📞

Thấy gì trong phát biểu kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng 9/5 của Tổng thống Nga Putin?

Quang Hiếu 16:25 | 11/05/2021
Theo giới quan sát chính trị tại Nga, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 76 năm chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc (9/5/1941-9/5/1945), Tổng thống Vladimir Putin đã đi lệch khỏi một số quy tắc quen thuộc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga, ngày 9/5, nhân kỷ niệm 76 năm ngày chiến thắng phát xít, kết thúc Thế chiến II. (Nguồn: AP)

Trong Lễ duyệt binh quy mô lớn trên quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng phát xít trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ phát biểu trong một thời gian dài bất thường, mà lần đầu tiên kể từ năm 2000, ông chủ Điện Kremlin đánh giá lại quy mô của các mối đe dọa quốc tế và sự sẵn sàng đối thoại của Nga với thế giới bên ngoài.

Độ dài và độ sâu

Theo trang mạng Telegraf, về khối lượng từ ngữ, bài phát biểu lần này gồm 5.654 ký tự (theo văn bản được công bố trên trang web chính thức của Điện Kremlin, nhiều hơn 500 từ so với bài phát biểu của năm 2020 (5.000 ký tự), 2019 (5.429 ký tự), 2015 (5.283 ký tự), 2005 (5.371 ký tự).

Đáng chú ý, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga không chỉ độc đáo về hình thức mà còn ở cách lập luận. Đơn cử như, nếu năm 2015, nhà lãnh đạo Nga lên tiếng cảm ơn nhân dân của các nước Anh, Pháp, Mỹ đã đóng góp vào chiến thắng, thì lần này, ông Putin nhấn mạnh rằng Liên Xô phải một mình chống lại phát xít Đức trong những trận đánh mang tính quyết định.

Ông Putin nhấn mạnh: “Trong thời điểm khó khăn nhất của chiến tranh, trong những trận đánh mang tính quyết định kết quả của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, nhân dân ta chỉ có một mình đơn độc trên con đường gian khổ, anh dũng, hy sinh để đến với chiến thắng".

Theo Tổng thống Nga, những chiến binh vệ quốc đã chiến đấu cho đến chết trên mọi chiến tuyến, trong những trận chiến ác liệt nhất trên bộ, trên biển và trên bầu trời. Tất cả người dân Nga thuộc mọi quốc tịch, tôn giáo đã chiến đấu bảo vệ từng tấc đất trên mảnh đất quê hương: những cánh đồng ngoại ô Moscow, những vách đá Karelian và đèo Caucasus, rừng Vyazma và Novgorod, bờ biển Baltic và Dnepr, sông Volga và thảo nguyên sông Đông.

Một số nhà quan sát phát hiện ra khác biệt nhỏ nhưng rất đáng chú ý trong lời ông Putin đọc trước buổi lễ và trong văn bản.

Theo đó, tại buổi lễ, ông Putin dùng cụm từ “nhân dân ta chỉ có một mình đơn độc trên con đường gian khổ, anh dũng, hy sinh để đến với chiến thắng”, nhưng văn bản được công bố lần đầu tiên trên trang web chính thức của Điện Kremlin dùng từ “nhân dân ta là một khối thống nhất trên con đường gian khổ, anh dũng, hy sinh để đến với chiến thắng”.

Sau đó câu chữ trong văn bản công bố được sửa lại như lời ông Putin đọc trước công chúng. Những thay đổi bất thường về cách sử dụng từ ngữ như vậy không chỉ phản ánh dấu ấn cá nhân, mà còn cho thấy ông chủ Điện Kremlin muốn phát đi thông điệp rõ ràng đối với phương Tây.

Một điểm khác với truyền thống trong bài phát biểu của ông Putin là về các mối đe dọa hiện nay. Trong những năm trước, nhà lãnh đạo Nga thường xác định một thách thức mà cộng đồng thế giới phải đối mặt: Từ năm 2002 đến năm 2005, đó là chủ nghĩa khủng bố; từ năm 2006 đến năm 2007 là chủ nghĩa cực đoan; từ năm 2012 đến năm 2013 là sự can thiệp từ bên ngoài; năm 2015 là nỗ lực tạo ra một thế giới đơn cực; năm 2019 là mưu toan bóp méo sự thật lịch sử.

