phát biểu: "Thế giới đang trông cậy vào chúng ta, và với tư cách là một cường quốc, chúng ta sẽ phải chứng tỏ điều đó với cả đồng minh và kẻ thù".
Ngoài ra, chính trị gia 56 tuổi thường xuyên ăn trưa cùng Ngoại trưởng Antony Blinken và mời các quan chức ngoại giao có kinh nghiệm làm cố vấn thân cận nhất của mình.
Gương mặt sáng của Đảng Dân chủ
So với Tổng thống Joe Biden, nữ Phó tổng thống được coi là không có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế, bởi trước khi làm việc ở Washington, bà từng là tổng chưởng lý của California.
Lara Brown, Phó Giáo sư tại Đại học George Washington cho biết: "Theo tôi, Tổng thống Biden coi bà Harris như một đối tác, cũng như là một cố vấn".
Cũng theo bà Brown, ông Biden nên tập trung vào các cuộc khủng hoảng trong nước, chẳng hạn như kiểm soát đại dịch Covid-19 và tái khởi động chính sách phục hồi kinh tế. Còn bà Harris cần nỗ lực hỗ trợ Tổng thống qua việc tích cực hoạt động trên trường quốc tế, để ông Biden có thể tập trung vào công việc đối nội.
Có thể thấy, bà Harris đang đi theo xu hướng gần đây rằng, các Phó Tổng thống Mỹ chủ yếu nắm giữ vai trò chính sách đối ngoại. Ví dụ như cấp trên của bà - ông chủ Nhà Trắng Joe Biden, khi ông từng là Phó Tổng thống cho ông Barack Obama. Khi đó, ông Biden đã tham gia nhiều vào công tác đối ngoại, như việc định hình chính sách với Iraq.
Giáo sư Colin Dueck tại Đại học George Mason nhận định: "Ông Biden không còn trẻ nữa, vì vậy việc tạo điều kiện cho những người trẻ tuổi hơn, năng động hơn tham gia vào nhiều chuyến đi quan trọng sẽ rất cần thiết. Bà Harris vẫn còn trẻ và hiện tại là bộ mặt tương lai của Đảng Dân chủ. Bà ấy có năng lực và có thể sẽ là người phát ngôn về chính sách đối ngoại cho chính quyền ông Biden".
Ngoài lĩnh vực đối ngoại, bà Harris nhiều khả năng sẽ tập trung vào nhiều khía cạnh khác, theo đài truyền hình CBS. Theo đó, nữ chính trị gia đã có những động thái ưu tiên đến an ninh mạng, công nghệ và sức khỏe quốc tế. Việc tập trung vào sách đối ngoại có thể giúp bà đi đúng hướng để đoàn kết và có sự ủng hộ từ đảng Dân chủ.
Cũng theo ông Dueck, nếu bà Harris có ý định tranh cử Tổng thống, bà cần đảm bảo việc không mắc sai lầm và gây mất lòng trong các vấn đề cử tri của Đảng Dân chủ quan tâm.