Nhiều sáng tạo, tìm tòi
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục nhằm khắc phục căn bản những yếu kém, bất cập như tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo; số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đông và ngày càng tăng; phân bổ ngân sách, nguồn lực không hiệu quả, tạo cơ chế xin-cho…
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh có cơ chế để các trường phổ thông được tự chủ, tự quản. |
Các nguyên tắc, yêu cầu được đề ra là rà soát, sắp xếp, tổ chức lại cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, “một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ”, việc nào tư nhân làm tốt thì có cơ chế thu hút, khuyến khích, đặt hàng; tăng cường phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện “đặt hàng, thuê hàng” một số gói dịch vụ của y tế, giáo dục...
Trong lĩnh vực giáo dục, Quảng Ninh đã sắp xếp, giảm được 9 trường học, 122 điểm trường, 463 lớp học, 757 cán bộ, giáo viên. Qua đó ngành giáo dục đã giảm được 712 người hưởng lương từ ngân sách; giảm 254 nhân viên kế toán, văn thư, y tế, thư viện; giải quyết chế độ cho 404 giáo viên, nhân viên dôi dư.
Ngành y tế đã tiến hành sáp nhập các đầu mối y tế tuyến huyện; chuyển trạm y tế xã, phường về trung tâm y tế huyện quản lý; điều chỉnh quy mô trạm y tế xã, phường theo 3 mô hình là thực hiện đầy đủ chức năng (77 trạm), duy trì phòng dịch (57 trạm), duy trì phòng dịch và các dịch vụ khác (52 trạm). Qua đó thực hiện chỉ tiêu giao biên chế thấp hơn 41,5% so với định mức, giảm 8 đầu mối, 38 bộ phận khoa phòng chức năng ở trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa huyện sau khi sáp nhập.
Cơ chế phân bổ ngân sách được tái cơ cấu theo sản phẩm đầu ra thay cho theo đầu vào, tăng phần tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, chuyển sang hình thức đặt hàng dịch vụ công ích, chuyển phí sang cơ chế giá, xây dựng quy hoạch mạng lưới dịch vụ sự nghiệp công.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo, và rất trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục, y tế. Những kinh nghiệm, mô hình của Quảng Ninh là điển hình cần được nhân rộng, góp phần quan trọng vào quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng thăm Trường Tiểu học Yên Thanh, TP. Uông Bí. |
Cần tự chủ, tự quản trong trường phổ thông
Thăm Trường Tiểu học Yên Thanh, TP. Uông Bí, Phó Thủ tướng cho biết cảm nhận đầu tiên khi bước vào ngôi trường này là sự nền nếp, sạch sẽ, ngăn nắp. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Trinh cho biết nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học như: Đổi mới chương trình, đánh giá học sinh theo Thông tư 22, thực hiện mô hình dạy học theo chương trình công nghệ giáo dục tiếng Việt 1, dạy học theo phương pháp “bàn tay nặn bột”…
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại Trường Yên Thanh, Phó Thủ tướng cho rằng quan điểm xuyên suốt trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới là bên cạnh việc “dạy chữ”, thì rất chú trọng việc “dạy người”, bằng các hoạt động giáo dục cho các em về đạo đức, nhân cách, lối sống qua những hành động cụ thể như trực nhật, lao động vệ sinh trường lớp, tập thể dục giữa giờ, chào cờ, thái độ ứng xử hằng ngày…
Tại cuộc làm việc sau đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thời gian qua đã từng bước giải quyết căn cơ các vấn đề nóng trong lĩnh vực giáo dục như thi cử, ban hành cơ cấu hệ thống và khung trình độ quốc gia theo chuẩn quốc tế; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới… Cùng với đó, sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, bước tiếp theo là đổi mới cơ chế, chính sách quản lý, quản trị giáo dục,..
