Công nhân bốc hàng lên một cần cẩu tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 7/6. (Nguồn: Reuters) |
Hậu quả của căng thẳng thương mại với Mỹ
Các nhà phân tích dự báo, sức ép đối với nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2019 sẽ tiếp tục giảm. Chính quyền có thể sẽ tăng cường các biện pháp kích thích trong nước, nhưng việc có thể đảo ngược xu thế tăng trưởng chậm lại hay không sẽ phụ thuộc vào cục diện thương mại Mỹ - Trung có thể bớt căng thẳng hay không.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ tháng 4-6/2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái - giảm 0,2% so với quý I/2019. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi ghi nhận số liệu liên quan vào năm 1992.
Trong nửa đầu năm 2019, về tổng thể nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,3%, nằm trong mục tiêu tăng trưởng hằng năm từ 6% - 6,5% được công bố chính thức. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc năm 2018 là 6,6%.
Căng thẳng thương mại với Mỹ chưa được giải quyết, các rủi ro kinh tế toàn cầu đang gia tăng, do vậy dư luận rất quan tâm việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị đứt tốc hay không.
Trong cuộc họp báo hôm 15/7, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Mao Thịnh Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, với tốc độ tăng trưởng 6,3% trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc vẫn đứng trong top những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ông cho biết "tình hình kinh tế trong và ngoài nước hiện nay vẫn còn phức tạp và nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại, những nhân tố bất ổn bên ngoài gia tăng, và vấn đề phát triển mất cân đối trong nước vẫn còn nổi bật, nền kinh tế đang phải đối mặt với sức ép giảm tốc mới".
Sự suy giảm về ngoại thương là một yếu tố kéo kinh tế Trung Quốc đi xuống. Trong tháng 6/2019, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2018, nhập khẩu còn nghiêm trọng hơn - giảm 7,3%. Điều này thể hiện rõ những thách thức kép của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ và nhu cầu trong nước chậm lại.
"Đây là lý do tại sao Bắc Kinh muốn chốt một thỏa thuận với Washington và họ đang ước gì đừng phá hỏng thỏa thuận ban đầu", ông Trump viết trên Twitter cá nhân sau khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số tăng trưởng kinh tế mới của nước này. (Nguồn: Reuters) |
Tia hi vọng mong manh?
Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn báo cáo nghiên cứu của nhà kinh tế quốc tế Lục Đình cho biết, Bắc Kinh sẽ tăng cường các biện pháp kích thích trong nửa cuối năm nay, nhưng thị trường không nên đặt kỳ vọng quá cao vào quy mô và thời gian kéo dài của các biện pháp này, các chính sách trong nước phụ thuộc rất lớn vào cục diện căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) hồi cuối tháng 6 vừa qua, các nhà đàm phán thương mại của hai nước đã trao đổi qua điện thoại. Tuy nhiên, triển vọng đàm phán vẫn chưa rõ ràng, sự tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại sẽ gia tăng sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Dù vậy, Vương Quân, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung Nguyên (Trung Quốc), cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng thể chậm lại, vẫn có một số điểm sáng trong các chỉ tiêu của nửa đầu năm 2019.
Ví dụ, việc làm mới ở các khu vực thành thị trên toàn quốc đã hoàn thành mục tiêu hằng năm (6,7%), thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng 6,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở cho tăng trưởng ổn định và thúc đẩy tiêu dùng.
Chuyên gia Vương Quân dự đoán, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2019 có thể tiếp tục giảm, nhưng sẽ ổn định về cơ bản trong khoảng từ 6% đến 6,5%. "Chính sách giảm thuế giảm phí, mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực tiêu dùng như xe hơi đang được cải thiện... dự kiến sẽ tiếp tục đóng vai quan trọng trong nửa cuối năm 2019... Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang dần khởi sắc, cho thấy không nên quá bi quan về thị trường trong thời gian tới", ông Vương Quân nói.
Cổ phiếu phổ thông RMB của Trung Quốc đã hồi phục sau khi chạm đáy ngày 15/7. Chỉ số sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite) đóng cửa tăng 0,4%, chỉ số sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến tăng 1,04% và chỉ số khởi nghiệp (GEM) tăng 1,94%.
Phân tích cũng chỉ ra rằng công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng của tháng 6/2019 tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường, đưa ra tín hiệu cho thấy xu thế vận hành kinh tế đang ổn định và các biện pháp kích thích trước đó đang đóng vai trò trung hòa tác động của cuộc chiến thương mại.
Trước câu hỏi liệu kinh tế Trung Quốc có phải đối mặt với sức ép chưa từng có trong nhiều năm qua hay không, Vương Tịnh Văn - chuyên gia phân tích vĩ mô cấp cao tại Viện nghiên cứu ngân hàng Dân sinh Trung Quốc (CMBC) - cho rằng về lâu dài, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và trung bình trong tương lai sẽ khó khăn hơn. Ông Vương Tịnh Văn nêu rõ: "Nếu có một viễn cảnh dài hạn và mang tính cơ cấu như vậy, sức ép ngắn hạn đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có thể sẽ nhiều hơn".
Cũng theo chuyên gia của CMBC, thách thức chủ yếu trong nửa cuối năm 2019 là chính sách có thể sẽ bị thiếu lực, bởi vì chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trước đó đã "tung hết mã lực".