Đa số các nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn hạn chế bình luận về tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty Images) |
Vào thời điểm hiện tại, đa số các nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn hạn chế bình luận về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hoặc chúc mừng ông Biden khi chưa có kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Trong khi đó, nhiều tờ báo trên thế giới đã tuyên bố chiến thắng gần như chắc chắn của ứng cử viên đảng Dân chủ, bỏ qua việc chờ đợi các hãng truyền thông lớn của Mỹ tuyên bố.
Hy vọng vào chính quyền mới
Hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới nói rằng họ sẽ làm việc với bất kỳ ai đắc cử Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên công khai chúc mừng ông Biden, đồng thời gửi gắm hy vọng vào vai trò lớn hơn của Mỹ đối với biến đổi khí hậu.
Với việc ông Joe Biden đã bước một chân lên bục tổng thống, các quốc gia trên thế giới đang tìm hiểu xem một chính quyền Dân chủ sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Nhiều người hy vọng thời kỳ chủ nghĩa biệt lập Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ nhường chỗ cho thời kỳ lãnh đạo toàn cầu mới của Mỹ và áp dụng chủ nghĩa đa phương để giải quyết các thách thức chung.
Ngày 7/11, khi được hỏi về mối quan hệ với chính quyền Biden trong tương lai, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết liên minh Mỹ-Australia “lớn hơn bất kỳ cá nhân nào”. Ông Morrison cho biết ông sẽ đợi đến khi kết thúc kiểm phiếu và sẽ tiếp tục làm việc với Washington. Ông Morrison và ông Trump có mối quan hệ thân thiết từ lâu. Năm 2019, ông Trump đã yêu cầu nhà lãnh đạo Australia giúp đỡ mình trong bối cảnh cuộc điều tra của Cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Tại Ấn Độ, tờ Times of India đã tuyên bố ông Biden là người chiến thắng với tiêu đề “Tạm biệt Don (Donald Trump), cuối cùng là Biden”. Bài báo nhận định rằng việc cấp thị thực lao động H1-B cho phép người không nhập cư làm việc ở Mỹ khó có thể trở lại với quy mô hoặc số lượng như trước đây ngay cả khi chính quyền Biden có chính sách nhập cư thuận lợi hơn. Mặt khác, bài báo cũng lưu ý rằng đảng Dân chủ có thể mạnh tay hơn đối với các vi phạm nhân quyền ở Ấn Độ.
Với Trung Quốc, quan hệ với Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 40 năm trong bối cảnh tranh chấp gay gắt về thương mại, công nghệ, nhân quyền và đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm lạc quan rằng bất chấp những khác biệt cơ bản, chiến thắng của ông Biden có thể đóng vai trò như một chiếc "cầu giao ngắt điện" và mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định.
Ông Wang Xiangwei, một nhà báo và cố vấn biên tập tại tờ South China Morning Post, đánh giá “nhiệm kỳ Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ đặt ra một mức sàn trong quan hệ Mỹ-Trung đang rơi tự do hiện nay, dựa trên những nhận xét gần đây của ông Biden về Trung Quốc và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông ấy”. Ông Wang Xiangwei cho biết các quan chức Trung Quốc đang hy vọng ít nhất có một quãng nghỉ ngắn để phục hồi sau quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, một bài viết trên tờ Global Times lại lưu ý rằng sự chia rẽ đảng phái sâu sắc ở Mỹ sẽ không dễ dàng xoa dịu quan hệ của Mỹ với các nước bên ngoài. Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan Zhang Jiadong dự báo: “Nước Mỹ sẽ vẫn chia rẽ ở bên trong nhưng đoàn kết trước người ngoài, bất kể ai là tổng thống”.
Trong khi đó, các quan chức Iran phần lớn tránh bình luận về bầu cử Mỹ và những tác động có thể xảy ra đối với các chính sách của Mỹ, chẳng hạn như tương lai của các lệnh trừng phạt kinh tế và số phận của Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 do chính quyền ông Obama và ông Biden đàm phán. Năm 2018, ông Trump đã rút khỏi hiệp ước này và đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
“Đối với chúng tôi, cá nhân và đảng phái không quan trọng. Thay vào đó, điều quan trọng với Iran là các chính sách được chính phủ Mỹ thông qua ”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố ngày 7/11. Ông Rouhani đang cố gắng thúc giục Mỹ quay trở lại các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và bác bỏ lời kêu gọi của ông Trump đòi đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân.
