Người lao động về quê. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Tôi cũng là người con xa quê. Do vậy, khi nhìn dòng người về quê, bất chấp một số quy định, kể cả nguy hiểm trên đường dài, sự khắc nghiệt của thời tiết, phải mang theo vợ bầu con nhỏ… tôi rất cảm thông, thương xót vô cùng.
Không ai muốn về quê trong tình cảnh khó khăn, không có tiền bạc sau nhiều tháng bó gối trong những khu trọ vì giãn cách kéo dài. Nhưng ở lại là lựa chọn chẳng thể vì tương lai cũng mịt mùng phía trước, chưa có gì chắc chắn, tâm lý tổn thương nặng nề do luôn sống nơm nớp trong mấy tháng trời.
"Chấp nhận xa quê là chấp nhận đánh đổi, rời xa nơi thân thuộc để bắt đầu cuộc sống mới thì ít ra nơi đó phải an toàn, đủ sống hơn một chút. Khi người dân không tìm thấy được điều đó ở giai đoạn nào đó thì họ sẽ không trụ lại, hình thành nhu cầu hồi hương, trước tiên là để thỏa lòng mong nhớ rồi mới tính chuyện dài lâu". |
Dường như, ý niệm trở về quê nhà của hàng trăm nghìn con người Bắc-Trung-Nam này đã được khởi lên, nuôi lớn hàng ngày hàng giờ kể từ khi những lệnh giãn cách bắt đầu tăng dần cấp độ, gia hạn thời gian nhiều đợt kể từ ngày 31/5.
Họ, đa số là người nghèo khổ. Họ chọn cách rời quê cầu thực theo tiếng gọi của nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp nhiều cơ hội việc làm, cũng có nghĩa là nhiều cơ hội đổi đời để đến. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có dịch bệnh thì lương công nhân, lao động phổ thông, lao động tự do của họ đã là khiêm tốn, sống tạm bợ qua ngày.
Tất nhiên, đời sống của họ chỉ đỡ hơn một chút so với cảnh làm việc thời vụ ở quê nhà nhưng không thể nói dư dả để có thể chịu đựng được một “trận đánh” kéo dài những 4 tháng “ăn ở không” trong cảnh mỏi mệt, lo sợ. Từ cái ăn bị thiếu, tiền mặt không có xoay sở khi con đau, vợ bệnh đến cách xa quê nhà có mẹ yếu cha già, cộng thêm nỗi lo dịch bệnh có thể “xẻ nghé tan đàn” bất cứ khi nào nơi đất khách, ai không muốn về lại “nơi cắt rốn chôn nhau”?
Có mắm ăn mắm, có rau ăn rau, đó là điệp khúc thôi thúc họ trở về lại nơi mà họ và cha ông gắn bó - nó có sự an toàn riêng, nhất là trong tinh thần. Con người đôi khi đói khổ vật chất chút sẽ qua nhưng cái đói lạnh tinh thần một khi đã ăn vào tâm can, khiến ăn không ngon, ngủ không yên, tính ra khổ hơn rất nhiều.
Chấp nhận xa quê là chấp nhận đánh đổi, rời xa nơi thân thuộc để bắt đầu cuộc sống mới thì ít ra nơi đó phải an toàn, đủ sống hơn một chút. Khi người dân không tìm thấy được điều đó ở giai đoạn nào đó thì họ sẽ không trụ lại, hình thành nhu cầu hồi hương, trước tiên là để thỏa lòng mong nhớ rồi mới tính chuyện dài lâu.
"Vấn đề đặt ra cho tất cả các địa phương có con em đi từ vùng dịch về là cần có phương án ứng phó phù hợp, từ cách ly y tế đến giúp đỡ họ. Tránh gây phiền hà hay kỳ thị dân từ vùng dịch cũng là điều mà địa phương nên quán triệt". |
Thực ra, với họ, từ lâu rồi, cuộc sống chỉ là những tính toán ngắn hạn, ngay cả tìm việc làm cũng là đắp đổi qua ngày, qua tuần, qua tháng, có tính được gì dài lâu đâu. Do vậy, khi chúng ta không ở vị trí của họ, không đặt mình vào họ thì dễ buông lời “sao họ cạn nghĩ vậy”, “về quê lúc này cũng khổ chứ có sướng gì đâu, cũng đâu có việc làm”. Nhưng, có ai hiểu được sâu xa lòng người.
Rất may, trước dòng người về quê đó, nhiều địa phương đã mở cửa đón dân, một số nơi như Đồng Nai, Bình Dương còn cho xe cảnh sát dẫn đoàn người về quê trong an toàn hơn, không ngăn rào cấm đoán. Hay hầm đèo Hải Vân cũng lần đầu tiên được mở để dòng người được đi qua an toàn dưới sự hỗ trợ của lực lượng chức năng.
Thực tế này đương nhiên đặt ra cho tất cả các địa phương có con em đi từ vùng dịch về cần có phương án ứng phó phù hợp, từ cách ly y tế đến giúp đỡ họ (vì họ đã khổ nhiều rồi). Tránh gây phiền hà hay kỳ thị dân từ vùng dịch cũng là điều mà địa phương nên quán triệt. Đừng quên, nhiều người rời quê đi làm ăn xa cũng phần nào góp phần cùng địa phương xóa đói giảm nghèo khi năng lực của địa phương chưa thể giúp họ thoát nghèo ngay mảnh đất họ được sinh ra.
Và lần này họ về là vạn bất đắc dĩ như đã nói chứ không ai muốn phải “phá rào, vượt chốt” hàng ngàn cây số trong bao hiểm nguy để về như vậy cả. Hiểu để mà thương.
Một cái an ủi khác, trên đường về của bà con đã nhận được nhiều tình thương, sẻ chia ấm áp. Một phần cơm, một gói xôi, chiếc bánh bao hay lít xăng 0 đồng… là nghĩa tình đồng bào ấm nóng, tiếp sức dễ thương. Lẽ nào, những người không quen biết và không mang trách nhiệm gì với dân còn làm được vậy mà địa phương lại lạnh lùng quay mặt, gây khó thêm cho người hồi hương?
Tất nhiên, với từng người về quê từ tâm dịch, bản thân cũng phải có ý thức cộng đồng, hiểu rõ nguy cơ mình mang về để tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cách ly y tế, an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đó cũng chính là giúp mình không bị địa phương làm khó.
Ngược lại, sẽ tạo hình ảnh xấu, khiến mọi người nghĩ rằng ai về quê cũng “bất tuân” quy định, gây lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Cơ chế chính sách khi đó sẽ siết hơn đối với người về quê chính đáng, đàng hoàng khác chỉ vì một số ít gây nên.
Trong ngày 7/10, một Đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề rất hay, sao không dùng các phương tiện công cộng đón dân về cho an toàn mà để họ tự chạy xe máy về, đường xa bao nguy hiểm?
Dịch giã làm lộ ra nhiều thứ, trong đó có năng lực quản trị của nhiều địa phương như trong đợt họp trực tuyến với Thủ tướng, một số lãnh đạo đã không nắm rõ số liệu, báo cáo chung chung.
Và từ đợt dịch cho thấy, tầm nhìn liên quan đến dân sinh của một số địa phương còn hẹp, có lẽ do chưa lắng nghe sâu nguyện vọng người dân nên đã bị động trong nhiều ứng xử. Bởi thế mới có ứng xử với dòng người về quê, mỗi nơi một kiểu, mỗi địa phương một chủ trương, chậm chạp để dân phải đói khổ trên đường, làm bao người phải rơi nước mắt…