Toàn cảnh lễ công bố Báo cáo đặc biệt 'Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022'. (Ảnh: Hạnh Lê) |
Buổi lễ có sự tham gia của ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường); bà Amal Abdel Kader Elmorsi Salama – Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam; bà Ramla Al Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; nhiều đại diện tới từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Ai Cập, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, UNDP Việt Nam, Mạng lưới Thanh niên hành động vì khí hậu (YNET); cùng các chuyên gia và các bạn trẻ trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, bà Ramla Al Khalidi, đại diện UNDP tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và lắng nghe ý kiến, đồng thời hợp tác với thanh viên Việt Nam để tận dụng sức sáng tạo của thế hệ trẻ trong việc thúc đẩy hành động vì biến đổi khí hậu (BĐKH).
Bà Khalidi chia sẻ, ngoài quan tâm đến các hoạt động của những người trẻ, UNDP còn có nghĩa vụ mang đến một tương lai “công bằng, xanh và bền vững” cho thanh niên và các thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, đại diện UNDP kêu gọi tất cả các đối tác phát triển cùng góp sức, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ có khả năng vươn lên đảm nhận và làm chủ tương lai của chính mình.
Ngày 22/10 vừa qua, trong buổi trao đổi với thanh niên Việt Nam tại Học viện Ngoại giao, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã được giới thiệu về bản Báo cáo đặc biệt này. Tại đó, ông Guterres chia sẻ: “Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng ngày càng gia tăng như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… Chỉ khi kề vai sát cánh, cùng nỗ lực, thế giới mới có thể đẩy lùi các thách thức này.”
Theo bà Ramla Al Khalidi, chỉ riêng nỗ lực từ chính phủ không đủ để chiến thắng BĐKH. Do đó, đại diện UNDP nhấn mạnh: “Việt Nam cần huy động sự vào cuộc và chung tay của toàn xã hội, trong đó có cả người trẻ - chiếm tới 23% dân số hiện nay. Chúng ta nên tạo không gian phát triển, lắng nghe tiếng nói và trao quyền cho thế hệ trẻ, để họ trở thành lực lượng tiên phong trong các hoạt động ý nghĩa bảo vệ môi trường”.
Đại diện UNDP Ramla Al Khalidi phát biểu khai mạc buổi lễ. (Ảnh: UNDP Việt Nam) |
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, diễn ra ngay trước thềm Hội nghị COP27, lễ công bố Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022" mang ý nghĩa quan trọng, đóng góp tiếng nói của thanh niên Việt Nam vào công cuộc ứng phó với BĐKH toàn cầu.
Ông cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan, tổ chức tạo thêm nhiều cơ hội để thanh niên Việt Nam có thể tham gia và góp phần vào nỗ lực ứng phó với BĐKH của quốc gia, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022" được 24 tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước chắp bút, bao gồm bốn chủ đề chính: Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định; thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn; giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng “0”; và thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Báo cáo được đưa ra dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng hơn 130 sáng kiến cũng như dự án khí hậu do thanh niên khởi xướng - những trường hợp điển hình cho hành động khí hậu thiết thực mà các bạn trẻ thực hiện.
Ngoài ra, các tác giả trong báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy cần ưu tiên triển khai như thành lập nhóm công tác của thanh niên về chính sách khí hậu, xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực về BĐKH, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án do thanh niên lãnh đạo.
Báo cáo còn chỉ ra hai khó khăn lớn nhất thanh niên hiện đang phải đối mặt là hạn chế tài chính, cùng với thiếu kiến thức kỹ thuật và kỹ năng. Từ đó, báo cáo đề xuất các hướng giải quyết, như phát triển cổng kết nối thông tin tài chính cho BĐKH dành cho thanh niên, thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản trị khí hậu và ngoại giao khí hậu, và xây dựng bộ tài liệu chuyên ngành dành cho thanh niên.
Bạn Phạm Ngọc Anh – tác giả Báo cáo đặc biệt Youth4Climate 2022 đang giới thiệu về Lộ trình hành động của thanh niên trong năm 2022-2023. (Ảnh: Hạnh Lê) |
Trong phần trình bày báo cáo tại sự kiện, các tác giả trẻ bày tỏ hy vọng Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo; xây dựng lộ trình dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030; hạn chế các tổ chức tài chính đầu tư vào các dự án phát thải cao; và giảm thiểu việc sử dụng, hướng tới loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2030.
Đồng thời, các đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam khuyến nghị chính quyền địa phương và các bên liên quan kêu gọi, vận động thanh niên tham gia các chiến dịch truyền thông sáng tạo và nâng cao nhận thức về BĐKH, khuyến khích lối sống xanh và hành động chống chịu với BĐKH.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng mong Chính phủ sẽ tạo khung pháp lý và cơ sở thuận lợi, giúp các cá nhân, người sáng lập, và tổ chức thanh niên thực hiện hành động vì BĐKH, để trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số, các nhóm yếu thế và những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của BĐKH.
Công bố Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022", tác giả chính Nguyễn Văn Bảo cho biết: “Thanh niên Việt Nam đã, đang, và sẽ hành động nhiều hơn nữa, không chỉ chủ động kết nối mọi nguồn lực khác nhau trong xã hội để chung tay ứng phó với BĐKH mà còn đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn ở các diễn đàn trong nước, khu vực và quốc tế. Hơn ai hết, chúng tôi coi BĐKH là một mối đe dọa hiện hữu, nhưng đồng thời là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo - hành động vì một tương lai phát triển bền vững”.