Các thiếu nữ Việt Nam bên hoa anh đảo(Ảnh:VnMedia) |
Yêu hoa như thế bằng mười…hại hoa Ba năm tổ chức lễ hội anh đào 2007, 2008 và 2009 được kỳ vọng sẽ đem lại cho người dân niềm vui, cơ hội tìm hiểu và hoà nhập văn hoá Nhật Bản ngay tại Việt Nam. Mùa anh đào thứ nhất tiếng vang còn hạn chế nhưng đến hai mùa sau thì phải nói hiệu quả truyền thông PR lễ hội rất thành công. Lượng khách tham dự lễ hội hoa không chỉ ở Hà Nội mà còn cả các tỉnh thành khác đổ về thật xứng với một không gian lễ hội nồng nhiệt.
Nỗi buồn anh đào, nói thế vẫn còn chưa đủ để chia sẻ với những thất vọng của cộng đồng Việt trước cảnh tượng tàn phá những tác phẩm nghệ thuật kỳ công được trưng bày năm 2008. Cô bạn tôi - một trong những người Việt - xấu hổ đến rơi nước mắt trước cảnh một bộ phận khán giả tranh cướp vin cành đoạt hoa. Các ý kiến trên phương tiện truyền thông đại chúng và dư luận trong cộng đồng Việt xót xa vì nỗi mất mát thể diện dân tộc trước bè bạn Nhật, bè bạn quốc tế. Người ta tranh luận nhiều về những lệch lạc giá trị trong văn hoá thưởng thức nghệ thuật nói chung và văn hoá ứng xử nơi công cộng của người Việt, người Tràng An. Trong không gian văn hoá hoa anh đào ở Nhật Bản và các nước, dĩ nhiên nhân vật chính là những cây anh đào trổ sắc say đắm lòng người, nhưng người thưởng ngoạn chúng mới đem lại sắc màu văn hoá thực sự. Họ hoà mình vào thiên nhiên tuyệt diệu, thả hồn đón nhận và nâng tầm vẻ đẹp ấy thành những giá trị độc đáo.
Sự giao lưu chia sẻ với thiên nhiên và với chính con người ở đó một cách hợp lý, gìn giữ giới hạn để cả người và cảnh cùng được bảo toàn, được nâng lên mới đích thực là một cộng đồng Việt khát khao được trải nghiệm trong các mùa lễ hội vừa qua.Tiếc rằng phần thì một bộ phận người dân còn chưa ý thức được vị trí của mình trong không gian văn hoá lễ hội, phần khác, cách thức tổ chức và quản lý lễ hội cũng còn nhiều điều chưa tính tới ý nghĩa nhân văn ấy. Nhìn sâu vào ta mà sửa Không thể đơn thuần đổ lỗi cho mức độ ồ ạt giao lưu văn hoá khiến người dân không kịp thích nghi, hiện tượng đáng tiếc đó có cội rễ sâu xa từ tâm lý chiếm hữu cá nhân ích kỷ vô lối của không ít người. Chả riêng ở lễ hội hoa anh đào, tâm lý chiếm hữu từ vật chất tới không gian văn hoá mà không để ý tới sự tồn tại bền vững của tổng thể hoá ra có thể nhận thấy hàng ngày trong đời sống.
