Theo bài báo, Thái Lan hội đủ cả ba "tiêu chuẩn" mà Bộ Tài chính Mỹ đề ra trước khi xem xét trừng phạt thương mại lên một quốc gia.
Thái Lan có thể nằm trong danh sách các quốc gia mà Bộ Tài chính Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ về những hành vi can thiệp vào thị trường ngoại hối. Nikkei cho hay Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ đưa ra một báo cáo định kỳ 6 tháng để phân tích các chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại trong tháng này và trong tháng Mười.
Trong báo cáo mới nhất, 5 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn nằm trong danh sách theo dõi, như đã có trong báo cáo trước. Ngoài ra, Malaysia và Việt Nam cũng đang có những khoản thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ, có thể bị đưa vào danh sách theo dõi.
Ảnh minh họa: Năm 2017, thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ lần đầu tiên đạt 20 tỷ USD. (Nguồn: Thailand Business News) |
Ông Teppei Ino, chuyên gia phân tích cao cấp tại chi nhánh Singapore của MUFG Bank, tin rằng Thái Lan có đủ các yếu tố để bị đưa vào danh sách theo dõi.
Có ba ngưỡng mà Mỹ đánh giá đối tác thương mại để xác định việc có đưa quốc gia đó vào danh sách theo dõi, đó là quốc gia này có thặng dư thương mại hơn 20 tỷ USD với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 3% GDP và lượng ngoại tệ mà nước đó đơn phương mua vào vượt quá 2% GDP.
Nếu một nước có 2/3 yếu tố này, Bộ Tài chính Mỹ có thể đưa nước đó vào danh sách theo dõi. Nếu có cả 3 yếu tố, quốc gia này có thể được xem là một nước thao túng tiền tệ, có thể chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Nhưng trước hết, Mỹ sẽ thúc giục các nước này giảm thặng dư thương mại và kiềm chế can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Vào năm 2017, thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ lần đầu tiên đạt 20 tỷ USD, nhờ xuất khẩu máy tính và linh kiện liên quan tăng 9%, và xuất khẩu cao su, bao gồm lốp ô tô, tăng gần 30% so với năm trước. Thặng dư tài khoản vãng lai của Thái Lan đạt 10,8% GDP, vượt quá ngưỡng của Mỹ.
Một khoản thặng dư tài khoản vãng lai lớn gây áp lực tăng giá cho đồng Baht. Dự trữ ngoại hối của Thái Lan vào cuối năm 2017 đạt 202,5 tỷ USD, tăng gần 20% so với một năm trước. Sự gia tăng mạnh của dự trữ ngoại hối cho thấy Ngân hàng Thái Lan khuyến khích việc bán ra đồng Baht và mua vào USD, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Thái Lan bằng cách giữ cho đồng nội tệ yếu.
Xử sở chùa vàng có thể trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên bị Mỹ trừng phạt thương mại. (Nguồn: 123RF) |
Bộ Tài chính Thái Lan từ chối bình luận về vấn đề này do "sự nhạy cảm của vấn đề". Nếu điều này trở thành hiện thực, Thái Lan sẽ là quốc gia đầu tiên tại ASEAN trở thành mục tiêu trừng phạt của chính quyền Trump. Việc giảm thặng dư thương mại sẽ là khó khăn. Xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ đã tăng đều đặn. Nếu quốc gia này hạn chế các biện pháp can thiệp vào đồng Baht, hiện đang ở mức cao trong 5 năm so với đồng USD, xuất khẩu của Thái Lan sẽ trở nên đắt hơn, do đó làm giảm khả năng cạnh tranh và tăng trưởng tiềm năng.
Các nước Đông Nam Á khác dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng cũng có nguy cơ trở thành mục tiêu của các biện pháp thương mại của Mỹ. Việt Nam là quốc gia ASEAN có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, 38,3 tỷ USD vào năm 2017, và dự trữ ngoại tệ tăng 17% trong năm qua.
Thặng dư thương mại của Malaysia với Mỹ là 24,5 tỷ USD, vượt ngưỡng mà Bộ Tài chính Mỹ đặt ra, và thặng dư tài khoản vãng lai là 3% GDP. Mỹ gần như đã tiến hành cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nước có thặng dư 375,2 tỷ USD với nền kinh tế số 1 thế giới. Trong vài tuần gần đây, Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến việc tăng thuế trả đũa với Bắc Kinh.
Khi các nước Đông Nam Á có nguy cơ phải đối mặt với hành động tương tự từ Mỹ, giới phân tích cho rằng triển vọng cho nền kinh tế toàn cầu có thể xấu đi.