Các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. (Nguồn: VGP) |
Các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Nhiều người quan niệm đây là kỳ thi quan trọng của đời người. Không ít gia đình xáo trộn, căng thẳng "tiếp sức" cho con, để con em mình đạt kết quả tốt nhất.
Có người nói, chuyện thi cử khiến chúng ta bỏ phí nhiều năm thanh xuân. Cũng phải, đôi khi chúng ta chỉ mải miết học và học, học để vào được trường điểm, học để thi, học để đạt điểm cao, học để bước vào trường đại học tốt. Nhưng học chỉ là cánh cửa, còn sự nghiệp và công việc phù hợp với mình mới là đích đến.
Hiện nay, Trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi, việc học sẽ có nhiều thay đổi để thích ứng. Học sinh bây giờ cũng khác. Các em trở nên tự tin, dám bày tỏ quan điểm của mình và phản biện, không còn rụt rè khi đứng trước một vấn đề. Cách học ít nhiều đã thay đổi. Nhìn lại, dù đổi mới giáo dục là thế nhưng dường như việc học vẫn nặng, việc thi vẫn còn căng thẳng.
Ở Việt Nam, những kỳ thi vẫn là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực, quyết định cho tương lai số đông. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không hiếm đứa trẻ phải học ngay khi chưa vào lớp Một. Những kỳ thi “cân não” vào lớp 6, lớp 10 khiến nhiều đứa trẻ “bán” thời gian cho việc học, bỏ quên tuổi thơ cho việc học, việc thi. Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây đã bớt áp lực nhưng đâu đó vẫn có những nỗi buồn, những tiếng thở dài, những giọt nước mắt rơi.
Thực tế, những "cỗ máy" học tập, thi cử cứ cần mẫn hoạt động từ năm này qua năm khác. Điều đáng nói, nhiều người vẫn đề cao một kỳ thi có thể quyết định cả đời người. Thi cử ở nước ta chưa bao giờ nhẹ nhàng và áp lực là có thật.
Phải chăng chúng ta quá chú trọng vào điểm số mà quên mất việc kiểm tra kỹ năng học tập, xem học sinh đã sẵn sàng vào đại học chưa. Bởi kỹ năng mới là thứ các em cần để có thể lĩnh hội kiến thức, có thể áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Khi không quá đề cao vào điểm số, vào thành tích, việc học vì thế sẽ nhẹ nhàng hơn.
Đành rằng, thi cử là thước đo khảo sát – một công đoạn không thể thiếu trong giáo dục nhưng thành công của một người chưa chắc được quyết định bởi một kỳ thi. Bởi đó là cả quá trình rèn luyện, thực hành và nỗ lực không ngừng. Năng lực của mỗi người được thể hiện trong việc tiếp thu và vận dụng kiến thức vào cuộc sống chứ không chỉ ở điểm số cao, thành tích tốt. Làm sao để những kỳ thi trở nên nhẹ nhàng hơn với cả xã hội và với mỗi gia đình? Làm sao để thí sinh và cả phụ huynh không bị quá áp lực khi bước vào kỳ thi? Muốn vậy, ngay bản thân mỗi bậc cha mẹ phải giải phóng bớt áp lực đang đè nặng lên con.
"Nếu giáo dục thay đổi hệ giá trị, cách nhìn nhận về thực lực của con người, chắc chắn áp lực từ các kỳ thi sẽ giảm. Việc đánh giá năng lực của một con người cũng khác, thực chất hơn, để kỳ thi không phải cuộc chiến, không có những giọt nước mắt rơi". |
Đồng thời, việc kiểm tra, thi cử không thể thiếu trong quá trình học tập nhưng kiểm tra như thế nào vẫn là câu chuyện cần sự thay đổi quyết liệt. Như PGS. TS. Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN) từng nói, điều chúng ta cần thay đổi là “trọng học” chứ không phải “trọng thi”. Học vì động cơ khám phá kiến thức, đam mê học vì muốn chinh phục cái mới trong lĩnh vực chuyên môn chứ không phải học để đạt thành tích khẳng định bản thân, để làm hài lòng gia đình và thầy cô.
"Làm thế nào để các kỳ thi hay các bài kiểm tra được người học nhìn nhận như một lần mình khám bệnh, định vị lại kiến thức, năng lực của mình ở chỗ nào để điều chỉnh kế hoạch giúp bản thân đạt mục tiêu nghề nghiệp và thành công trong tương lai thay vì nỗi sợ thất bại.
Các kỳ thi cũng không chỉ tập trung đánh giá kiến thức học tập mà còn đánh giá cả những năng lực, kỹ năng mềm như năng lực tự chủ, hoài bão khát vọng, năng lực thích ứng linh hoạt, lãnh đạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và giao tiếp ấn tượng. Đó là những điều chúng ta cần tiếp tục tiếp thu và triển khai một cách có hiệu quả", PGS. Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học FPT cho rằng, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định tâm lý cho con cái trước mỗi kỳ thi, đừng quá đặt kỳ vọng vào con cái mà hãy động viên, tạo môi trường thoải mái để các bạn thí sinh có thể an tâm ôn tập với nỗ lực của chính bản thân các bạn.
Thực tế, quan niệm thi cử hiện nay khiến trẻ cảm thấy quá áp lực, mệt mỏi. Trong khi, điểm thi cũng chỉ là con số chứ không thể đo lường được năng lực của một người. Để các em có thể bước vào đời tự tin, có thể thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Những thiên tài, người thành đạt xưa nay không phải ai cũng vượt qua tất cả các kỳ thi với điểm 9, điểm 10. Họ cũng từng thất bại, tự đứng lên và biết thế mạnh của mình ở đâu.
Hãy để mỗi thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn, bởi cuộc thi không phải cuộc chiến. Có lẽ, vấn đề lúc này chính là cởi bỏ áp lực đang đè nặng lên vai học sinh.
Cũng phải nói thêm rằng, nếu giáo dục thay đổi hệ giá trị, cách nhìn nhận về thực lực của con người, việc đánh giá năng lực của một người cũng khác, thực chất hơn; hẳn nhiên áp lực từ các kỳ thi sẽ giảm...
| Nhà báo bổ sung kiến thức, kỹ năng để mỗi sản phẩm có hàm lượng tri thức cao Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV giao thông, Đài tiếng nói Việt Nam khẳng định, các nhà báo cần luôn được ... |
| Nhà báo Ngô Việt Anh: Báo chí hãy làm mới mình bằng công nghệ số Các cơ quan báo chí nên phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của độc giả trung thành để thu ... |
| Thêm trường đại học công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 Dưới đây là điểm chuẩn học bạ của Trường Đại học Thủy Lợi và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024. |
| Chi tiết điểm chuẩn xét tuyển sớm của Đại học Đà Nẵng năm 2024 Ngày 24/6, Đại học Đà Nẵng công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ THPT đợt 1 năm 2024 vào các trường ... |
| TP. Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên năm 2024 Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh vừa công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên và lớp 10 tích hợp năm 2024. |