📞

Thế giới sẽ thế nào khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng

TS. Vũ Đăng Minh 09:00 | 10/11/2024
Trái với đa số kết quả thăm dò, dự báo, cựu Tổng thống Donald Trump đã trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo. Bước đầu, chuyên gia nêu ra nhiều lý do. Nhưng cần có thời gian để phân tích đầy đủ, kỹ lưỡng câu chuyện nói trên.
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ "đối đãi" với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. (Nguồn: SMH)

Ông Donald Trump đề cập khá rõ nhiều vấn đề lớn trong chương trình tranh cử. Nhưng biến lời hứa thành hiện thực là một quá trình phức tạp, có độ trễ, độ chênh nhất định. Vấn đề nổi lên bây giờ là thế giới sẽ ra sao trong nhiệm kỳ Tổng thống mới của chính trị gia 78 tuổi này?

Xung đột ở Ukraine chẳng dễ dàng

Không quá tin vào tuyên bố “chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ” nhưng nhiều người hy vọng chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ góp phần quan trọng chấm dứt điểm nóng này. Bởi theo ứng cử viên Donald Trump, cuộc xung đột đó không đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho Mỹ, ngược lại phần viện trợ quá lớn. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông cần dành nguồn lực phát triển kinh tế, đưa sự hưng thịnh của Mỹ lên tầm cao mới.

Dự báo Mỹ có thể gia tăng sức ép buộc Ukraine chấp nhận nhượng bộ một phần lãnh thổ, để đóng băng cuộc xung đột. Nga nhận thấy tín hiệu này, đang có lợi thế trên chiến trường và cũng không từ bỏ giải pháp đàm phán, nếu đạt được mục tiêu cơ bản. Do đó, đây là kịch bản có thể và nhiều nước mong muốn.

Nhưng điều này cũng gặp phải những cản trở không nhỏ. Giới tài phiệt và các tập đoàn đa quốc gia của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ không muốn từ bỏ nguồn lợi lớn từ buôn bán vũ khí. Với đa số thành viên EU, NATO, “mối đe dọa an ninh từ Nga” là cơ sở cho sự gắn kết liên minh. Mỹ giảm sự can dự ở Ukraine gần như đồng nghĩa với xem nhẹ châu Âu! Hơn thế nữa, EU đã “trót đâm lao”, rút lại không dễ và cảm giác như bị lỗ.

Với viện trợ từ Mỹ và châu Âu trong thời gian chuyển giao quyền lực, Ukraine vẫn hy vọng tạo chuyển biến để cố lôi kéo Mỹ và phương Tây không bỏ cuộc. Cái mà Nga lo ngại nhất là sau khi Ukraine chịu “đổi đất lấy hòa bình”, xung đột bị đóng băng, Kiev lại có điều kiện để gia nhập NATO. Điều kiện đàm phán tiên quyết giữa Nga và Ukraine quá xa nhau, cần nhiều thời gian và tác động mạnh để hai bên thỏa hiệp.

Cộng với đó, ông Donad Trump là người khó đoán định, chưa biết ông sẽ phản ứng thế nào nếu tình hình không như đạo diễn. Vì thế, kịch bản chấm dứt xung đột có khả năng, nhưng không hề dễ dàng. Thậm chí có thể còn phức tạp hơn nếu một bên quyết đẩy xung đột cao hơn để buộc bên kia chấp nhận điều kiện của mình. Thái độ thận trọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước kết quả bầu cử Mỹ cũng xuất phát từ dự báo đó.

Kịch bản chấm dứt xung đột ga-Ukraine có khả năng, nhưng không hề dễ dàng. (Nguồn: AP)

Tương lai Trung Đông vẫn mờ mịt

Quan điểm của Tổng thống đắc cử rất nhất quán, ủng hộ Israel mạnh mẽ và cứng rắn, kiên quyết làm suy yếu sức mạnh, vai trò, ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Ưu tiên của Mỹ là tiếp tục chống lưng, sẵn sàng hỗ trợ Israel tự do hành động để giành thắng lợi quân sự trước khi có giải pháp khác, bất chấp phản ứng của dư luận quốc tế.

