Tôi còn nhớ khi tham gia chương trình giao lưu thanh niên quốc tế Malaysia 2016, bên bờ sông của thủ đô hành chính Putrajaya, đoàn Việt Nam ngồi nhiều giờ để tranh luận với các bạn Lào về vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Tranh luận để chia sẻ
Tuy hai nước có quan hệ truyền thống đặc biệt, nhưng việc nước bạn có kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện trên dòng Mekong, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam ở hạ nguồn đã trở thành chủ đề tranh luận "nảy lửa" hôm đó. Cuộc tranh luận đi từ căng thẳng đến thống nhất cao về việc ủng hộ các giải pháp đối thoại của hai nước để hướng đến chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển bền vững của khu vực. Tất nhiên, đó chỉ là một cuộc trao đổi giữa vài công dân, nhưng ít nhất khi về nước, chúng tôi sẽ giải thích cho bạn bè, cho người dân nước mình về quan điểm của bạn. Tương tự như vậy, chủ đề về Biển Đông lúc nào cũng thường trực khi đoàn Việt Nam tiếp xúc, đối thoại không chính thức với các đại biểu Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Philippines…
Đoàn thanh niên Việt Nam tham gia giao lưu chương trình sinh viên ASEAN - Ấn Độ năm 2015. |
Một đồng nghiệp của tôi ở trường đại học “dành cả thời thanh xuân” để nghiên cứu, ứng tuyển vào chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) với mong muốn được trưởng thành. Khi trở về, cậu ấy nói “dường như mình đã làm được điều gì đó cho đất nước và trở thành một công dân tiến bộ hơn. Không gì hạnh phúc hơn được khám phá và học hỏi những bài học hữu ích từ bạn bè quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực vai trò của thanh niên đối với hợp tác khu vực”. Nhưng có lẽ sâu xa hơn, là khát vọng được định danh Tổ quốc, được tự hào là một người Việt Nam.
Trên hành trình dự chương trình giao lưu sinh viên ASEAN - Ấn Độ, khi quá cảnh ở sân bay quốc tế Changi của Singapore, nhiều người trong đoàn trầm ngâm nghĩ đến dự án sân bay “Long Thành” với vị thế trung chuyển số 1 cần được đòi lại. Khi dán những tấm bản đồ có Hoàng Sa – Trường Sa thuộc về Việt Nam lên những trường học ở Nhật Bản trong chương trình giao lưu thanh niên JENESYS; khi giải thích rằng “Việt Nam đã hết chiến tranh và đang phát triển” cho những người bạn Sri Lanka, tôi ngộ ra rằng không thể phủ nhận Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên để biến sự nổi tiếng ấy thành thương hiệu, thành hình ảnh đẹp phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển đất nước thì không chỉ có vai trò của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp mà mỗi công dân trẻ hoàn toàn có thể đóng góp trong khả năng của mình.
Tự hào là thanh niên Việt Nam
Sự hiện diện của đại biểu Việt Nam tại Diễn đàn Xã hội Thế giới (WSF) hay sự có mặt của thanh niên Việt Nam tại các chương trình giao lưu văn hóa với ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… chính là hoạt động ngoại giao công chúng của quốc gia chủ nhà nhưng cũng là cơ hội cho chính các đại biểu Việt Nam nói lên tiếng nói của mình, thông tin về đất nước, con người Việt Nam với thế giới.
Đoàn Thanh niên Việt Nam tham dự Diễn đàn Thanh niên Thế giới lần thứ 27 tại Hàn Quốc. |
Trong bối cảnh thế giới ngày càng "phẳng và chật" thì vai trò cá nhân trong mỗi lần "tác chiến" độc lập ở nước ngoài lại càng quan trọng. Hiện nay, có nhiều cách để mỗi thanh niên là một “cán bộ ngoại giao nhân dân”. Đó là những người trẻ đang công tác trong cơ quan đối ngoại, là đại biểu các chương trình giao lưu quốc tế, là cộng đồng du học sinh… Dũng cảm bước ra thế giới nhận lấy trách nhiệm làm người Việt Nam, mỗi thanh niên không chỉ mang theo “giấc mơ con” mà còn đựng trong ba lô thông điệp hòa bình và niềm tự hào dân tộc. Khi một dấu thông hành được đóng vào hộ chiếu, ta ngẩng cao đầu vì một dấu tương đương của đất nước.
