Các đập thủy điện trên dòng chính Mekong là mối đe dọa lớn nhất đối với các vùng đất ngập nước, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của hàng triệu người dân |
Sông Mekong là con sông lớn thứ mười trên thế giới với tổng diện tích lưu vực 795.000 km2, chảy qua địa phận của sáu quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hai thập kỷ gần đây, dòng sông đang bị áp lực nặng nề do các hoạt động phát triển kinh tế và dân số gia tăng trong vùng.
Nguy cơ từ đập thủy điện thượng lưu
Trong bức thư gửi Thủ tướng 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) vừa qua, Liên minh cứu sông Mekong (Save the Mekong Coalition - SMC) cho rằng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong là mối đe dọa lớn nhất đối với các vùng đất ngập nước, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của hàng triệu người dân địa phương hạ lưu sông Mekong.
Theo SMC, nếu tất cả 11 dự án thủy điện được xây dựng, tổn thất tài nguyên cá ước tính lên tới 550.000 - 880.000 tấn, tương đương 26-42% sản lượng cá hiện tại của dòng Mekong, đồng thời tác động đến đời sống của 40 triệu người dân vùng hạ lưu Mekong. Hơn 106.000 người chịu tác động trực tiếp buộc phải di cư và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và sinh kế của người dân trong lưu vực.
Cụ thể, với trường hợp của Lào - quốc gia nằm ở thượng lưu sông Mekong, việc xây dựng 12 đập thủy điện có thể đem lại cho Lào khoảng 2,6 tỷ USD/năm. Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia, trong 25 năm đầu, Chính phủ Lào chỉ được hưởng 26-31% của tổng số 2,6 tỷ USD/năm, tức khoảng 678 - 876 triệu USD. Số tiền này có thể sẽ kích thích sự phát triển nền kinh tế Lào nhưng Lào sẽ phải bỏ lại 50% trong tổng chi phí thu được để tái đầu tư trang thiết bị, công nghệ mua từ bên ngoài, kể cả các nước bên ngoài khu vực. Không chỉ vậy, việc xây đập cũng sẽ khiến 2 triệu người Lào sống tại khu vực dưới hồ chứa nước cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Hệ quả, Lào sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn xã hội khi những người có đời sống phụ thuộc vào sông Mekong bị mất sinh kế và di cư ra các đô thị để tìm việc làm.
Ô nhiễm nguồn nước
Ô nhiễm nguồn nước cũng đang là một thách thức lớn trên dòng sông Mekong. Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu được tổ chức mới đây, ông Benedito Braga, Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới cho biết, chất lượng nước trên dòng chính Mekong hiện nay chưa bị ô nhiễm nặng, tuy nhiên nguồn nước ở hệ thống những sông nhánh ven lưu vực sông đã bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính là tốc độ phát triển các khu đô thị quá nhanh trong những năm gần đây. Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan là những quốc gia đang chịu tác động trực tiếp từ sự thay đổi chất lượng nguồn nước của sông Mekong hiện nay.
"Chất lượng nước các nhánh sông nhỏ đổ ra dòng chính Mekong đang ngày càng xấu đi. Các quốc gia trong lưu vực phải sớm có giải pháp đối với hệ thống xử lý nước thải của những đô thị nằm ở lưu vực sông. Nếu không giải quyết sớm vấn đề này, sức khỏe cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng xấu", ông Braga nói.
Không thể hy sinh môi trường
Trong tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên MRC đã đồng thuận cho rằng, việc khai thác tài nguyên nước đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội của các nước lưu vực. Với những nước đang phát triển, nhu cầu phát triển để xóa đói giảm nghèo là rất chính đáng. Tuy nhiên, không thể hy sinh môi trường để phát triển kinh tế một cách thiếu bền vững.
Các nhà lãnh đạo đều nhất trí mọi quyết định xây dựng những công trình trên lưu vực sông Mekong nhánh chính phải dựa trên những cơ sở khoa học vững chắc, thông tin số liệu chính xác. Riêng trong Hội nghị lần này, không chỉ bốn nước thành viên mà các đối tác phát triển đã đề nghị cần áp dụng Quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) không chỉ cho các công trình được xây dựng trên dòng chính và cả dòng nhánh lưu vực sông Mekong để tăng cường tính bền vững cho dòng sông.
Giang Ly