Tuần này, chính quyền của Tổng thống Trump có cơ hội bắt đầu đàm phán lại Hiệp định NAFTA một cách xây dựng để tăng cường tự do hóa và tính cạnh tranh ở khu vực. Tuy nhiên, dù cho ông Trump đã từng gọi “NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử” có hại cho nước Mỹ, thì việc đàm phán lại hiệp định này lại có khả năng cải thiện NAFTA, vốn được coi là thiếu sự đổi mới so với các hiệp định thương mại gần đây.
Ba cách cải thiện NAFTA
Việc đàm phán lại NAFTA sẽ không đơn giản chỉ là mong muốn của riêng Tổng thống Trump nữa. Giới doanh nhân thay vì thu mình lại vì lo sợ, nên tận dụng việc đàm phán này để hiện đại hóa NAFTA và cố gắng mở rộng tiến trình tự do hóa của một hiệp định đã thương lượng từ cách đây 23 năm.
Hiện Canada và Mexico là thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ, chiếm tới 34% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ, và Mỹ vẫn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của cả hai nước láng giềng Bắc Mỹ. Mặc dù những người chỉ trích cho rằng NAFTA khiến người Mỹ mất việc làm, báo cáo năm 2016 của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cho thấy hiệp định này đã giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhẹ và hầu như không có sự thay đổi trong toàn bộ việc làm ở Mỹ.
Đàm phán lại NAFTA là cơ hội để các bên hiện đại hóa Hiệp định và cố gắng mở rộng tiến trình tự do hóa thương mại. (Nguồn: Watching America) |
Có 3 cách chính có thể giúp cải thiện NAFTA. Thứ nhất, NAFTA có hiệu lực từ lúc Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg mới 9 tuổi và khi đó thương mại điện tử trong thương mại quốc tế chưa được coi trọng như hiện nay. Trong những năm qua, Mỹ đã bổ sung thêm các điều khoản ngày càng phức tạp hơn về thương mại điện tử vào các hiệp định thương mại tự do khác, đỉnh cao là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Trump vừa tuyên bố từ bỏ. Là một phần trong chương trình đàm phán lại NAFTA, các điều khoản về thương mại điện tử có thể được cập nhật thêm để giúp NAFTA đi đầu trong lĩnh vực này.
Thứ hai, trong vài thập kỷ triển khai thực hiện NAFTA, một số sai sót đã bộc lộ rõ. Ví dụ, điều khoản tranh chấp cốt lõi (Chương 20) đã không hoạt động. Điều khoản này cho phép các chính phủ có quyền khiếu nại khi họ tin rằng các chính phủ đối tác đã vi phạm các quy định. Điều khoản bảo vệ các chính phủ đôi khi có thể ngăn cản việc khiếu kiện chống lại họ, như trường hợp đơn khiếu nại của Mexico hồi năm 2000 nhằm chống lại các hàng rào thuế quan của Mỹ đối với đường ăn đã không bao giờ được trình lên ủy ban giải quyết tranh chấp, do Mỹ cố tình ngăn chặn tiến trình này. Bởi vậy, cần có các quy định mới trong vấn đề này, nhằm đảm bảo các vụ kiện như thế có thể được thực thi.
Hai điều khoản tranh chấp chuyên ngành khác liên quan đến các quy định về đầu tư (Chương 11) và xem xét thuế chống bán phá giá (Chương 19), cũng có thể được xem xét lại và có khả năng có một số sửa đổi bổ sung, vì những điều khoản này đã làm dấy lên những lo ngại về vai trò thực sự của các tòa án quốc tế và sự cân bằng giữa quyền lực quốc gia và quốc tế. Chính phủ 3 nước trên nên tiến hành xem xét lại các điều khoản này để xem liệu đây có phải là phương tiện hiệu quả nhất hay không để đạt được các mục tiêu đã đề ra do điều kiện thực tế đã thay đổi qua nhiều năm.
Thứ ba, NAFTA đã loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các loại hàng hóa, nhưng vẫn có một vài ngoại lệ. Nỗ lực đàm phán lại có thể và nên giải quyết vấn đề hàng rào bảo hộ trong những ngoại lệ đó. Chẳng hạn, các thị trường dịch vụ như viễn thông và phát thanh truyền hình vốn không có mặt trong NAFTA, nay có cơ hội để các bên bàn bạc, thêm chí mở rộng thêm các lĩnh vực mà NAFTA không thể đoán trước vào thời điểm đó, như giáo dục hay y tế.
Cảnh giác với “thuốc độc” bỏ vào NAFTA
Đồng thời, các bên nên cảnh giác với những ai “bỏ thuốc độc” bảo hộ vào NAFTA mới. Chẳng hạn, một số nhân vật trong Chính quyền của Tổng thống Trump đã nhắc đến việc đàm phán lại về thâm hụt thương mại, theo đó NAFTA có thể được đàm phán lại nếu thâm hụt thương mại của Mỹ tăng sau khi ký NAFTA mới. Đây là một ý tưởng nguy hiểm. Các đối tác thương mại của Mỹ không chắc sẽ đồng ý với một điều khoản như vậy và Quốc hội Mỹ cũng không nên chấp nhận. Bởi hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, nguyên nhân của thâm hụt thương mại rất phức tạp và thường phản ánh các yếu tố kinh tế vĩ mô hơn là các điều khoản của thỏa thuận thương mại.
Hơn nữa, các đề xuất khác như thay đổi các quy định thu mua của chính phủ để cho phép sử dụng rộng rãi các điều khoản “Mua hàng Mỹ” cũng sẽ là một bước lùi đối với tự do hóa. Các chính sách “Mua hàng Mỹ” có thể đánh trúng tâm lý của một số cử tri Mỹ, nhưng không có gì ngoài mục đích bóp méo thị trường bảo hộ truyền thống, hạn chế cạnh tranh và làm tăng chi phí cho các dự án này, dẫn đến việc các đối tác thương mại của Mỹ cũng sẽ áp dụng các chính sách tương tự gây thiệt hại cho hàng hóa và các nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ.
Chính quyền Trump cũng đã đề cập việc củng cố các quy định xuất xứ, yêu cầu xác định một sản phẩm có đủ điều kiện để được miễn thuế nhập khẩu hay không. Các quy định xuất xứ của NAFTA được xem là nghiêm ngặt nhất trong tất cả các thỏa thuận thương mại trên thế giới. Việc củng cố những nguyên tắc này bác bỏ tính chân thực của thương mại quốc tế ngày nay, nơi mà mọi thứ không chỉ có xuất xứ từ một nơi. Trên thực tế, 15% lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ có hàm lượng nước ngoài và con số này còn tăng theo thời gian.