Chủ tịch Hội đồng thành phố Tehran, Mohsen Hashemi Rafsanjani ngày 7/11 cũng chúc mừng gia đình của Qasem Soleimani, cựu chỉ huy Lực lượng Quds ưu tú của Iran, người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của quân đội Mỹ gần thủ đô Baghdad hồi tháng Một. Ông Rafsanjani cho biết vụ việc này góp phần tạo ra "thất bại nặng nề của ông Trump", BBC đưa tin.
Người Iran, vốn đang phải chịu ảnh hưởng nạng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19, đã theo dõi sát sao cuộc bầu cử Mỹ. Aftab-e Yazd, một tờ của Iran, đã đăng trên trang nhất số ra ngày 7/11 tiêu đề: “Một thế giới không có Trump”.
Trang bìa ngày 7/11 của tạp chí tin tức hàng đầu của Đức Der Spiegel. (Nguồn: Der Spiegel) |
Lo ngại về ông Trump
Với việc ông Trump dường như vẫn quyết tâm phản đối kết quả bầu cử tại tòa án, một số bày tỏ lo ngại về những gì ông có thể làm kể cả khi cuối cùng ông Trump cũng phải nhượng bộ.
“The squatter” (sự chiếm dụng) là tiêu đề trang bìa ngày 7/11 của tạp chí tin tức hàng đầu của Đức Der Spiegel. Tờ này minh họa hình vẽ ông Trump cố chấp cầm một khẩu súng trường, có rào chắn trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng và hình ông Biden mỉm cười phía sau có những lỗ đạn.
Ở Anh, tờ The Guardian miêu tả những tuyên bố của ông Trump như một "cuộc chiến chống lại thực tế", đồng thời lưu ý trong một bài xã luận rằng ông Biden sẽ rất mất công để "xây dựng lại uy tín của chính phủ Mỹ sau khi chủ nghĩa Trump làm mất đi". The Guardian nhấn mạnh: “Ông Biden sẽ phải khẳng định lại vai trò của Mỹ với tư cách là người giải quyết vấn đề toàn cầu. Dưới thời ông Trump ‘quốc gia không thể thiếu’ đã biến mất khi thế giới cần nó nhất”.
Nhiều tờ báo cũng chế nhạo nỗ lực duy trì quyền lực của Tổng thống Trump. “Một bàn tay nhỏ bé bám vào mọi thứ ngoại trừ thực tế”, trang nhất tờ Saturday Paper của Australia mỉa mai.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cảnh báo công dân của họ ở Mỹ về khả năng bị cuốn vào bạo lực liên quan đến bầu cử và yêu cầu mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm "xem xét liệu có cần thiết phải đi làm trong khi các cuộc biểu tình tiếp tục", theo báo Mainichi.
Trái lại, "thương hiệu" Donald Trump vẫn tiếp tục tìm thấy sự ủng hộ từ phe cực hữu. Lãnh đạo đảng Brexit của Vương quốc Anh Nigel Farage cho rằng ông Trump đúng khi “tiếp tục cuộc chiến” và lặp lại lời cáo buộc của ông Trump rằng việc bỏ phiếu qua bưu điện có vấn đề và dễ xảy ra gian lận.
Tại Nhật Bản, một nhà hàng bánh mì kẹp thịt gần căn cứ hải quân Mỹ theo truyền thống lâu đời là đặt tên bánh mì kẹp thịt theo tên tổng thống Mỹ đương nhiệm. Và nhà hàng này vừa thêm món Burger Biden vào thực đơn của mình. “Nhà hàng này đã bắt đầu phục vụ món Burger Trump cách đây 4 năm và đã sẵn sàng cho kết quả sắp được công bố khi quá trình kiểm phiếu sắp kết thúc”, đài NHK đưa tin.
Món Burger Biden mới được thêm vào thực đơn của một nhà hàng tại Nhật. (Nguồn: MLive) |
| Nóng. Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Hãng tin AP khẳng định ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ TGVN. Một số kênh truyền hình lớn khác như đài BBC (Anh), CNN (Mỹ) cũng đã công nhận kết quả này và kết luận ông ... |
| Người Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới kết quả bầu cử Mỹ để... giải trí TGVN. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra không chỉ thu hút sự chú ý của người dân Mỹ mà nó còn trở ... |
| Kết quả bầu cử Mỹ 2020: 'Đặt cược' vào ông Joe Biden, người dân Mỹ đang mong đợi gì? TGVN. Mỗi lá phiếu ủng hộ ông Joe Biden chắc chắn đều gửi gắm những kỳ vọng riêng, phù hợp với quan điểm, chính sách ... |