Iran và “trục kháng chiến” đã khó khăn càng khó khăn hơn. Tình thế đó có thể thúc đẩy họ tìm mọi cách để tồn tại, chống trả, buộc đối thủ chấp nhận giải pháp ngừng bắn, đối thoại và lôi kéo sự chú ý mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế. Giao tranh giữa Israel với “trục kháng chiến” ít khả năng bùng phát thành cuộc chiến khu vực, nhưng sẽ tiếp tục diến biến ác liệt, phức tạp. Tổn thất cho thường dân và thảm họa nhân đạo càng nặng nề hơn.

Hy vọng tìm lối thoát cho điểm nóng Trung Đông vẫn trong tình trạng mờ mịt. Viễn cảnh Nhà nước Do Thái và Nhà nước Palestine cùng tồn tại theo tinh thần nghị quyết Đại hội đổng Liên hợp quốc càng trở nên xa vời.

Cạnh tranh Mỹ-Trung càng nóng hơn

Cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều thống nhất coi Trung Quốc là đối thủ duy nhất có khả năng thách thức Mỹ trong thế kỷ XXI. Ông Donald Trump sẽ thực hiện lời hứa đánh thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lên tới 60% và hơn, mở rộng cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ cao. Mục đích không chỉ là giảm thâm hụt cán cân thương mại mà quan trọng hơn, ngăn chặn sự thách thức ngôi vị cường quốc số một.

Trung Quốc không muốn đối đầu, căng thẳng leo thang, nhưng chắc chắn sẽ đáp trả, khiến cuộc chiến kinh tế, thương mại càng nóng hơn. Với sức mạnh khá cân bằng và sự phụ thuộc khó tránh khỏi giữa hai nền kinh tế lớn nhất, cả Washington và Bắc Kinh đều gặp khó khăn, tổn thất lớn.

Châu Âu, châu Á và nhiều quốc gia có thể bị lôi kéo vào vòng xoáy, chịu tác động lớn từ cuộc chiến này. Cạnh tranh kinh tế Mỹ-Trung quyết liệt càng đẩy Bắc Kinh và Moscow liên kết chặt chẽ hơn. Nó cũng thúc đẩy xu hướng thiết lập kênh thanh toán độc lập, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD giữa thành viên BRICS với các nước đối tác mạnh hơn. Nguồn lực, chuỗi cung ứng, sản xuất và thị trường toàn cầu bị chia cắt, phân mảnh hơn.

Cạnh tranh kinh tế Mỹ-Trung quyết liệt càng đẩy Bắc Kinh và Moscow liên kết chặt chẽ hơn. (Nguồn: NYT)

Tác động đa chiều từ chính sách đối ngoại

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ thực hiện chính sách đối ngoại nhằm duy trì vai trò, sức mạnh cường quốc số một và lợi ích chiến lược quốc gia, trên cơ sở tập hợp, liên kết đồng minh, đối tác toàn cầu, nhất là trên các châu lục, khu vực trọng điểm.

Trong nhiệm kỳ mới, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục giương cao khẩu hiệu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Bên cạnh tập trung vào đối nội, kinh tế, ngăn chặn nhập cư…, ông Donald Trump vẫn duy trì đường hướng cơ bản như nhiệm kỳ trước và có những điều chỉnh mới.

Mỹ sẽ vẫn duy trì chính sách răn đe quân sự, trừng phạt kinh tế, tăng cường kiềm chế, đối đầu với các đối thủ chủ yếu, một cách quyết đoán, thực dụng hơn, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, an ninh và sức mạnh cường quốc hàng đầu trên toàn cầu.

