Tuy nhiên, dù tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với 70,36/100 điểm, thì PCI của Quảng Ninh vẫn giảm nhẹ so với mức 70,69 điểm của năm 2017. Và đặc biệt, cùng với “quán quân”, các tỉnh, thành phố thuộc top 10 đều có PCI 2018 chỉ tương đương với 2017, thậm chí giảm nhẹ và không có nhiều biến chuyển.
Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho tỉnh Quảng Ninh quán quân PCI năm 2018. (Nguồn: Vietnam+) |
Sự chững lại của tốp đầu là dấu hiệu đáng lo ngại, khi các địa phương đã thực hiện thành công các cải cách tương đối dễ, như đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư… nhưng những nhóm cải cách khó hơn, liên quan đến đất đai, phối hợp các sở ban ngành, các điểm “nhạy cảm”thì đang gặp khó khăn. Vậy có phải khuôn khổ thể chế đang bó buộc các địa phương đột phá, tìm hướng đi mới? Điều này cho thấy, việc các cơ quan nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương trong việc tăng cường liêm chính là vấn đề rất cần thiết.
Lý giải cho vị trí mới của Quảng Ninh, là họ đã tận dụng tốt sức mạnh của mạng xã hội để nắm bắt và giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời ủng hộ mô hình “cà phê doanh nhân” – chính thức đưa việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp thành thông lệ. Còn lý do của Đà Nẵng, sau 5 năm từng ở vị trí số 1 giờ tụt xuống thứ 5, phản ánh đúng thực tế về hàng loạt “điểm nghẽn” giữa doanh nghiệp, các nhà đầu tư với Chính quyền địa phương. Như vậy, nhận định “cuộc đua” PCI đã trở thành cuộc đua giữa chính quyền các tỉnh, thành, tạo sức ép khiến các địa phương buộc phải thay đổi, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn là có căn cứ.
Tuy nhiên, từ đây cũng cho thấy, con người vẫn là trọng tâm của mọi cải cách và bứt phá. Mọi nỗ lực vươn lên không ngừng dù là nhỏ nhất trên mọi phương diện của một Chính quyền địa phương đều có thể góp phần quyết định đến chỗ đứng của họ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Mà ở đây, Đà Nẵng bị cho là đã “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, sự tụt hạng này là cơ hội để thành phố phải tiếp tục cải cách, dù là khó khăn.
Đây là năm thứ 14, chỉ số PCI – một thước đo về hiệu quả của cải cách và minh bạch trong điều hành của chính quyền 63 tỉnh, thành - được công bố, nhưng chỉ số về tình trạng nhũng nhiễu, “bôi trơn” vẫn ở mức 58% và 54%, trên 48% cho biết còn phải chi phí hoa hồng để có cơ hội thắng thầu. Dù đã thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ này trong báo cáo năm 2017, nhưng thực tế cho thấy, phần nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với sự tồn tại vốn đã gây bức xúc trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, nhiều năm qua. Và bên cạnh những cải thiện về môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả cho các chi phí không chính thức ở mức cao.
Nhưng dẫu sao, điểm sáng năm nay là hiện tượng “tham nhũng vặt” - chi phí bôi trơn quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Môi trường kinh doanh được đánh giá đã bình đẳng hơn, sự ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp đã giảm... Cải thiện những điểm số này sẽ tiếp tục là những mục tiêu mà nền kinh tế đang hướng tới.
Như vậy, “cuộc đua” PCI đã thực sự tạo nên sức ép đối với các địa phương để buộc phải thay đổi, phải tự nhìn nhận lại bản thân, tìm tòi các giải pháp nhằm duy trì và cải thiện vị trí. Từ đó, như hy vọng của người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, “mong muốn Xếp hạng không phải là đích đến, mà là nơi chia sẻ kinh nghiệm hay, thúc đẩy cải cách để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh mới cho nền kinh tế nước nhà”.