Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ tại toạ đàm. (Nguồn: Vietnamnet) |
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023, sáng 18/3, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số, với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà báo giàu kinh nghiệm.
Chia sẻ về báo chí, cách thức làm báo ngày càng khác, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, với hơn 40 năm làm nghề báo, kinh qua tất cả các vị trí trong nghề, trải qua cách làm báo truyền thống của các thế hệ đi trước và hiện tại ông thấy có sự khác biệt rất lớn.
"Bây giờ người làm báo cần nghĩ đi theo con đường nào để đến với công chúng. Cách tiếp cận công chúng là vô cùng quan trọng. Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng", ông Lợi nhấn mạnh đến nội dung và công nghệ hỗ trợ lẫn nhau trong làm báo.
Công nghệ số càng phát triển, trách nhiệm của nhà báo càng lớn hơn. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, nội dung báo chí đương nhiên phải có chất lượng tốt để có bạn đọc. Khi có nội dung tốt thì cần phương tiện truyền thông để giúp lan tỏa.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức khẳng định, công nghệ số ra đời đã làm thay đổi toàn bộ quá trình tác nghiệp của phóng viên. Nhờ công nghệ, người làm báo có hiệu quả, năng suất hơn nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi phải đối mặt với 3 vấn đề "nội dung, công nghệ, kinh tế báo chí".
Trước đây công cụ hỗ trợ ít, năng suất làm báo thấp, mỗi phóng viên, nhà báo trong một tuần có thể chỉ viết được 2 bài, hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, một tuần có thể viết được 4 bài, năng suất làm báo hiện nay lớn hơn nhiều.
Dù thay đổi nhiều về công nghệ nhưng quan trọng nhất là tính chiến đấu của người làm báo vẫn phải nuôi dưỡng trong tim, các bài viết lúc nào cũng phải vì xã hội, vì dân tộc.
Hiện nay, nhiều tổng biên tập đang chịu sức ép lớn về việc thu phí đọc báo để mang lại nguồn thu cho cơ quan. Theo ông Đức, giữa rừng thông tin, nhà báo phải khẳng định được trình độ, năng lực của bản thân. Báo chí hiện nay không những đối mặt với nội dung, công nghệ, còn cả với kinh tế báo chí. Do đó, ngoài các thông tin miễn phí, báo chí có thể tiến tới thực hiện các sản phẩm, bài viết chuyên sâu, chuyên biệt, độc quyền để có thể thu phí đọc báo điện tử.
Ông chia sẻ thêm, làm sao tin bài có lượng view (lượng người đọc) cao mà vẫn đúng theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan, tòa soạn, đòi hỏi nhà báo phải trở thành chuyên gia ở lĩnh vực mình theo dõi. Trong đó, trách nhiệm của nhà báo khi thông tin về các sự kiện không chỉ nhanh, mà cần góc tiếp cận độc đáo, chia sẻ thông tin và áp dụng công nghệ. Các nhà báo phải học hỏi nhiều thứ, trong đó có công nghệ.
Hàng tuần phải kiểm tra view của phóng viên, bởi theo ông, sản phẩm báo chí mà không có view là không thành công, bài viết không có view thì không có nhuận bút.
Ông Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh, sinh viên theo đuổi nghề báo phải làm chủ được báo chí đa phương tiện, biết làm infographic, dựng hình, làm podcast. Đồng thời phải yêu nghề, có trách nhiệm với xã hội, yêu thương con người, phải bảo vệ người yếu thế, đấu tranh với cái sai, luôn luôn học hỏi tính sáng tạo trong báo chí, bổ túc công nghệ, xu hướng báo chí hiện nay…
Nói thêm về điều này, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, với những phương tiện làm báo xuyên Việt hiện tại rất dễ khiến người làm báo đánh mất mình do theo đuổi các thông tin trên mạng xã hội, phát hành các tác phẩm không có tính báo chí, không tác nghiệp báo chí; thậm chí có thể đánh mất lương tâm của người làm nghề, dùng nghề phục vụ lợi ích của bản thân.
Theo ông, đối với người làm báo trong kỷ nguyên số cần phải "học, lao động, sáng tạo", tác phong làm nghề và đạo đức làm nghề vô cùng quan trọng. "Trong một cơ quan báo chí, không ai quan trọng hơn ai, mọi người hãy làm tốt công việc của mình", ông Lợi chia sẻ.