Trong mối quan hệ với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đúng và thực dụng hơn so với các tổng thống Mỹ tiền nhiệm. (Nguồn: Getty) |
Hội nghị thượng đỉnh tuần trước giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden có sự khác biệt đáng kể trong giọng điệu và phong cách, nếu không tính đến bản chất.
Trong cuộc họp báo riêng sau hội nghị, ông Biden nói: “Cuộc gặp này không phải là về sự tin tưởng mà là về lợi ích cá nhân và xác minh lợi ích cá nhân”.
Rõ ràng, ông Biden đã đúng và thực dụng hơn so với các tổng thống Mỹ tiền nhiệm, những người đã tìm cách viển vông là “tái cài đặt” lại quan hệ hai nước hoặc ca ngợi Tổng thống Nga.
Vì lợi ích của cả hai
Mối quan hệ giữa Washington và Moscow có lẽ đang ở một trong những điểm thấp nhất trong lịch sử gần đây với những đòn "ăn miếng trả miếng" trừng phạt nhau giữa hai bên.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này được ông Biden nhìn nhận theo chủ nghĩa thực dụng và việc thừa nhận mối quan hệ này dựa trên lợi ích chứ không phải dựa trên một số động lực vô hình là bước khởi đầu tốt cho cả hai bên. Điều này được chính Moscow thừa nhận bởi việc bảo đảm mối quan hệ này ổn định không chỉ dựa trên lợi ích của Mỹ mà còn của cả Nga.
Ông Biden dường như đang triển khai chiến lược rút kinh nghiệm từ các chính quyền tiền nhiệm và hành động với nguồn lực hạn chế để làm cho mối quan hệ Nga-Mỹ trở nên kiềm chế hơn và bớt “nóng” hơn. Về mặt này, dường như ông Biden đã gặt hái được thành công bước đầu qua kỳ thượng đỉnh này.
Vì sao lại khẳng định đây là một thành công?
Thứ nhất, gia tăng các biện pháp trừng phạt với Nga hầu như không đem lại hiệu quả gì cho Mỹ. Điều này đã được chứng minh bằng thực tế trong thời gian qua.
Mặt khác, khi Nhà Trắng thực hiện các bước leo thang để trừng phạt nền kinh tế Nga, điều đó sẽ ảnh hưởng đến người dân Nga nhiều hơn là Nhà nước Nga, và điều này sẽ chỉ củng cố thêm quyền lực của ông Putin.
Ở cấp độ vĩ mô hơn, Washington không còn ở vị trí chiến lược như cách đây 20 năm, hay thậm chí 10 năm. Khả năng huy động các liên minh quốc tế, chỉ đạo hoặc điều hành các chương trình nghị sự chính sách, hoặc đạt được các hiệu quả chiến lược của Mỹ hiện tại bị hạn chế rõ rệt.
Bằng chứng là, bất chấp những tuyên bố cảnh báo hùng hồn, Washington rốt cuộc đã từ chối trừng phạt mạnh tay với Nga liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sắp hoàn thành vì lo ngại tổn hại tới quan hệ với Đức.
Thứ hai, chính quyền ông Biden rất muốn đạt được trạng thái quan hệ ổn định với Moscow để tập trung vào các ưu tiên trong nước và chuyển nguồn lực sang đối phó với một thế lực đang ngày càng mạnh mẽ là Trung Quốc.
Trước khi đến Geneva (Thụy Sỹ), ông Biden đã tập hợp lực lượng, thuyết phục các đồng minh và đối tác của Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, Nga có vị trí vô cùng quan trọng đối với an ninh châu Âu và châu Á và chắc chắn không phải là một cường quốc đang suy yếu. Nga cũng có thể lấy đi thời gian và sự chú ý đáng kể từ Mỹ khi đang cố gắng chuyển hướng ưu tiên sang cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, kết quả tốt nhất có thể đạt được trong quan hệ song phương giữa Washington và Moscow có lẽ là ổn định hay đóng băng, hoặc ít nhất là không có xung đột thực sự.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden được đánh giá là bước khởi đầu tốt đẹp cho quan hệ Nga-Mỹ. (Nguồn: AP) |
Bước khởi đầu tốt đẹp
Sự trở lại của các đại sứ Nga và Mỹ tại Washington và Moscow, cũng như tập trung vào vấn đề an ninh mạng và các chuẩn mực hành vi đóng vai trò quan trọng cho quá trình ổn định quan hệ hai bên.
Sự trở lại của các đại sứ là một bước tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trong khi việc khởi động lại các cuộc tham vấn song phương về an ninh mạng sẽ giúp làm rõ các “lằn ranh đỏ” và hậu quả của việc vượt qua các ranh giới đã được thiết lập này.
Tuy nhiên, việc thực thi như thế nào vẫn còn rất nhiều điều phải xem xét. Và trong trường hợp này, ổn định và thực dụng tiếp tục là những từ khóa chính.
Thật vậy, Putin nhắc lại thực tế này trong cuộc họp báo riêng của ông: “Chúng ta phải đồng ý về các quy tắc ứng xử trong tất cả các lĩnh vực mà chúng ta đã đề cập ngày hôm nay. Đó là ổn định chiến lược, đó là an ninh mạng, đó là giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột khu vực”.
Về phần ông Putin, chiến lược của Nga dường như đang hiệu quả, ít nhất là trên phạm vi quốc tế.
Bất chấp báo chí phương Tây hoài nghi về việc có nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden hay không do các động thái gần đây của Nga, cuộc gặp song phương vẫn được tiến hành và hai nhà lãnh đạo đã thảo luận trực tiếp.
Những ý kiến chỉ trích có thể cho rằng những quyết sách của ông Putin sẽ dẫn đến việc Nga bị cô lập, đã được chứng minh là sai. Thật vậy, việc Biden công nhận Nga là một “cường quốc” đang được hoan nghênh ở Moscow.
Có thể kết luận rằng, hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ không phải là một phần thưởng cũng không phải là một hình phạt.
Đó là việc truyền đạt trực tiếp lợi ích quốc gia của bên này cho bên kia và thiết lập nền tảng cho đối thoại. Tuy nhiên, nền tảng đó phải dựa trên nhận thức về sức mạnh và lợi ích của bạn và của đối tác.
Mặc dù chủ nghĩa thực dụng của Tổng thống Mỹ Biden ở cấp độ vĩ mô được hoan nghênh và trái ngược với những người tiền nhiệm của ông, nhưng vẫn còn phải xem liệu chính quyền Washington có thực sự hiểu Điện Kremlin hay không. Tuy nhiên, ít nhất, hội nghị thượng đỉnh là một bước khởi đầu tốt đẹp cho quan hệ hai bên được cải thiện.
* Tác giả Joshua Huminski là Giám đốc Trung tâm Tình báo và Các vấn đề Toàn cầu Mike Rogers thuộc Trung tâm nghiên cứu về Quốc hội và Tổng thống ở Washington, Mỹ.