📞

Tham gia nghĩa vụ quân sự: Cơ hội rèn người

Nhật Anh 10:00 | 12/02/2023
Dù chẳng hẹn, nhưng cứ dịp Tết đến, Xuân về là đề tài thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự được bàn luận rôm rả, không chỉ trên mặt báo, trên mạng xã hội mà trong từng cuộc trà, tiệc rượu ở các xóm làng... Ở đó có các thanh niên từ 18-27 tuổi chuẩn bị đón hai cái Tết xa nhà, trong một môi trường khác biệt với nơi sinh ra và lớn lên.
Các tân binh huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc lên đường nhập ngũ năm 2023. (Nguồn: TTXVN)

Tôi thích dùng hai chữ “tòng quân” hơn là “nghĩa vụ quân sự”, mặc dù tòng quân cũng có nghĩa là “phục tùng quân đội” – nhưng sự thiện cảm thì có nhiều hơn. Việt Nam bước ra khỏi hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trường kỳ và khốc liệt đã tròn 50 năm, nhưng ấn tượng về sự hy sinh nhãn tiền của con em mình khi nhập ngũ vẫn chưa thể xóa mờ trong tiềm thức người dân. Trong thập niên 80-90 thì nỗi ám ảnh ấy phần nào ảnh hưởng đến tư duy của lớp trẻ, rằng “đi nghĩa vụ quân sự” là cái gì đó mà không phải ai cũng mong muốn...

Thời gian trôi đi. Tư duy cũ dần thay đổi. Tư duy mới đã được thực tế cuộc sống làm cho cởi mở hơn. Người ta nhắc nhiều đến cụm từ “Ngày hội Tòng quân” bởi hoạt động này dần mang trong nó nội hàm phấn khởi, tâm thế chủ động và vui tươi. Người ta nhận ra rằng, khi đất nước hòa bình thì lợi ích mà tòng quân mang lại không chỉ là sự chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh nữa, mà nó lại giống như một khóa học dài hạn để rèn giũa con người.

Tôi có hai người em họ học hết lớp 12 và không có khả năng thi đỗ đại học. Cái tuổi mà ăn chưa no, lo chưa tới, cộng với bản tính ngang bướng và nghịch ngợm của chúng khiến người lớn đau đầu. Thế rồi, chú thuyết phục được hai đứa đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Ra quân, chúng như trở thành con người khác, chững chạc hơn.

Đến giờ, chú tôi tuy không còn nhưng hai người con đã phát triển từ hai hộ kinh doanh cá thể thành hai doanh nghiệp phát triển, đủ lo lắng được cho vợ con và cho dì tôi một cuộc sống sung túc. Mọi người lại bảo: “May mà chúng nó đi bộ đội!”.

Những năm trở lại đây, nhìn những thanh niên háo hức tòng quân, tôi thấy mừng: mừng vì nhìn thấy nỗi ám ảnh của chiến tranh ngày một mờ dần trong quan niệm của người dân; mừng vì tư duy về tòng quân của những người trẻ đã đổi thay; mừng vì thêm một lớp thanh niên có cơ hội được rèn luyện thành những người có ích hơn nữa cho xã hội... Họ đã chủ động đặt bản thân trong môi trường mới khắc nghiệt, kỷ luật hơn để trở thành công dân toàn diện hơn.

Hiện vẫn có những tranh cãi về việc nhập ngũ sớm, hay đất nước hòa bình thì chỉ cần ít quân, hoặc nên ưu tiên nhân lực cho phát triển kinh tế...

Tuy nhiên, người viết bài này cho rằng, tòng quân-chẳng bao giờ là sớm hay muộn, bởi bản chất thời gian hai năm rèn luyện trong môi trường quân ngũ không quá dài, nhưng ích lợi mà nó mang lại cho đất nước, cho xã hội, cho bản thân... thì không đo đếm được. Nhất là khi những thanh niên ấy chủ động đón lấy cơ hội tòng quân-cơ hội để bản thân bứt phá khỏi sự bao bọc, êm ái của gia đình để tự lập, cọ xát và trưởng thành.