Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia Turkic lần thứ 11. (Nguồn: timesca) |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan công du Kyrgyzstan từ 5-6/11 và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia Turkic (The Organization of Turkic States - OTS) lần thứ 11 cùng những người đồng cấp Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và hai nước quan sát viên Hungary và Turkmenistan.
Hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Sadyr Japarov tại thủ đô Bishkek, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về nhiều lĩnh vực hợp tác, từ kinh tế thương mại, an ninh quốc phòng đến các vấn đề đang nổi lên của khu vực.
Sau hội đàm, lãnh đạo hai nước ra tuyên bố nhất trí đưa quan hệ song phương lên tầng nấc mới. Tổng thống nước chủ nhà Sadyr Japarov tuyên bố: "Chúng tôi đã đưa ra một quyết định quan trọng nâng cấp quan hệ giữa Kyrgyzstan và Thổ Nhĩ Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện". Cũng trong chuyến thăm này, hai bên đã ký 19 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, an ninh, chống khủng bố…
Trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực, đặc biệt là sự hiện diện ngày càng sâu đậm của Nga và Trung Quốc, Ankara muốn gia tăng ảnh hưởng của mình tại Trung Á, nhất là tại các quốc gia thuộc không gian hậu Xô viết. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ mới là nhà đầu tư số ba tại Kyrgyzstan, sau Nga và Trung Quốc với kim ngạch chiếm 3,8%, thấp hơn nhiều so với 34,2% của Trung Quốc và 19,5% của Nga.
Không chỉ nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại Trung Á, theo trang web issafrica.org của Viện nghiên cứu an ninh có trụ sở ở Pretoria (Nam Phi), “dấu chân” của Thổ Nhĩ Kỳ còn in đậm tại châu Phi. Tuần trước, tuyên bố muốn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) của Ankara dường như được 'bật đèn xanh", khiến nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể tham gia BRICS do Nga và Trung Quốc dẫn dắt.
Tại châu Phi, Ankara thể hiện rõ vai trò khi nỗ lực hòa giải hai đồng minh thân cận Somalia và Ethiopia trước bất đồng trong việc Ethiopia công nhận Somaliland độc lập để đổi lấy quyền tiếp cận biển - điều mà Somalia cực lực phản đối. Cuối tuần này, Ngoại trưởng Hakan Fidan sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ - châu Phi để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư giữa hai bên vào năm 2026.
Thương mại giữa Ankara và châu Phi đã vượt 35 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi tổng vốn đầu tư trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ vào châu lục này hiện đạt 7 tỷ USD. Đặc biệt, kể từ khi trở thành Thủ tướng vào năm 2003 và Tổng thống vào năm 2014, ông Erdogan đã thực hiện 50 chuyến thăm đến 31 quốc gia châu Phi.
Đại sứ Nam Phi tại Ankara Tom Wheeler cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng sức mạnh mềm để mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, nhưng không gây ra những phản ứng tiêu cực như các quốc
gia khác. Còn theo ông Ali Bilgic, Giáo sư về quan hệ quốc tế và chính trị Trung Đông tại Đại học Loughborough (Anh), Ankara “có những bước tiến đáng kể trong việc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc kinh tế, quân sự và nhân đạo quan trọng ở châu Phi".
Tuy nhiên, ông Bilgic cũng nhận định, chính sách đối ngoại quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây căng thẳng với các đồng minh NATO và EU, trong đó có khả năng gia nhập BRICS. Dù vậy, điều này lại “phản ánh cách tiếp cận chính sách đối ngoại đa diện của Tổng thống Erdogan, muốn tìm cách hợp tác với tất cả các bên”.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực mở rộng ảnh hưởng không chỉ tại các nước OTS mà còn là châu Phi thể hiện tham vọng của Ankara, đồng thời cho thấy Trung Á và châu Phi là không gian tiềm năng để Ankara có thể trở thành một thế lực toàn cầu.