Điều gì anh nghĩ đến đầu tiên khi được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2016?
Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào, nhưng cũng thấy trách nhiệm nặng nề và phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với danh hiệu cao quý này.
Được biết, anh phải vất vả lắm mới có cơ hội đến trường, rồi học đại học và cao học. Anh có thể chia sẻ về hành trình vượt khó của mình?
Vì 10 tuổi mới được đến trường đi học nên tôi đã phải rất cố gắng mới có thể vừa học tiếng, vừa học chữ. Bù lại tôi là người rất chăm chỉ, phải học ngày học đêm, học ngay cả khi đi chăn trâu. Khi nhận được cùng lúc hai giấy báo trúng tuyển vào Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Đại học Sư phạm Hà Nội 2, chưa kịp vui mừng khi quyết định chọn Đại học Nông nghiệp I thì tôi vướng phải sự ngăn cấm quyết liệt từ gia đình.
Lúc đó, bố tôi bảo: “Bố chỉ thấy người ta thồ ngô, thồ thóc ra chợ bán được tiền, chứ chưa thấy ai đi học mà được tiền”. Cố gắng thuyết phục gia đình, tôi đã một mình lên Thủ đô học tập. Suốt thời gian học đại học và sau này học cao học, tôi vừa học vừa đi làm thuê để có tiền ăn học. Bản thân tôi từng phải đi rửa bát cho quán cơm, làm vườn đi bốc hàng thuê…
Anh Giàng Seo Châu (bên phải) tại Lễ vinh danh 10 gương mặt trẻ tiểu biểu Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Sinh sống ở vùng cao nhiều thiếu thốn về mọi mặt, đâu là bí quyết và động lực giúp anh học giỏi như vậy?
Lòng đam mê học tập đã giúp tôi luôn xác định cho mình mục tiêu rõ ràng để cố gắng đạt được mục tiêu đề ra. Tôi học mọi lúc mọi nơi, không ngừng nghỉ để nắm được các kiến thức đã học ở từng môn, từng cấp học một cách thật tốt, để có thể hiểu nội dung vận dụng vào từng vấn đề cụ thể.
Động lực đi học của tôi là muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ. Hơn nữa, ở quê tôi có nhiều người rất thành đạt như bác Cư Hòa Vần, Tráng A Pao, Giàng Seo Phử. Vì vậy, tôi luôn phấn đấu noi gương các bác.
Nhiều người ở khu vực miền núi và nông thôn có tư tưởng học tốt để được đi đây đó. Vậy điều gì thôi thúc anh trở về miền quê lập nghiệp?
Tôi tự thấy mình phải làm việc, đóng góp công sức cho quê hương. Nếu chỉ ở lại thành phố thì ai sẽ giúp người dân, bao giờ dân mình mới có cuộc sống tốt lên? Những câu hỏi đó luôn làm tôi trăn trở và thôi thúc bản thân về công tác ở xã.
Anh có suy nghĩ về chủ đề thanh niên thời hội nhập. Theo anh, lập nghiệp ở quê hương thì có thể hội nhập quốc tế bằng cách nào?
Tôi nghĩ, thanh niên nông thôn cũng có nhiều cơ hội để lập nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập để hội nhập quốc tế. Cụ thể như sáng tạo các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng và đắp ứng nhu cầu thị trường như: rau sạch, rau trái vụ chất lượng cao, hoặc các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái về nông thôn...
Tất cả thanh niên đều có việc làm, có thu nhập và cuộc sống phát triển thì có thể hội nhập tốt với xu thế thế giới, giúp giảm bớt khoảng cách nông thôn và thành thị.
Anh Giàng Seo Châu trực tiếp làm đường bê tông tại xã. (Ảnh: NVCC) |
Là người đầu tiên đưa cây tam thất về bản, thực hiện mô hình trồng rau bắp cải tại Mản Thẩn, rồi mô hình nuôi giống lợn đen bản địa ở Si Ma Cai, anh nhận thấy cuộc sống bà con đã đổi thay thế nào?
Điều nhận thấy rõ nhất là thu nhập người dân tăng lên và chất lượng cuộc sống đã tốt hơn nhiều. Nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở khang trang, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa đến từng thôn, từng hộ gia đình. Đặc biệt, xã Mản Thẩn của tôi đã đạt xã Nông thôn mới.
Còn với với việc khuyến học ở địa phương, có sự tiến bộ nào rõ rệt không?
Công tác khuyến học đã được thực hiện rất tốt, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường và nhân dân đóng góp xây dựng chỉnh trang các trường học. Đặc biệt, 100% các điểm trường chính, phân hiệu thôn đều xây dựng kiên cố, có sân bê tông, tường rào chắc chắn đảm bảo phục vụ việc học và vui chơi cho các cháu học sinh.
Anh có thể chia sẻ những dự định của anh trong thời gian tới. Với tư cách là Chủ tịch xã, có điều gì anh vẫn ấp ủ và mong muốn giúp đỡ cho bà con?
Trong những năm tiếp theo, xã chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng Nông thôn mới theo tiêu chí mà Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã ban hành. Bản thân tôi sẽ tập trung các kế hoạch phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân địa phương cũng như tìm các đơn vị bao tiêu các sản phẩm của người dân để các sản phẩm đều có đầu ra ổn định.
Xin cảm ơn anh!