Con ếch trong bức ảnh này đang ở trong một thế rất khó, nhưng nếu kiên trì sẽ chiến thắng; ngược lại, nếu buông bỏ sẽ thất bại ngay lập tức! |
Khi xem một trận đấu thể thao, tôi có thói quen là quan sát lối chơi của đội thua và cách xử sự của họ như thế nào khi trận đấu kết thúc.
Điều này giúp cho mình học hỏi được nhiều điều hơn là quan sát cách xử sự của bên thắng cuộc.
Bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hangseo đã làm điều này rất tốt.
Ở những trận đấu dưới cơ, toàn đội vẫn kiên trì đeo đuổi lối chơi cống hiến và đã nhiều lần làm nên chuyện ở những phút cuối.
Nếu không may bị thua, cả đội vẫn nắm tay nhau chào cảm ơn khán giả và ngẩng cao đầu rời sân.
Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp, bản lĩnh, tinh thần cầu thị, thái độ tôn trọng khán giả và hơn hết là không hơn thua trong một trận đấu.
Ở các giải marathon quốc tế, với đường chạy hơn 42 km thì việc VĐV về đầu và cuối cách nhau nửa giờ đồng hồ là bình thường. Tuy nhiên, những VĐV về cuối họ vẫn cố lết về đích dù họ biết rằng ít người quan tâm đến thành tích này; nhưng đối với họ, điều này có ý nghĩa rất lớn.
Đó là cảm giác được đến đích!
Năm 2018, tôi rất cảm động khi xem VĐV Iida Rei của Nhật Bản, trong một cuộc chạy tiếp sức bị ngã không đứng dậy được nhưng cô vẫn cố bò bằng đầu gối để về đích ở 200m cuối.
Điều này chỉ có thể giải thích bằng ý chí kiên cường của người Nhật và là minh chứng cho sự thành công của họ ở một đất nước rất nghèo tài nguyên và thường xuyên bị động đất, sóng thần.
Hai ngày nay, trên facebook và Zalo ngập tràn những lời chúc mừng, những status khoe con, khoe học sinh đỗ đạt cao nhưng hầu như không ai có bất kỳ một lời nào động viên những con em có kết quả chưa như mong muốn vì bất kỳ lý do gì mà học sinh đó hoặc gia đình em đang gặp phải.
Ai dám chắc những em đỗ đạt cao hôm nay sẽ thành công trong tương lai và ngược lại, những em thất bại trong một cuộc thi sẽ có một tương lai mờ mịt?
Tinh thần chiến thắng là cần thiết, song thái độ với thất bại còn quan trọng hơn nhiều.