Quốc vương Qatar al-Thani và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ngày 9/7 tại Nhà Trắng. (Nguồn: CBS) |
Ngày 9/7 tại Nhà Trắng, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani gặp Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump, thảo luận về hợp tác song phương và các vấn đề an ninh khu vực, quốc tế.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran nóng lên từng ngày, còn lệnh cấm vận đơn phương của các nước láng giềng Arab đối với Qatar chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đối với Doha, hành trình tới Washington của Quốc vương al-Thani lại càng đặc biệt hơn, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều cử chỉ thân mật với lãnh đạo “đối thủ” của Qatar là Thái tử Saudi Arabia Mohammad Bin Salman tại Thượng đỉnh G20 Osaka hai tuần trước. Do đó, chuyến thăm của lãnh đạo Qatar hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác với xứ cờ hoa, đồng thời khẳng định cam kết của Washington đối với Doha.
Tiền vào, lợi ích ra
Tính đến hiện tại, mục đích này đã ít nhiều được thỏa mãn. Trong cuộc gặp song phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani là “người bạn thân thiết”, nhà đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm thông qua các thương vụ mua bán lớn.
Tuy nhiên, chính trị chưa bao giờ là câu chuyện “mỡ treo miệng mèo”, đặc biệt là khi ông chủ Nhà Trắng luôn yêu cầu các “giao dịch công bằng”. Phóng viên James Bays của Al Jazeera (Qatar) nhận định: “Tổng thống Trump là người đánh giá mối quan hệ quốc gia thông qua quan hệ thương mại. Ông ấy nhìn vào bảng cân đối kế toán.”
Bởi vậy, để đổi lấy mối quan hệ tốt cùng sự chú ý của nước Mỹ, Qatar đã phải trả một cái giá không hề nhỏ. Trong chuyến thăm, Doha và Washington đã tiến hành ký kết 5 thỏa thuận thương mại, nổi bật là thương vụ mua bán 5 máy bay cỡ lớn Boeing-777 từ Gulfstream Aerospace, sử dụng động cơ của General Electric. Thêm vào đó, Nhà Trắng khẳng định Bộ Quốc phòng Qatar sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Raytheon. Hãng hóa chất Chevron Phillips và hãng dầu mỏ Qatar Petroleum cũng đồng ý phát triển nhà máy hóa dầu trị giá 8 tỷ USD tại Duyên hải Vịnh Mexico. Ước tính, các “thương vụ” này đã tiêu tốn của Qatar hàng chục tỷ USD.
Đổi lại, Doha mong Washington ủng hộ dỡ bỏ cấm vận của các nước Arab. Khác với 2 năm trước, thế trận giờ đã khác: quốc gia khơi mào lệnh trừng phạt, Saudi Arabia, đang phải đối mặt với chỉ trích của cộng đồng quốc tế trong vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi và tham chiến tại Yemen. Dù tiếp tục coi Riyadh là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại tại Trung Đông, song Washington chưa bao giờ phủ nhận lợi ích trong quan hệ với Doha. Trong trường hợp này, hợp tác kinh tế đóng vai trò quan trọng, song đôi khi chưa phải là nhân tố định đoạt.
Một căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Qatar. |
“Tài sản” Qatar, lợi ích quốc gia Mỹ
Thứ khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump để tâm hơn cả là vị thế chiến lược của Qatar tại Trung Đông. Doha không chỉ nổi tiếng với dầu mỏ, kiến trúc chọc trời cùng siêu xe, mà còn được biết đến với vai trò căn cứ quân sự của Mỹ và làm trung gian hòa giải các xung đột khu vực.
Căng thẳng Mỹ - Iran đang nóng lên từng ngày và đã có lúc bên miệng hố chiến tranh. Gần đây nhất, Tehran tiếp tục thách thức sự kiên nhẫn của Washington khi lần lượt tăng mức độ làm giàu Uranium, vượt qua giới hạn của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và tiệm cận chuẩn cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, bất chấp tuyên bố cứng rắn, các động thái gần đây nhất - từ điều quân hay dứ đòn - cho thấy Mỹ vẫn ưu tiên gây áp lực để buộc Iran xuống nước, thay vì sẵn sàng cho một cuộc chiến với khả năng sa lầy cao tại Trung Đông.
