📞

Thâm Quyến, làn gió trong lành vùng duyên hải TQ. Ghi chép của phóng viên TG&VN.

AN BÌNH 13:25 | 12/07/2019
TGVN. Khó viết gì trọn vẹn về Thâm Quyến khi bạn chỉ có thời gian ở đó một đến hai ngày. Nhưng dù là 24 hay 48 tiếng, du khách có thể kịp tận hưởng “làn gió trong lành” ấy đến từ một trong những thành phố thịnh vượng nhất tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Thành phố Thâm Quyến là một trong những thành phố thịnh vượng nhất tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

Thâm Quyến rất gần Hà Nội, chỉ mất khoảng 2 giờ bay là bạn có thể đặt chân đến vùng đất từng được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo (UNESCO Creative City). Mô phỏng hình dáng của một con cá đuối, nhà ga mới của sân bay quốc tế Bảo An tại Thâm Quyến với kiến trúc nguy nga và sang trọng chính là sự mở đầu đầy hứng khởi cho những ai đến khám phá nơi này...

Công nghệ đến với cả anh chàng bán trái cây hồ lô

Ai đó đã nói rằng “Đến Trung Quốc, nếu muốn xem Trung Quốc cổ một nghìn năm thì đến Bắc Kinh, xưa một trăm năm thì đến Thượng Hải, còn muốn xem những gì vài thập niên trở lại đây thì nên đến Thâm Quyến”. Thật vậy! Được quy hoạch tổng thể là đặc khu kinh tế mở, phát triển công nghiệp và du lịch từ năm 1980, Thâm Quyến hôm nay thực sự đã trở thành một thành phố hiện đại vào bậc nhất ở Trung Quốc.

Nổi tiếng với khẩu hiệu “mỗi ngày xây một cao ốc, ba ngày làm một đại lộ” nên ở Thâm Quyến có những con đường "khủng" lên tới 12 làn xe. Thế nhưng, cùng với đầu tư hệ thống giao thông và những tòa nhà chọc trời ấy, tiêu chuẩn xây dựng các công trình trong thành phố này đều yêu cầu bắt buộc có tỷ lệ thuận với trồng cây xanh. Bởi vậy, với khoảng 50% diện tích phủ cây xanh, có những con đường ta băng qua có cảm giác như đang ở “rừng trong phố” vậy.

Anh chàng bán kẹo trái cây hồ lô trên một góc phố Thâm Quyến.

Thâm Quyến còn có một hệ sinh thái hoàn chỉnh quy tụ nhiều nhà sản xuất công nghệ cao, các công ty khởi nghiệp và cả những nhà đổi mới công nghệ hàng đầu thế giới. Đến thăm Tencent - một trung tâm công nghệ đặt trụ sở tại Thâm Quyến mới hiểu hết sự lớn mạnh của nhà điều hành của mạng xã hội Wechat nổi tiếng cũng cung cấp đầy đủ các dịch vụ mua sắm, thanh toán và giao hàng thực phẩm trực tuyến. Được coi là “Disney của Trung Quốc”, những năm gần đây công ty này còn âm thầm xây dựng một nhà hoạt động về truyền thông và giải trí bao gồm sản xuất các chương trình ca nhạc, phim ảnh và truyền hình. Tập đoàn giải trí này đang sẵn sàng cạnh tranh với nhiều đối thủ đáng gờm trên thế giới bằng năng lực sáng tạo và có tầm nhìn. Thậm chí, họ còn tìm cách bắt chước Star Wars hoặc The Avengers trong việc xây dựng thương hiệu lâu dài.

Giống như nhiều thành phố của Trung Quốc, người dân Thâm Quyến thích dùng phương tiện giao thông công công, đi bộ và dùng xe đạp để lưu thông. Ở đây, xe đạp công cộng có mặt ở khắp mọi nơi từ đường ra xe buýt, ga điện ngầm đến chợ hoặc trường học và đậu sẵn trên các vỉa hè phục vụ khách. Bạn chỉ cần trả tiền khoảng 2 hào cho một lần mở khoá là có thể thong thả đạp trong vòng một tiếng để đến những nơi cần đến.

Đặc biệt, chỉ cần có một chiếc smartphone cài app đọc mã QR và có một khoản tiền trong đó là khách không cần phải dùng tiền mặt để giao dịch. Thật thú vị khi bắt gặp một anh chàng bán trái cây hồ lô trên một góc phố Thâm Quyến. Khi hỏi giá một cây kẹo trái cây, anh tươi cười trưng ngay ra biển dán mã QR để khách hàng có thể thanh toán.

Hãy thử trà sáng với Dimsum!

Không có thời gian nhiều ở Thâm Quyến thì có một vài món ăn bạn cố gắng đừng bỏ qua khi ghé thăm nơi đây. Là một thành phố của người di cư nên Thâm Quyến tập trung món ăn của nhiều vùng và nhiều nơi khắp Trung Quốc. Và một trong những khoảng khắc tuyệt vời nhất là trà sáng ở Thâm Quyến để bắt đầu một ngày mới với ly trà nóng và Dimsum - món ăn truyền thống phổ biến của Quảng Đông.

