Hòn Chuối là 1 trong 5 đảo nằm trong Đề án xây dựng đảo Thanh niên (giai đoạn 2013-2020) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (Nguồn: Thám hiểm Mekong) |
Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền gần 32km về phía Tây. Diện tích đảo khoảng 7km2, điểm cao nhất so với mực nước biển gần 170m. Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam Tổ quốc; là 1 trong 5 đảo nằm trong Đề án xây dựng đảo Thanh niên (giai đoạn 2013-2020) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hòn Chuối có địa hình phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đến nay, Hòn Chuối vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ, với vách đá dựng đứng cao hàng chục mét, cùng rừng nguyên sinh rậm rạp. Loại cây nhiều nhất ở đây là chuối rừng, vì vậy đảo mới có tên gọi Hòn Chuối.
Dù diện tích khá nhỏ nhưng vì ở vị trí tiền tiêu nên đảo Hòn Chuối có đến 3 đơn vị đứng chân: Trạm Rađa 615 thuộc Tiểu đoàn 551; Vùng 5 Hải quân - Đồn Biên phòng 704 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau; Trạm Hải đăng Hòn Chuối thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Đây đồng thời là nơi sinh sống của 40 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt hải sản.
Bất kể những ngày sóng êm hay biển động, Hòn Chuối lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền ra vào, neo đậu nghỉ ngơi, tránh gió bão và mua bán thủy sản. Vì hải sản ở đây vô cùng phong phú, hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, nên du khách đến đây có nhiều lựa chọn cho ăn uống hay làm quà.
Hải đăng Hòn Chuối tọa lạc ở đỉnh núi cao nhất trên đảo, do người Pháp xây dựng. (Nguồn: Thám hiểm Mekong) |
Đến đảo Hòn Chuối, nhất định phải tham quan ngọn hải đăng lâu đời, tọa lạc ở đỉnh núi cao nhất trên đảo, do người Pháp xây dựng. Để đến đây, ta cần băng qua 3.5km rừng nguyên sinh rồi leo 43 bậc cầu thang xoắn ốc. Từ đỉnh hải đăng, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn ngư dân làm việc, xa xa là các lồng bè nhỏ nối liền nhau giữa biển cả mênh mông.
Tuy không trù phú như những đảo khác nhưng Hòn Chuối lại là nơi lưu giữ nhiều câu chuyện ấm áp, mộc mạc tình quân nhân, qua đó góp phần xây dựng Hòn Chuối thành mái nhà chung, đảm bảo cư dân an tâm sinh sống, bám biển cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.
Dù trên đảo chưa có trường học, nhưng nhiều năm qua, Thiếu tá Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau vẫn miệt mài "gieo chữ" cho những mầm non tương lai đất nước. Cũng từ những lớp học nơi đảo xa này, đã có 24 em được chuyển vào đất liền để tiếp tục học tập, đặc biệt có 4 em đã tốt nghiệp Đại học.
Bằng sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của Thiếu tá Phục và đơn vị, lớp học trên đảo được duy trì đều đặn hằng ngày nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Việc duy trì lớp học cũng như ý chí vượt khó của thầy và trò đã làm thay đổi nhận thức nhiều người dân trên đảo.
Thầy Phục chia sẻ: "Chúng tôi dạy các em bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người lính, nên thời gian cứ trôi qua và tình thầy trò gắn bó với nhau mà không có sự toan tính. Mỗi ngày lên lớp cả thầy và trò phải leo hàng trăm mét thềm dốc đứng xuyên qua cánh rừng, mùa nắng thì mồ hôi nhễ nhại, mùa mưa thì trơn trượt, quần áo lấm lem nhưng không vì thế mà các em vắng lớp".
Lớp học ấm áp tình quân dân của thầy giáo Trần Bình Phục, vượt lên hoàn cảnh khó khăn để "gieo chữ" cho những mầm non tương lai đất nước. (Nguồn: Công dân & Khuyến học) |
Bên cạnh đó, mỗi lần vào mùa chuyển nhà, chuyển lồng bè tránh gió chướng vào tháng 3 và tháng 9 âm lịch, bà con đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Ông Lê Tứ Phương, Tổ trưởng Tổ an ninh tự quản đảo Hòn Chuối cho biết: “Mỗi lần có gió, bão là bộ đội lại xuống chằng chống nhà, gia cố lồng bè, ghe, thuyền giúp và kêu gọi, đưa người dân lên đồn, lên trạm tránh trú bão tới khi an toàn mới cho về nhà. Các chú bộ đội còn khám bệnh, cấp phát thuốc khi bà con ốm đau. Nước ngọt sinh hoạt cũng nhờ bộ đội dẫn về giúp. Có khi bộ đội còn cõng từng can nước cho bà con”.
Giữa biển khơi, tinh thần tương trợ của bộ đội trên đảo Hòn Chuối giúp người dân nơi đây vượt qua nhiều khó khăn để ổn định cuộc sống, bám giữ đảo.
Những nghĩa cử đó khẳng định tình cảm chân thành của người con nơi đất liền về với đảo, với những người lính áo xanh ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc theo đúng lời dạy của Bác “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, biển của ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.