“Tinh thần chung là có sự quản lý Nhà nước thống nhất trên toàn quốc, nhưng đồng thời phát huy tối đa tính tự chủ, sáng tạo và năng động của địa phương, không dàn hàng ngang, không để người làm tốt, năng động đi trước phải đợi người đi sau”, Phó Thủ tướng nói và ví dụ trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế dựa trên mặt bằng chung của cả nước, còn các địa phương cần chủ động, linh hoạt triển khai”.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý sự chủ động này phải xuống được đến từng trường từng cơ sở giáo dục đào tạo của địa phương.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện tự chủ đại học cho thấy tự chủ là thuộc tính khách quan, tất yếu của các cơ sở giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh có cơ chế để các trường phổ thông được tự chủ, tự quản, cả về chuyên môn lẫn nhân sự, bộ máy, thực hiện đầy đủ dân chủ trong trường học, đây là điều kiện nền tảng để nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường, giáo dục nhân cách cho học sinh ngay từ nhỏ trong môi trường dân chủ lành mạnh, thương yêu nhau.
“Quảng Ninh cần đẩy mạnh triển khai theo hướng này, cùng với các địa phương khác đúc kết bài học, kinh nghiệm, cơ sở thực tiễn để ngành giáo dục xây dựng quy định về thực hiện tự chủ, tự quản, phát huy dân chủ thực chất trong nhà trường, từng cấp học”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng thăm Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên. |
Đi trước trong chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở
Đối với lĩnh vực y tế, qua báo cáo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều sáng tạo về mô hình, cơ chế nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, thu hút được nhiều bác sĩ giỏi, không làm tăng biên chế, giảm đầu mối, khoa, phòng chuyên môn.
Tới thăm Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, Phó Thủ tướng đã thăm hỏi, trò chuyện với các bệnh nhân, nhân viên y tế đang làm việc tại đây.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cho biết, sau khi đơn vị này được đầu tư xây mới vào năm 2016, số lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày càng đông. Trung tâm được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp, phòng mổ, hệ thống xét nghiệm miễn dịch hiện đại… giúp giảm mạnh tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến.
“Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại là rất tốt, nhưng cùng với đó phải tăng cường đào tạo đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên để sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng xét nghiệm, trục lợi bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chiều 11/5, Phó Thủ tướng đề cập đến sự “yên tĩnh” khi đến thăm Trạm Y tế phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên. Đây là thực trạng chung ở nhiều địa phương, đó là “bệnh viện thì ồn ào, náo nhiệt, bệnh nhân chờ đợi còn ở trạm y tế thì vắng vẻ”.
Với điều kiện cơ sở vật chất của y tế cơ sở tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải thay đổi mạnh mẽ về tư duy, đi trước một bước trong việc chăm sóc sức khỏe người dân tại trạm y tế. Đây không chỉ là nơi khám chữa bệnh ban đầu, thực hiện y tế dự phòng, tiêm chủng… mà tiến tới thực hiện quản lý, chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho từng người dân trên địa bàn, kể cả những người mắc bệnh mãn tính, thay vì phải lên bệnh viện tuyến trên vừa tốn thời gian, chi phí vừa gây quá tải, bức xúc.
Bên cạnh đó, những trạm y tế được xây dựng tương đối khang trang, bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt, hoàn toàn có thể mời đến bác sĩ giỏi ở bên ngoài, bác sĩ nghỉ hưu, thầy thuốc đông y tham gia làm việc, thậm chí có phòng khám riêng ở ngay tại trạm.
Phó Thủ tướng thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên. |
“Càng nhiều bác sĩ giỏi về trạm y tế thì uy tín của trạm càng tốt và người dân càng tín nhiệm”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thay vì xây dựng chính sách y tế nghiêng về thầy thuốc như trước, tới đây chính sách sẽ “nghiêng về người dân”, sẽ có những thay đổi lớn, căn bản trong việc xây dựng chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phó Thủ tướng cũng đã trực tiếp giải đáp và yêu cầu đại diện các bộ, ngành trả lời một số kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến bảo hiểm y tế, chế độ, biên chế đối với cán bộ y tế, giáo viên hợp đồng, trường chuyên biệt, nội trú, quy định về trường chuẩn quốc gia…