Tại Diễn đàn Tuổi trẻ Quốc tế lần thứ 27 (2016) ở Hàn Quốc, tôi đã phát biểu “Tôi tự hào là một công dân Việt Nam, một đất nước luôn nỗ lực không ngừng trong khu vực và hội nhập quốc tế. Thông qua hoạt động trao đổi, thanh niên có thể học hỏi các công cụ và cách tiếp cận mới trong kết nối kiến thức thế giới, xây dựng mô hình cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội như thất nghiệp trẻ, bảo vệ môi trường và giúp đỡ những người cần thiết. Đây là cơ hội để họ gặp gỡ và giao lưu với những người trẻ tuổi khác, cọ xát và học những kỹ năng mới”.
Giới trẻ ở tất cả các nước là nguồn nhân lực chính để phát triển, thay đổi xã hội tích cực và đổi mới công nghệ. Lý tưởng, năng lượng và tầm nhìn của họ là cần thiết cho sự phát triển liên tục của mỗi quốc gia. Theo một số báo cáo gần đây, tỷ lệ sinh viên tham gia các hoạt động ở nước ngoài đã tăng đáng kể, trên 40% và kỹ năng tiếng Anh của họ cũng tốt hơn nhiều. Thanh niên luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của họ để có được sự hiểu biết văn hoá mới cũng là mục đích của họ khi tham gia vào các hoạt động khác nhau.
Khát vọng của người trẻ
Sẽ thật tham vọng nếu nói tất cả người Việt trẻ khi ra nước ngoài đều sẽ là một đại sứ, chia sẻ và kết nối đất nước với thế giới. Do đó, cần xây dựng lực lượng nòng cốt tiên phong trong lĩnh vực này. Họ phải được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ, hiểu biết về đất nước, tình hình quan hệ quốc tế và các vấn đề chung toàn cầu. Trên cơ sở đó, Đoàn Thanh niên phối hợp với nhà trường và các tổ chức phi chính phủ tạo ra sân chơi để tôi dưỡng họ trở thành những chuyên gia trẻ trên mặt trận ngoại giao nhân dân. Cần tăng cường giảng dạy, nghiên cứu về “ngoại giao nhân dân” cho các bạn sinh viên ở những trường đại học đào tạo về đối ngoại. Có thể không phải sinh viên nào cũng sẽ trở thành một nhà ngoại giao nhưng dù sau này công tác trong lĩnh vực nào, ở đâu thì bằng những kiến thức đã học được, họ sẽ vận dụng sáng tạo để phục vụ cho lợi ích cuối cùng mà chúng ta theo đuổi – lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích chung của nhân loại.
Khi được đào tạo bài bản và nhận thức đúng thì mỗi người trẻ sẽ có sự chọn lọc trách nhiệm và kỹ càng những chất liệu giới thiệu với quốc tế, nhất là giá trị văn hóa. Có lần được "hầu chuyện" nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn, ông kể: “Khi tôi đang làm Đại sứ tại Hàn Quốc, có một đoàn nghệ sĩ trẻ Việt Nam dự Liên hoan sân khấu quốc tế, vở kịch rất hay nhưng tôi thấy đó không phải vở kịch của Việt Nam. Về chủ đề tư tưởng, vở kịch nói về tham nhũng, lừa đảo, giống hệt vở Lôi Vũ của Trung Quốc, xây dựng hình ảnh người Việt Nam quá xấu xí. Điều đó có thể đúng, nhưng diễn ở Việt Nam hợp lý hơn, Việt Nam không thiếu những điều hay tốt đẹp để giới thiệu cho các bạn. Công chúng Hàn Quốc khi tiếp cận những nội dung như vậy sẽ bị ấn tượng một cách bóp méo về văn hóa Việt Nam”. Tôi nhớ mãi câu chuyện đó của Đại sứ Toàn để vận động mạnh mẽ hơn trong một nền ngoại giao nhân dân chuyên nghiệp, bởi lẽ con đường hội nhập nhanh nhất chính là con đường văn hóa, con đường đi từ trái tim đến trái tim, từ nhân dân đến nhân dân.