Dimsum ở Thâm Quyến có tới hàng trăm món bánh với đầy tính nghệ thuật. Theo các đầu bếp ở đây, Dimsum ngon là vỏ bánh dai và đủ dày để không làm chảy nhân bên trong, lại phải lấp ló phần nhân kích thích vị giác, khi nguội đi thì không bị cứng, còn khi nằm trong xửng hấp lâu sẽ không bị nát. Du khách có thể lựa chọn nhiều loại trà khác nhau như trà xanh, ô long, hoa nhài, hoa cúc ... để thưởng thức cùng các loại Dimsum.

Ở Thâm Quyến, bạn cũng nên thử một số món ăn đặc trưng khác như lẩu khô đem lại cảm giác lạ miệng cho người thưởng thức, đậu phụ Mapo hòa quyện hoàn hảo giữa vị béo mềm của đậu phụ, chút cay của sa tế và hương thơm của dầu mè, hay món hoành thánh với đầy đủ vị ngon của thịt, vị ngọt của hải sản và hương thơm của rau răm băm nhỏ. Điều đặc biệt là các món ăn Quảng Đông như cháo muối hải sản, gà nướng muối, thịt lợn kho nước tương ở Thâm Quyến... được nêm rất vừa miệng và phù vị với khẩu vị của người Việt Nam.

Đừng chần chừ khi mua sắm

Tại sao? Bởi trải nghiệm mua sắm ở Thâm Quyến rất phong phú và “dễ chịu” hơn rất nhiều so với một thành phố phồn hoa và đắt đỏ khác của Trung Quốc. Để phục vụ nhu cầu của du khách và dân địa phương, các địa điểm mua sắm cũng mọc lên như nấm ở khắp thành phố này từ quần áo, vải vóc, giày dép, trang sức cho đến đồ gia dụng và đồ điện tử.

Với hướng dẫn của nhân viên một khách sạn, bạn có thể nhanh chóng tới chợ thương mại La Hồ - một trong những địa chỉ mua sắm quen thuộc nhất ở Thâm Quyến với hàng trăm cửa hàng, khu chợ bày bán quần áo, túi xách, trang sức. Khách Việt Nam sẽ rất dễ bị chật hành lý, hụt chi tiêu khi ghé khu chợ Đông Môn nổi tiếng bởi các mặt hàng may mặc giá rẻ đến bất ngờ. Còn Huaqiang Bei Lu lại là thiên đường dành cho những ai đam mê đồ điện tử. Tại đây, ai cũng có thể mua được những sản phẩm công nghệ cao như máy vi tính xách tay và các thiết bị nghe nhìn với mức giá thấp nhất so với nhiều nơi khác.

Xe đạp công cộng ở Thâm Quyến.

Từ Hong Kong nhìn sang

Gần 40 năm nước, Thâm Quyến chỉ là một làng chài nhỏ đối diện với một Hong Kong hoa lệ, thì đến nay, từ Hong Kong, có lẽ, người ta lại phải nhìn về Thâm Quyến với ánh mắt đầy ngưỡng mộ của một thành phố phát triển và những sắc màu rực rỡ.

Đến Thâm Quyến ngày nay, dạo chơi ở Công viên Tuổi trẻ tươi xanh tọa lạc trước biển, chúng ta thấy Hong Kong ngay ở tầm mắt bởi hai nơi cách nhau chỉ đúng một cây cầu. Chị Lý - phiên dịch viên tiếng Việt, người từng có thời gian học tập và sinh sống ở Hà Nội cho biết, hiện nay du khách đến Thâm Quyến thường không bỏ lỡ cơ hội sang Hong Kong và ngược lại, đến Hong Kong rồi, họ cũng không thể dừng chân để bước sang vùng đất xinh đẹp bên kia tầm mắt. Từ Thâm Quyến và Hong Kong, bạn đều có thể đi chuyển bằng tàu điện ngầm, bằng phà và bằng xe buýt chỉ với khoảng 45 phút là có thể cập bến qua nhau.

Không chỉ “quá bộ” sang Hong Kong, tới Thâm Quyến, người ta thường kể về những địa danh nổi tiếng như Làng Văn hóa dân gian Trung Quốc, Làng Da Fen hay Công viên Cửa sổ thế giới... Tuy nhiên, trong chuyến đi vội vã này, những gì mà tác giả được trải nghiệm chỉ là cảm nhận chưa đầy đủ, “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng sẽ là niềm cảm hứng để hướng về khám phá trọn vẹn hơn trong thời gian tới. Và điều ấn tượng nhất của người viết về Thâm Quyến chính là sức sống của thành phố này và nó hoàn toàn không phải là nơi dành cho những cư dân lười vận động và ngừng sáng tạo.