📞

Thế giới chờ… các nền kinh tế lớn phục hồi

14:47 | 07/01/2016
Bức tranh ngày càng tối ở các nước mới nổi là lý do lớn nhất khiến kinh tế thế giới năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng dưới 3%.

Trong Báo cáo về dự báo tăng trưởng toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra những nhận định khá bi quan về kinh tế thế giới trong năm 2016. Theo đó, Tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn 2,9%, so với mức 3,3% đưa ra hồi tháng Sáu. Năm 2015, kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4%, thấp hơn so với mức dự báo 2,8% trước của World Bank và thấp hơn mức 2,6% của năm 2014.

WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016. (Nguồn:Nation)

Bức tranh đang tối đi ở các thị trường mới nổi là lý do lớn nhất khiến kinh tế thế giới bước vào năm thứ 5 liên tiếp có mức tăng trưởng dưới 3%. Đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến thị trường hàng hóa tiếp tục suy sụp và ảnh hưởng tiêu cực đến một loạt các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil, Nga… Các thị trường mới nổi khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia… cũng bị ảnh hưởng nặng nề do xuất khẩu suy giảm, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Đó là lý do WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc còn 6,3%, giảm so với dự báo trước đó là 6,7%, cũng như tăng trưởng ước tính 6,4% trong năm 2015. Kinh tế Brazil sẽ suy giảm 2,5% trong năm nay, trong khi kinh tế Nga giảm 0,7%... Các nước đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8%, thấp hơn dự báo hồi tháng Sáu là 5,4%. WB cho rằng, năm 2016, các thị trường mới nổi sẽ phải đấu tranh trong bối cảnh suy thoái của Trung Quốc và sự sụt giảm mạnh của giá cả hàng hóa. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia đang phát triển còn cần phải chú ý đến tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh.

Trong khi đó theo WB, tăng trưởng của kinh tế thế giới năm nay phần lớn là nhờ đóng góp của các quốc gia phát triển, trong đó có nền kinh tế số một thế giới – Mỹ. Phó Chủ tịch cao cấp WB, Kaushik Basu nhận định: “Kinh tế thế giới sẽ cần phải thích nghi với một thời kỳ mới trong đó các thị trường mới nổi tăng trưởng khiêm tốn hơn. Và đặc trưng của thời kỳ này là giá hàng hóa sụt giảm và dòng chảy vốn cũng như thương mại lu mờ”. Tuy nhiên, theo Giám đốc Nhóm Triển vọng Phát triển (WB) Ayhan Kose, sự tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến sẽ chỉ bù đắp được một phần rủi ro của việc thị trường mới nổi lớn tiếp tục suy yếu.

Dự báo tăng trưởng cho kinh tế Mỹ cũng bị hạ từ 2,8% xuống còn 2,7% với nguyên nhân là đồng USD tăng giá mạnh, cao nhất trong 13 năm qua, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Trong khi đó chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì tại Nhật Bản và Eurozone hỗ trợ đà phục hồi kinh tế mong manh.

Dù vậy, WB cho rằng, triển vọng kinh tế thế giới sẽ được củng cố, nếu các nền kinh tế lớn phục hồi đáng kể, giá hàng hóa ổn định và lãi suất tiếp tục ở mức thấp. Kinh tế toàn cầu sẽ được hỗ trợ phần nào khi Trung Quốc chuyển hướng tăng trưởng dựa vào tiêu dùng và dịch vụ, còn Mỹ nâng lãi suất mà không gây ra biến động lớn. Ngược lại, những rủi ro sẽ bao gồm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm mạnh, Mỹ tăng lãi suất quá nhanh, USD tăng giá và rủi ro địa chính trị. Năm 2017, WB dự báo GDP toàn cầu có thể tăng 3,1%.

(Theo USA Today, WB)