Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chủ trì buổi họp báo công bố thông tin về kì thi THPT quốc gia vào chiều 9/9/2014. |
Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ về phương thức tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia. Cụ thể, về môn thi, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
Những điểm mới
Về đề thi: Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Về tổ chức thi: Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.
Xét công nhận tốt nghiệp THPT: Các Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án Tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế.
Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3, chuyển dữ liệu về Bộ giữa tháng 4 hàng năm.
Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6. Trước ngày 1/1 hàng năm các ĐH, HV, các trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi bộ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đổi với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế.
Thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh ĐH sau:
Điểm thi của thí sinh trong kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy, thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi quốc gia. Như vậy, đối với tuyển sinh ĐH, CĐ đã tách khâu thi và khâu xét tuyển, tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH.
Cả địa phương và trường đại học cùng tổ chức thi:
Về tổ chức thi, để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi sẽ bố trí tổ chức coi thi, chấm thi theo các Cụm thi tập trung. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.
Các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của Kỳ thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các Cụm thi tại địa phương do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ. Còn với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các Cụm thi ở các trường ĐH (tương tự như các Cụm thi ĐH năm 2014) do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Và nhiều thử thách
Tại buổi họp báo, Bộ cho biết: Sau khi Dự thảo Phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia được công bố ngày 29/7/2014, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi cho đến hết ngày 22/8/2014 trên các đối tượng: Giám đốc một số sở GD-ĐT và Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Các trường ĐH, CĐ; Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THPT, Trung tâm GDTX trong cả nước. Kết quả tổng hợp được thể hiện như bảng dưới đây:
Đa số ý kiến nhất trí nên tổ chức kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 và tổ chức vào đầu tháng 6 hàng năm. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất đề nghị áp dụng quy trình coi thi, chấm thi của kì thi quốc gia giống như kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2014; tổ chức thành các cụm thi quốc gia, đặt tại các trường ĐH, CĐ và các trường THPT trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thị trấn; Hiệu trưởng trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi; huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ và cán bộ, giáo viên ở các Sở GD-ĐT tham gia coi thi và chấm thi.
Một số ý kiến đề nghị Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn vì đối tượng thí sinh là học viên GDTX không được học Ngoại ngữ và điều kiện dạy học Ngoại ngữ ở các vùng miền rất khác nhau nên khó công bằng trong đánh giá. Bên cạnh đó, nếu ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường có ngành học tương ứng với khối D trước đây dẫn đến không công bằng giữa các đối tượng dự thi.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét công nhận tốt nghiệp bằng bài kiểm tra chất lượng cuối lớp 12 do Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, nên duy trì kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ vì cách thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH,CĐ vừa qua nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, các trường có mặt bằng chung để xét tuyển. Một số chuyên gia có ý kiến phân tích, phản biện về việc tổ chức kì thi và dự báo những rủi ro, lường trước những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra khi tổ chức kì thi.
Cũng tại buổi họp báo này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: Phương án đưa ra là khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay và kì thi này đủ tin cậy để đảm bảo mục tiêu tuyển sinh riêng của các trường. Mặt khác, Bộ không khống chế các trường tuyển sinh riêng. Các trường có thể tổ chức kì thi khác để lựa chọn thí sinh đủ năng lực phù hợp để tuyển sinh. Đó là quyết định của từng trường để lựa chọn tuyển sinh. Việc miễn thi Ngoại ngữ, Bộ sẽ ra quy định cụ thể về danh sách các chứng chỉ được miễn. Quan điểm là công nhận đối với các chứng chỉ quốc tế, không phải chứng chỉ nào cũng được.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng cũng cho biết, để thực hiện mục đích vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức kì thi với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông.
Trước những câu hỏi băn khoăn của báo chí về chất lượng kỳ thi quan trọng này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng cho rằng: Kì thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, thành công của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đặc biệt, những ưu điểm của kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây sẽ được áp dụng để tổ chức các cụm thi trong kì thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì.
T.T