Tôi đã qua hai mùa Ramadan tại Kuwait, đã hiểu hơn và khám phá được nhiều điều thú vị về Ramadan và những phong tục gắn liền với Lễ hội thiêng liêng này của người Hồi giáo.
Trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo nhịn ăn, uống, hút thuốc và nhịn cả những hành vi khoái lạc từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Ta thường gọi tháng Ramadan là "tháng ăn chay", "tháng nhịn ăn" hoặc "tháng nhịn ăn ban ngày" đều không thật chính xác. Tốt nhất nên giữ nguyên tên gọi là tháng Ramadan để được hiểu đúng nghĩa và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, những người ốm, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi vẫn có thể được ăn, uống nhưng phải ở nơi kín đáo.
Tháng Ramadan ở Kuwait cũng như ở các nước Hồi giáo khác là lễ hội và sự kiện quan trọng, thiêng liêng trong năm. Mọi người nhịn ăn, nhịn uống để thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc. Hành động này cũng nhằm rèn luyện con người về sự kham khổ, chống lại những cám dỗ vật chất. Hơn nữa, tháng Ramadan cũng là tháng để làm những điều tốt lành, những hành vi, cử chỉ nghĩa hiệp và nhân ái.
Người dân Kuwait rất nghiêm túc tuân theo luật lệ về nhịn ăn, uống, hút thuốc ban ngày trong tháng Ramadan. Quả thực ở xứ sở nóng tới trên 45oC mà cả ngày không ăn, đặc biệt không uống nước là một thử thách ghê gớm. Tôi đọc báo thấy nói đến một số vụ người uống nước hoặc hút thuốc ở ngoài đường đã bị cảnh sát bắt và có thể sẽ bị phạt tiền hoặc vào tù.
Trong tháng Ramadan, giờ làm việc của các cơ quan Chính phủ Kuwait thường bắt đầu từ 10h00 và kết thúc vào 13h30. Các công ty, xí nghiệp cũng giảm giờ làm. Công việc được giải quyết chậm chạp hoăc gần như bị ngừng trệ trong suốt tháng lễ này. Các cuộc chiêu đãi của các cơ quan đại diện ngoại giao tổ chức vào tháng này cũng chỉ bắt đầu từ 21h30. Cuộc sống nhộn nhịp vào ban đêm. Sau 20h, xe cộ tấp nập ngoài đường, thường xảy ra nhiều tai nạn, tắc đường. Các trung tâm thương mại cũng nhộn nhịp, mở cửa đến tận 1h sáng. Các quán cà phê, nhà hàng còn mở cửa thâu đêm.
Trong tháng Ramadan, một điều thú vị ở Kuwait là đi chúc tụng nhau, giống như người Việt Nam đi chúc Tết. Thường từ 20h30, sau bữa ăn tối ifta, các gia đình tổ chức đón tiếp khách tới nhà chúc mừng. Buổi đón tiếp khách như vậy gọi là Diwaniya. Thông thường, mọi người đọc báo để xem lịch Diwaniya của những người trong gia đình Hoàng gia, các quan chức cao cấp hoặc các doanh nhân có tiếng để tới chúc mừng. Các quan chức cao cấp, doanh nhân nổi tiếng luôn mở rộng cửa đón bạn bè, họ hàng, các nhà ngoại giao và bất kỳ người dân nào muốn tới chúc mừng. Khi khách tới, chủ nhà đứng dậy, ôm hôn hoặc bắt tay và đón nhận lời chúc "Ramadan Kareem". Chủ nhà cho người mang bánh, kẹo, mứt, chà là cùng cà phê, nước chè ra mời khách. Người Kuwait coi đây là phong tục rất ý nghĩa vì Diwaniya không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Ngày nay, Diwaniya còn được coi là hình thức hội họp của các nhóm chính trị, các tổ chức, tầng lớp xã hội tại Kuwait, nhất là vào các dịp trước khi bầu cử hoặc sự kiện chính trị.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, nhịn ăn ban ngày, nhưng vừa lúc mặt trời lặn là ăn quá mức, rồi lại ăn lấy được trước khi mặt trời mọc và ngủ cả ngày thì làm sao mà còn thông cảm với người nghèo khó không đủ ăn. Cũng nhiều ý kiến phê phán việc giảm giờ làm việc trong tháng Ramadan, vì như vậy còn đâu cơ hội để con người tự rèn luyện vì có làm việc bình thường mới thấy đói, khát và từ đó mới thông hiểu những người nghèo khó, đói kém.
Ramadan ngày nay cũng là cơ hội cho kinh doanh, thương mại. Hàng hóa, nhất là thực phẩm, lương thực được tiêu thụ nhiều hơn ngày thường, do vậy các cửa hàng cũng nắm bắt cơ hội nâng giá hàng, nâng giá dịch vụ và tăng cường các hoạt động ăn theo trong tháng Ramadan linh thiêng.
Ban Mai