Một góc thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: bkkprep.ac.th) |
Hiệp định thương mại quy mô lớn cũng có thể giúp Thái Lan phát triển các ngành ô tô, điện tử, máy tính và dệt may.
Nghiên cứu còn cho thấy, TPP sẽ giúp Bangkok phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, bảo vệ môi trường và các tiêu chuẩn lao động bởi thành viên TPP luôn được khuyến khích phát triển các ngành nêu trên để tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh nền kinh tế trong nước, nghiên cứu cho rằng TPP giúp các doanh nghiệp Thái Lan có nhiều cơ hội đầu tư ở nước ngoài cũng như nhập khẩu nguồn nguyên liệu thô từ các nước khác.
Hiệp định khu vực này cũng sẽ thúc đẩy Thái Lan nhận thức tốt hơn về các quyền sở hữu trí tuệ, từ đó có thể bảo vệ nghiêm ngặt các sáng kiến, song song với đó, khuyến khích các sáng kiến, nghiên cứu mới và phát triển công nghệ cao.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng nếu tham gia TPP, Thái Lan phải đối mặt với một số thách thức như việc cạnh tranh gay gắt hơn, quyền sở hữu trí tuệ được kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Giám đốc điều hành Vụ Đàm phán Thương mại Thái Lan Sirinart Jaimun khẳng định, dù có một số thách thức nhưng Thái Lan sẽ được lợi lớn từ TPP.
Tuy việc nghiêm ngặt trong quyền sở hữu trí tuệ sẽ khiến người dân khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế công cộng, chi phí dược phẩm cao hơn nhưng Thái Lan cần điều chỉnh các quy định của nước mình để phù hợp với quy định của TPP, sẵn sàng cho việc bảo vệ nghiêm ngặt các sáng chế.
Theo bà Sirinart, các kết quả nghiên cứu sẽ đưa lên một diễn đàn công cộng, bàn luận về vấn đề Chính phủ Thái Lan có nên đưa ra quyết định tham gia TPP hay không. Quyết định của Chính phủ dự kiến được công bố vào cuối tháng 2 tới.
Nghiên cứu còn cho thấy, GDP của Thái Lan có thể tăng 1,06% nếu như các nước ASEAN khác như Indonesia, Philippines cũng tham gia TPP.