Tuy nhiên, khi mà Tehran vẫn đứng vững, Nhà Trắng buộc phải tính đến phương án “vừa đấm vừa xoa” và nếu Riyadh được chọn để “đóng vai ác”, thì Doha được chọn để thực hiện vai trò xoa dịu. Quan hệ với Iran, thứ khiến Qatar phải chịu quả đắng khi bị các nước Arab cấm vận, lại đang trở thành “tài sản” quý giá của quốc gia này. Một phần lớn trữ lượng dầu mỏ của Qatar đến từ khu vực có quan hệ mật thiết với Iran; hai bên cùng nhau kiểm soát giếng dầu mỏ lớn nhất thế giới, đồng thời hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giao thông vận tải. Do đó, lời nói của Doha ít nhiều có trọng lượng đối với Tehran.
Al Jazeera ngày 9/7 dẫn lời ông Majed al-Ansari, cựu quan chức ngoại giao Qatar, khẳng định Doha “đang tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các bên vẫn tiếp tục kín tiếng về tiến trình hư thực lẫn lộn này. Thông tin hiếm hoi từ Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định hợp tác Qatar - Mỹ trong giải quyết hành động “gây bất ổn khu vực” của Iran sẽ là trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa Quốc vương al-Thani và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Song không loại trừ khả năng điều duy nhất Qatar có thể làm ở thời điểm hiện tại là đóng vai trò cầu nối, kênh thông tin liên lạc hiếm hoi giữa Mỹ và Iran. Một số chuyên gia cho rằng việc Doha mở rộng quan hệ với Tehran sau khi bị các nước Arab cấm vận đã khiến cán cân nghiêng về một bên và Qatar không còn ở vị thế trung lập để có thể thực hiện vai trò trung gian hòa giải. Ý kiến khác lại cho rằng cả Mỹ và Iran đều chưa muốn giảm căng thẳng ở thời điểm hiện tại, nhằm phục vụ nhiều ý đồ khác nhau.
Với Tổng thống Donald Trump, đó là thể hiện lập trường cứng rắn, khác biệt so với người tiền nhiệm Barack Obama, xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ, lấy đà cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, đó là duy trì sự ủng hộ từ giới tướng lĩnh trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tuy nhiên, dù là trung gian hòa giải hay kênh thông tin liên lạc thì Qatar vẫn là đối tác quan trọng mà Mỹ có thể tận dụng. Trong khi đó, Doha cần sự bảo đảm của Washington về lập trường chống cấm vận từ các nước Arab. “Có qua có lại mới toại lòng nhau” và ở trường hợp này, cái bắt tay thân tình giữa Quốc vương Tamim bin Hamad al-Thani và Tổng thống Donald Trump không chỉ lật sang trang mới cho quan hệ Qatar - Mỹ, mà còn có thể mang đến biến chuyển tích cực cho khu vực Trung Đông, vốn chỉ quen mùi dầu và thuốc súng.
Vì sao Mỹ không thể đơn độc đối đầu với Iran? Tờ Arab News nhận định, ngay cả khi theo đuổi chính sách “gây sức ép tối đa” nhằm vào Iran thì cuối cùng Mỹ vẫn ... |
Mỹ - Iran và câu chuyện Gibraltar: Phép thử nhờ mập mờ TGVN. Cả trên thực tế lẫn trong khẩu chiến, căng thẳng và đối đầu giữa Mỹ - Iran đều leo thang mức độ. Tổng thống ... |
Gọi Thái tử Saudi Arabia là bạn, Tổng thống Trump từ chối trả lời liên quan đến vụ Khashoggi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/6 cho biết, ông đánh giá cao việc Saudi Arabia mua thiết bị quân sự của Mỹ, đồng thời ... |