Ông cho biết về tiềm năng cũng như thế mạnh của Tỉnh, đặc biệt những lĩnh vực Tỉnh cần xúc tiến thương mại?
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc: Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo và y tế của vùng Trung du miền núi phía Bắc, được quy hoạch trong vùng Thủ đô Hà Nội, với vị trí địa lý, kinh tế, chính trị quan trọng, cùng hệ thống giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Thái Nguyên là tỉnh có vai trò gắn kết vùng Trung du miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng Bắc bộ của Việt Nam.
Có thể nói, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 5 năm (2012-2017) tăng trưởng bình quân đạt 16,7%/năm; bình quân trong 5 năm gần đây (giai đoạn 2012-2017), Giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 23,56 tỷ USD (chiếm 11% giá trị xuất khẩu chung của cả nước), gấp 212 lần so với năm 2010, gấp 934 lần năm 1997.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc trả lời phỏng vấn TG&VN. (Ảnh: Lê Chi) |
Sở dĩ có được kết quả nổi bật như vậy vì Thái Nguyên đã có nhiều dự án lớn đặc biệt có dự án doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài là 123 dự án. Một trong những nguyên nhân các dự án FDI đầu tư vào Thái Nguyên là do nguồn cơ sở hạ tầng cải thiện tốt, có chất lượng nguồn nhân lực cao và địa phương tích cực cải cách hành chính. Lãnh đạo và các cơ quan trong hệ thống chính quyền tỉnh có những quyết tâm trong nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực cải cách chỉ số hiệu quả hành chính công. Chúng tôi là trong những tỉnh hướng tới chỉ số làm hài lòng người dân và doanh nghiệp.
Nhìn chung, môi trường đầu tư tại Thái Nguyên luôn luôn được quan tâm tạo điều kiện, chính quyền phục vụ doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng, công tác đối ngoại của Tỉnh những năm qua đã có nhiều khởi sắc, góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, Thái Nguyên có nhiều trường đại học, cao đẳng. Đây là nguồn nhân lực trẻ có chất lượng. Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn có lợi thế về đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Thái Nguyên nổi tiếng với vùng chè đặc sản có diện tích và sản lượng dẫn đầu cả nước. Chè Thái Nguyên hiện nay là một trong những thương hiệu uy tín của Việt Nam. Thái Nguyên cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Vậy ông có đề xuất gì với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ địa phương xúc tiến thương mại, hội nhập với quốc tế?
Nhân dịp dự Hội nghị ngoại vụ toàn quốc, chúng tôi có đề nghị các Đại sứ và Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp Thái Nguyên kết nối, giới thiệu và quảng bá tiềm năng của Thái Nguyên để chúng tôi có thể phát triển địa phương theo hướng hội nhập đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.
Nhân dịp này, chúng tôi xin cảm ơn Bộ Ngoại giao và các cơ quan Trung ương đã quan tâm đến tỉnh Thái Nguyên. Thông qua Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên – tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư” vừa diễn ra, đã có 38 nhà đầu tư đến với Thái Nguyên, có 50 dự án được ký ghi biên bản ghi nhớ và đang thực hiện cấp phép đăng ký đầu tư.
Dự án Sumsung tại Thái Nguyên. (Nguồn: Thainguyen.gov) |
Chúng tôi rất mong các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hãy lấy kết quả hội nghị xúc tiến đầu tư ở Thái Nguyên để tăng cường giới thiệu quảng bá về Thái Nguyên đến với bạn bè trên thế giới cũng như tiếp đón các nhà đầu tư, đặc biệt là các thị trường mà Thái Nguyên đang có lợi thế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và Canada...
Chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp các số liệu, các khu công nghiệp cụm công nghiệp và các dự án về công nghiệp cho các đại sứ, mời gọi và giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực đến Thái Nguyên. Thái Nguyên đang cần tìm kiếm nhà đầu tư cho những dự án theo hướng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp vụ trợ và nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ...
Được biết, ông từng tham gia Hội nghị ngoại vụ nhiều lần, ông có thể cho biết những cảm nghĩ, kỳ vọng về hội nghị lần này, thưa ông?
Hội nghị Ngoại vụ lần này có nhiều đổi mới, với nhiều nội dung, sáng tạo và các đại biểu tham dự Hội nghị có sự quan tâm đặc biệt đến hiệu quả của quá trình hội nhập và quan tâm nhiều đến phát triển bền vững.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực, nhiều tham luận đã bám sát tình hình thực tiễn của các địa phương để đề xuất với Trung ương, Chính phủ và Bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Tổ chức.
Xin cảm ơn ông!
Minh Hòa - Lê Chi
(thực hiện)