Tiếp tục duy trì liên minh NATO, Bộ tứ (Quad), Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) và liên minh Mỹ - Nhật – Hàn, song Mỹ đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đóng góp nhiều hơn, trả chi phí lớn hơn cho “ô an ninh” của Mỹ. Nghĩa là “sòng phẳng về kinh tế” với cả đồng minh.

Điều đó sẽ làm nảy sinh một số vấn đề giữa Mỹ và đồng minh, đối tác. Trung Quốc và đối thủ khác của Mỹ có thể tận dụng “vấn đề nội bộ” trong NATO và phương Tây để gia tăng ảnh hưởng, cả chính trị, an ninh và kinh tế trên toàn cầu.

Washington tiếp tục rút khỏi các thể chế đa phương được cho là ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC), Hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris và cắt giảm mạnh viện trợ nhân đạo… Các thể chế đa phương sẽ khó khăn hơn.

Có thể nói, Mỹ sẽ hành động đơn phương, thực dụng hơn, khó đoán định hơn. Bên cạnh kỳ vọng khôi phục sự thịnh vượng của Mỹ, làm “đầu tàu” cho phát triển kinh tế và hy vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine, tiếp tục đối thoại với Triều Tiên như ông Donald Trump từng làm trong nhiệm kỳ trước, thì thế giới cũng đứng trước không ít nguy cơ, thách thức. Đó là sự gia tăng chia cắt, phân mảnh trên toàn cầu; Trung Đông và cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc nóng hơn…

***

Thắng cử một cách mạnh mẽ cùng với việc đảng Cộng hòa chi phối cả lưỡng viện đang hiện hữu, thôi thúc và tạo thuận lợi lớn cho ông Donald Trump hành động theo chủ thuyết của mình. Nhưng Tổng thống đắc cử cũng đứng trước không ít thách thức. Sự chia cắt sâu sắc trong lòng nước Mỹ khó hàn gắn. Các đối thủ sẽ liên kết chặt chẽ hơn để đối phó. Đồng minh, đối tác cũng sẽ tìm biện pháp để chia sẻ lợi ích và giữ vị thế nhất định trong quan hệ với Mỹ.

Đa phương hóa, đa cực hóa, hội nhập, toàn cầu hóa và liên kết, hợp tác đối phó với các thách thức chung về an ninh, chống biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, suy thoái kinh tế… là xu hướng không thể đảo ngược, sẽ tạo áp lực nhất định với ông chủ Nhà Trắng.

Mỹ vẫn là cường quốc số một, chi phối nhiều lĩnh vực, khu vực trên toàn cầu. Thế giới đứng trước một nước Mỹ tỏ ra đơn phương, tách biệt lợi ích. Cộng đồng quốc tế cần và phải tìm cách thích nghi với thực trạng mới, tận dụng mặt tích cực từ sự điều chỉnh chính sách và sự hưng thịnh của Mỹ; hạn chế tác động trái chiều từ chính sách mới của Washington.

“Đây thực sự sẽ là một thời đại hoàng kim cho nước Mỹ. Đây là một chiến thắng vĩ đại giúp chúng ta đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. (Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu mừng chiến thắng, sáng 6/11)

Việt Nam cơ bản cũng chịu một số tác động chung như nhiều quốc gia khác trong khu vực, nhất là về kinh tế, thương mại…, như tăng mức thuế nhập khẩu cao hơn, áp thuế chống bán phá giá, yêu cầu nhập khẩu nhiều hàng hóa Mỹ hơn.

Phát triển quan hệ với Việt Nam trên cơ sở lợi ích của hai nước là chủ trương chung của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông Donald Trump đã hai lần đến Việt Nam. Hai nước đã nâng quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn.

Với các nhân tố đó, quan hệ Việt-Mỹ về chính trị, an ninh, kinh tế, ngoại giao… cơ bản vẫn ổn định và tiếp tục phát triển theo khuôn khổ được định hình trong giai đoạn 10 năm tới.


Theo dõi tuyến bài về bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 của Báo Thế giới và Việt Nam tại đây.