Người ra kẻ vào, làm sao không...tắc |
Người ta lo vun vén cho mình càng nhiều càng tốt, bất chấp người bên cạnh và tập thể sẽ mất mát, tổn thương vì hành vi cá thể đó. Tại mọi lễ hội ở nước ta đều có thể nhận thấy ít nhiều hiện tượng này. Ngay cả những lễ hội mang tính tâm linh, khi đến phần thụ lộc, nhận lễ làm khước, cảnh chen chúc giành giật cũng diễn ra nháo nhào, như quên hẳn lời khấn cầu “xin cho tâm trong, lòng sáng”, “tu tại tâm”. Hay tại vì thời buổi nhiều biến động trong đời sống kinh tế mà những giá trị văn hoá ngày càng bị "thất thoát"? Nhìn nhận sự công khai thể hiện hành vi sai trái của thanh niên nơi công cộng, phải kể tới sự vô cảm của không ít người cùng tham gia lễ hội. Mong muốn "an toàn cá nhân" khiến con người im lặng, thoả hiệp với hành vi trái mắt trong cộng đồng. Vì thế những người tàn phá tác phẩm nghệ thuật có một khoảnh khắc được tự coi mình là đúng ngay khi thực hiện hành vi thiếu đạo đức ấy. Người ta đặt vấn đề để khắc phục tận cùng vấn đề này cần một nền giáo dục những giá trị văn hoá cộng đồng được cơ bản thực thi từ trong môi trường gia đình, trường học và truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức, thiết lập nền nếp thưởng thức không gian văn hoá. "Nhặt sạn” chờ tới mùa sauTới lễ hội anh đào năm 2009, nhà tổ chức cùng với các phương tiện truyền thông nhắc nhở giáo dục người dân bài học buồn. Đâu đâu cũng thấy nhắc khách thưởng ngoạn đừng tàn phá hoa, đừng làm tổn thương sỹ diện cộng đồng lần nữa.
Chưa đủ, ngay trong không gian lễ hội, nơi đáng lẽ chỉ ngự trị một không khí thanh bình, thư thái để hoạt động thưởng hoa, chia sẻ đem lại cảm giác thoả mãn khát khao chiêm ngưỡng anh đào như người khách quý phương xa, tự nhiên hoà nhập vào các hoạt động lễ hội vui vẻ mô phỏng truyền thống Nhật Bản, thì những biện pháp ngăn chặn nguy cơ người dân phá hoa lại khiến có cảm giác đang tham dự hội chợ được trang trí bằng hoa anh đào.
Giá như người ta tế nhị hơn khi đặt những tấm bảng nhắc nhở "Thương hoa, lịch sự, thanh lịch", mà thực ra chúng cũng chả nổi bật tới mức đập được vào mắt để kiềm chế những người dân đang chen lấn chụp ảnh, thậm chí là sờ thử xem hoa anh đào có thật không, có… rụng không, bất chấp đội ngũ lực lượng bảo vệ sát đó. Rốt cuộc, sự đông đúc và cái oi nóng cuối xuân đầu hạ đã phá hỏng cảm giác tận hưởng không gian văn hoá anh đào của không ít người thực sự mong muốn có được.
Nhìn hình ảnh này, chúng ta không khỏi suy nghĩ về văn hoá ứng xử cộng đồng nơi công cộng |
Cảm giác thất vọng có lẽ sẽ theo đuổi nhiều người ít nhất là tới mùa lễ hội sau. Người ta mong muốn các biện pháp giáo dục ý thức văn hoá cộng đồng sẽ diễn ra không chỉ như một chiến dịch trước lễ hội và với những biện pháp phản cảm mà là tiến hành mọi nơi, mọi lúc sao cho đạt hiệu quả “lạt mềm buộc chặt”. Tất nhiên cũng ước ao nhà tổ chức sẽ không vì sợ hoa bị cướp phá ngay từ ngày đầu mà để dành tới hai ngày sau, khi hoa kỳ công mang từ xa tới đã tả tơi rơi rụng, mới trưng bày để khỏi sớm rã hội, như năm nay.
Và nữa, sự phối hợp của nhà quản lý văn hoá, cơ quan chức năng và địa phương tổ chức lễ hội để khắc phục những nhũng nhiễu ăn theo lễ hội như nạn chém đẹp giá trông giữ xe, xả rác bừa bãi tại các gian hàng ăn uống, lưu manh trộm cắp… sẽ khiến khách tham gia có được tâm lý thoải mái hơn ngay từ bước chân đầu tiên vào không gian anh đào. Thế mới biết nghề chơi thật lắm công phu. Để thoả mãn khát khao văn hoá anh đào, mỗi bên đều phải hoà nhập nhịp nhàng mới ra bản hoà tấu mê hoặc hồn người. Theo VnMedia