Tuy nhiên, năm nay vị Tổng thống Nga nói về nhiều vấn đề mang tính đe dọa cùng một lúc, bao gồm chủ nghĩa cực đoan, các nhóm khủng bố quốc tế, những người đi theo và ủng hộ cho "những kẻ phản bội và tội phạm, những kẻ mà trên tay chúng là máu của hàng trăm nghìn người dân thường”.

Trước đây, sau những lời lẽ về các mối đe dọa trên thế giới, Tổng thống Putin thường đề cập đến sự sẵn sàng của Nga trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực an ninh, nhưng lần này tín hiệu như vậy lại bặt vô âm tín.

Thay vào đó, ông chủ Điện Kremlin tập trung nhấn mạnh việc bảo vệ lợi ích quốc gia trong tình hình mới: “Nga nhất quán bảo vệ luật pháp quốc tế, trong khi cũng sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm bảo an ninh cho người dân của chúng tôi. Những đảm bảo đáng tin cậy cho điều này là các Lực lượng vũ trang anh dũng của Nga, những người kế tục của những người lính chiến thắng. Và tất nhiên, công việc chung của chúng ta vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của các gia đình Nga”.

Những bài phát biểu hàng năm nhân dịp Ngày Chiến thắng thường được ông Putin tận dụng để đưa ra những tín hiệu, phản ánh bối cảnh hiện đại và nhấn mạnh những yếu tố quan trọng cấp bách đối với nước Nga. (Nguồn: AP)

Minh chứng cho chính sách mới của Nga trong quan hệ với phương Tây

Bình luận về bài phát biểu, chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Chính trị đương đại Mikhail Karyagin cho rằng những bài phát biểu hàng năm nhân dịp Ngày lễ Chiến thắng thường được ông Putin tận dụng để đưa ra những tín hiệu, phản ánh bối cảnh hiện đại và nhấn mạnh những yếu tố quan trọng cấp bách. Tuy nhiên, bài phát biểu năm nay "mang tính phân loại hơn những bài trước".

Ông Karyagin giải thích: “Đây là một phản ứng đối với tình hình chính sách đối ngoại ngày càng trầm trọng hơn”.

Trong khi đó, cựu nhân viên của Văn phòng Tổng thống Nga - nhà khoa học chính trị Dmitry Zhuravlev - khẳng định rằng sau sự kiện ở Ukraine năm 2014 (Nga sáp nhập bán đảo Crimea), những bài phát biểu trong Ngày lễ Chiến thắng đã trở thành một trong những lựa chọn để ông chủ Kremlin bày tỏ lập trường với thế giới bên ngoài.

Theo chuyên gia này, bài phát biểu năm nay của ông Putin là minh chứng cho một chính sách mới của Nga trong quan hệ với phương Tây. Ông Zhuravlev lưu ý đoạn văn bản nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Liên Xô một mình đơn độc chiến đấu và đi đến chiến thắng. Việc ông Putin lựa chọn phương án diễn đạt như vậy là sự phản ánh tình hình hiện tại trong quan hệ với châu Âu và phương Tây nói chung.

Chuyên gia Nga phân tích câu nói "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nước đối thoại, nhưng nó không tự nhiên diễn ra" của Tổng thống Nga cho thấy rằng Moscow sẽ bảo vệ lợi ích của mình một cách cứng rắn hơn để tiếng nói được lắng nghe.

Nghị sĩ Duma Quốc gia Elena Panina cho rằng bài phát biểu của ông Putin hàm chứa thông điệp rằng Moscow không chấp nhận cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà Mỹ và phương Tây đang nỗ lực thực thi.

Theo bà Elena Panina, khi nhấn mạnh “Nga nhất quán bảo vệ luật pháp quốc tế, trong khi chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm bảo an ninh cho người dân của chúng tôi”, nhà lãnh đạo Nga đã thể hiện rõ rằng Moscow không chấp nhận cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.

Nữ nghị sĩ Nga chỉ rõ những quy tắc này được đặt ra ở Washington và ngày càng được các quan chức Mỹ sử dụng nhiều hơn. Theo bà, thuật ngữ "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" chính là ý đồ mà Mỹ muốn thay thế thuật ngữ “luật quốc tế”.

"Đó là lý do mà nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow nhất quán bảo vệ luật pháp quốc tế, nhưng sẽ không từ bỏ lợi ích quốc gia của mình", nữ nghị sĩ Nga nhấn mạnh.

(theo Telegraf)