ngoNhiều hoạt động đối ngoại quan trọng đã được triển khai đều khắp trên các mặt trận, nhưng có lẽ để lại dấu ấn đậm nét hơn cả vẫn là các hoạt động hiệu quả và thiết thực với các nước lớn như Nga và Mỹ, gần gũi và thân thiện với nước láng giềng như Lào và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các diễn đàn ngoại giao đa phương quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác Nga - ASEAN.
Lãnh đạo G7 và các đối tác được mời tham dự G7 mở rộng chụp ảnh chung. (Ảnh: VGP) |
Quan hệ với các nước lớn năng động và thực chất
Chuyến thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama có lẽ là sự kiện thu hút sự quan tâm hơn cả của dư luận trong và ngoài khu vực. Ban đầu, nhiều người vẫn nghi ngại đây chỉ là chuyến thăm có ý nghĩa biểu tượng là chính, bởi ông Obama chỉ quyết định đi Việt Nam khi sắp kết thúc nhiệm kỳ và trong nội bộ Mỹ vẫn còn nhiều tranh luận về việc nên hay không nên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Nhưng những gì diễn ra trong ba ngày từ 23 - 25/5 đã xóa tan mọi nghi ngờ, thậm chí nhiều hình ảnh, sự kiện trong chuyến đi còn làm cho nhiều người thích thú, tạo ấn tượng khó phai. Chuyến thăm không chỉ đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, đưa quan hệ Việt - Mỹ sang trang mới, mà còn thực sự là một chuyến thăm rất thành công trên nhiều phương diện, đối với cá nhân Tổng thống Mỹ cũng như với quan hệ song phương.
Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và ASEAN tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh quan trọng để bàn về tương lai quan hệ của ASEAN với các đối tác chủ chốt như Mỹ, Nga. Lần đầu tiên là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnylands, Mỹ và lần thứ hai là Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN tại Sochi, Nga. |
Có thể chỉ ra 5 điểm nổi bật của chuyến thăm. Thứ nhất, đó là nền tảng của quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt là sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt và lòng tin chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường. Hai là, khuôn khổ hợp tác cùng có lợi Việt - Mỹ không ngừng được mở rộng với rất nhiều thỏa thuận hợp tác thực chất được ký kết. Ba là, cam kết của hai nước đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới ngày càng thực chất và sâu rộng. Bốn là, giao lưu nhân dân được tăng cường, nhất là qua hợp tác giáo dục và giao lưu thanh niên, đồng thời các nỗ lực hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh được tiếp tục thúc đẩy. Năm là, lòng mến khách của người dân Việt Nam được thể hiện ở mức rất cao, đã “chạm vào trái tim” của Tổng thống và cả đoàn Mỹ; cá nhân ông Obama cũng để lại những dấu ấn và hình ảnh đẹp về sự giản dị, gần gũi và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân dịp Tổng thống sang thăm Việt Nam từ ngày 23 - 25/5. |
Bên cạnh đó, tháng 5 vừa qua cũng chứng kiến một chuyến thăm cấp cao rất thành công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nga. Nga là nước đầu tiên mà Thủ tướng đến thăm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Chuyến thăm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và cũng để lại những dấu ấn sâu đậm không kém. Thứ nhất, chuyến thăm khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, thể hiện sự tôn trọng bạn bè truyền thống và cân bằng trong quan hệ giữa các nước lớn của Đảng và Nhà nước ta. Thứ hai, chuyến thăm khẳng định những nền tảng vững chắc, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau ở mức rất cao giữa hai nước. Thứ ba, nhiều dự án hợp tác lớn đã được ký kết, không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, dầu khí và an ninh quốc phòng, mà còn mở ra nhiều lĩnh vực mới đầy tiềm năng như sản xuất chế biến sữa, nông nghiệp công nghệ cao… Thứ tư, lãnh đạo cấp cao Nga đã dành những nghi lễ trang trọng nhất, những tình cảm sâu đậm để tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam. Thứ năm, quan hệ Việt - Nga không chỉ có lợi cho hai nước, mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam luôn là đầu cầu hữu nghị và hợp tác để Nga có thể đóng góp tích cực cho khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Nhân dịp này, phía Nga cũng bày tỏ quan điểm công khai, rõ ràng hơn về vấn đề Biển Đông như mong muốn hòa bình giải quyết tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế…
Các hoạt động ngoại giao nước lớn năng động và hiệu quả đã tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công chính sách đối ngoại của Đại hội XII, góp phần thực chất vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.
Láng giềng gần gũi và thân thiện
Một hoạt động đối ngoại quan trọng khác là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Lào từ 15 - 17/5. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Thongloun Sisoulith trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Lào đối với mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đặc biệt Việt - Lào.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhân dịp Thủ tướng sang thăm Việt Nam từ 15 - 17/5. |
Hai bên khẳng định Việt - Lào đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra trong chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật Việt - Lào giai đoạn 2011 - 2020. Đặc biệt, Hiệp định về hợp tác giữa Chính phủ Việt - Lào giai đoạn 2011 - 2015 đã được triển khai hiệu quả, góp phần củng cố và phát triển quan hệ song phương cả về chiều rộng và chiều sâu. Chuyến thăm đã tạo ra động lực mới cho quan hệ Việt - Lào, thể hiện sự gần gũi, gắn bó keo sơn, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào. Hai bên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao về chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và các lĩnh vực hợp tác khác như kinh tế, thương mại, đầu tư… Hai bên cũng nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước Việt - Lào cũng như trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Nâng cao vị thế Việt Nam tại các diễn đàn đa phương
Triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII về đối ngoại, nhất là nội hàm nâng tầm ngoại giao đa phương trong giai đoạn mới, tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia nhiều hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản và Hội nghị kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác Nga - ASEAN tại Nga.
Đây là lần đầu tiên trong 42 năm qua, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Việc này cho thấy các nước thành viên G7, đặc biệt là Nhật Bản, đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, cũng như vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Những nội dung thảo luận, trao đổi tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng rất phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Không những thế, thông qua việc tham dự G7 mở rộng, Việt Nam có cơ hội giới thiệu về đường lối đối ngoại đổi mới và hội nhập, xây dựng hình ảnh đất nước tươi đẹp, mến khách, tranh thủ được sự ủng hộ chính trị và nhiều nguồn lực quý báu cho phát triển… Đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định sự đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định và phát triển, chung tay cùng các nước G7 giải quyết các vấn đề chung của nhân loại.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản 26 - 27/5. |
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp và trao đổi, xây dựng quan hệ với rất nhiều nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế…
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN và cùng các nhà lãnh đạo Nga - ASEAN ra tuyên bố Sochi về định hướng quan hệ Nga - ASEAN trong thời gian tới. Như vậy, đây đã là lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và ASEAN tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh quan trọng (lần đầu tiên là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnylands, Mỹ) để bàn về tương lai quan hệ của ASEAN với các đối tác chủ chốt như Mỹ, Nga; có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng ASEAN đoàn kết và ngày càng vững mạnh, qua đó góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Nói tóm lại, hoạt động ngoại giao sôi động và hiệu quả trong tháng 5 vừa qua đã đánh dấu những thắng lợi mới trong quá trình ngoại giao Việt Nam tích cực, chủ động triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, góp phần cùng quân, dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc.